Trong quy định của pháp luật, doanh nghiệp có được tự do kinh doanh những ngành nghề không bị cấm hay không? Quý doanh nghiệp hãy cùng tham khảo qua bài viết chi tiết dưới đây của Luật Đại Việt để nắm rõ hơn về các quy định của pháp luật đối với vấn đề này nhé.
Theo như khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nêu rõ quyền của doanh nghiệp như sau: “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Quy định này cũng được khẳng định tại Khoản 1, Điều 5 Luật Đầu tư 2014, áp dụng với không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể:” Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”.
Một số ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp phải tìm hiểu cũng như lưu ý trước khi đăng ký như sau:
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật nghiêm cấm
Theo như nội dung tại điều 6 Luật Đầu tư 2014 có quy định như sau:
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Khác với ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật nghiêm cấm, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư trong ngành nghề đó phải đảm bảo những điều kiện mà pháp luật đặt ra. Ví dụ, doanh nghiệp muốn kinh doanh các ngành nghề này cần phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Doanh nghiệp có thể tra cứu các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014.
Điều kiện kinh doanh đối với các nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều kiện khác theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phải đảm bảo những điều kiện này trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ của mình theo như trong Điều 8 của luật doanh nghiệp năm 2014:
“1. Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
2. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
3. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
5. Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
6. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
7. Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
8. Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh.
9. Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.”
Xem thêm các tin tức liên quan:
Thủ tục đổi tên doanh nghiệp cho công ty cổ phần
Xử phạt hành chính về đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh
Với những thông tin mà chúng tôi cung cấp ở trên, hy vọng rằng sẽ giúp cho người dân có thêm những kiến thức pháp luật cần thiết. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Văn phòng công chứng Đại Việt (nay là Văn phòng công chứng Trần Hằng)/ Công ty Luật TNHH Đại Việt để được giải đáp cụ thể.
-----------------------------------------------------------------
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TRẦN HẰNG
Địa chỉ: Số 09 phố Vạn Phúc - phường Liễu Giai – Ba Đình – Hà Nội
Tel: (04) 37478888 Fax: (04) 37473966
Hotline: 0933.668.166 hoặc 096.296.0688
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: www.luatdaiviet.vn