Kháng nghị án dựa trên khiếu nại ?
Hiện nay, số lượng đơn thư khiếu nại đối với những bản án, quyết định dân sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật là khá lớn.

Tuy nhiên, các tòa còn hiểu khác nhau về đường lối xử lý, dẫn đến việc giải quyết thiếu thống nhất…

Theo Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự, khiếu nại về bản án, quyết định sơ thẩm không được giải quyết theo quy định của chương XXXIII (thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo) mà giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của bộ luật. Vấn đề là trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại ra sao thì bộ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không đề cập. Vì vậy, trong các tòa đang phát sinh hai quan điểm khác nhau về đường lối xử lý.

Tiếp nhận làm cơ sở phá án?

Hiện nay, đương sự khiếu nại về bản án, quyết định dân sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của tòa thường yêu cầu xem xét lại vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Từ đó, một số thẩm phán cho rằng các đơn thư khiếu nại là một dạng thông báo vi phạm pháp luật của bản án sơ thẩm hay thông báo về tình tiết quan trọng mới xuất hiện, có thể làm thay đổi bản chất vụ việc.

Theo các ý kiến này, đơn thư khiếu nại là một nguồn thông tin để làm cơ sở xem xét lại vụ án theo thủ tục đặc biệt. Những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải tiếp nhận, xem xét các đơn thư khiếu nại này để quyết định có kháng nghị phá án hay không.

 

 

 

 

Hiện nay, các tòa đang có quan điểm khác nhau về đường lối xử lý các khiếu nại án sơ thẩm dân sự. Ảnh minh họa: HTD

Hay chỉ trả lời bình thường?

Ngược lại, quan điểm khác được nhiều thẩm phán đồng tình hơn là chỉ nên xem các đơn thư khiếu nại này như khiếu nại về hành chính tư pháp thông thường. Tòa nhận đơn, xem xét rồi ban hành công văn trả lời cho đương sự.

Trong hội nghị tổng kết ngành tòa án TP.HCM mới đây, đại diện Phòng Giám đốc kiểm tra TAND TP nhận định sẽ không ổn nếu hiểu đơn thư khiếu nại theo hướng là thông báo về vi phạm pháp luật của bản án sơ thẩm, từ đó ràng buộc nghĩa vụ xem xét kháng nghị phá án.

Cụ thể, đơn thư khiếu nại của đương sự mới chỉ là một phía, chưa đầy đủ. Trong khi đó, để đảm bảo tính ổn định của bản án, kháng nghị phá án phải có tính chính xác cao chứ không thể cầu may, dựa vào những thông tin chưa đầy đủ mà đương sự đưa ra. Mặt khác, thực tế, rất nhiều đơn thư khiếu nại của đương sự không có thông tin về vi phạm của tòa sơ thẩm hoặc chung chung, thiếu cụ thể để người có thẩm quyền có thể lấy làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

Thiếu quy định

Theo Phòng Giám đốc kiểm tra TAND TP.HCM, ngoài các khiếu nại về bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, còn nhiều dạng khiếu nại phổ biến khác trong tố tụng dân sự như khiếu nại về yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thông báo trả đơn kiện…, luật cũng chưa quy định đầy đủ.

Hậu quả là tòa không biết đâu là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng để giải thích, hướng dẫn cho đương sự. Chẳng hạn, luật quy định sau ba ngày nhận được khiếu nại của đương sự về việc thụ lý thì chánh án TAND nơi bị khiếu nại phải xem xét trả lời nhưng luật lại không nói rõ văn bản trả lời này có phải là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng hay không.

Là khiếu nại thông thường

Đối với khiếu nại của đương sự về bản án, tòa có thể gửi công văn hồi đáp như các khiếu nại thông thường khác bởi luật hiện hành không hề quy định khi có khiếu nại là tòa phải thành lập hội đồng xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm. Chỉ khi nào người giải quyết khiếu nại thấy vụ án có dấu hiệu vi phạm rõ ràng thì mới cần xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.

Giải quyết theo hướng này còn tránh được chuyện lạm dụng khiếu nại để kéo rê án. Tôi ví dụ: Một vụ án có 20 đương sự, 20 người đó đều khiếu nại, tòa phải 20 lần thành lập hội đồng xem xét có kháng nghị giám đốc thẩm hay không thì biết khi nào mới xong?

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nên có hai hướng giải quyết

Trong bối cảnh luật chưa quy định cụ thể thì các tòa càng phải thận trọng xử lý các khiếu nại đó theo hai hướng: Khi chánh án TAND cấp trên xem xét khiếu nại, thấy cấp sơ thẩm vi phạm pháp luật, có thể làm căn cứ kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải ra quyết định kháng nghị bình thường. Còn nếu không thấy dấu hiệu vi phạm gì hoặc chỉ là sơ sót lặt vặt về chính tả, con số… thì chánh án TAND cấp trên ra văn bản trả lời cho đương sự biết.

Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang

THANH TÙNG

Full name
Email
Content
Verify comfirm code
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên