Câu hỏi: (Dân trí): Làm ơn cho tôi hỏi thủ tục ly hôn trong hoàn cảnh tôi đang ở nước ngoài vợ tôi đang ở trong nước, vì công viêc tôi không thể về Việt Nam được.
(Nguyễn Văn Trường; Email: nguyenkhanh7@yahoo.com)
Tại Điều 24 Bộ Luật Dân sự năm 2005 (BLDS): “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Tại Điều 42 BLDS quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”.
Theo các nêu trên thì quyền ly hôn là quyền nhân thân của mỗi cá nhân, nên không thể chuyển giao cho người khác, có nghĩa là không được ủy quyền cho người khác giải quyết ly hôn thay cho mình. Do vậy, muốn đơn phương ly hôn với vợ bạn thì bạn phải tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền.
Tại Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS) quy định: 1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này.
2. Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 28 của
Bộ Luật này.
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ởnước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện”. Điều 27 BLTTDS quy định: “Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
6. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định”.
Theo quy định nêu trên thì thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn sẽ thuộc Tòa án nhân dân tỉnh nơi người vợ cư trú. Bạn phải gửi đơn ly hôn cùng tài liệu để chứng minh cho Tòa biết tình trạng vợ chồng bạn đủ căn cứ theo quy định tại khoản1 điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn” để yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp của bạn nên thống nhất thuận tình yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, việc thỏa thuận này sẽ rút ngắn thời gian đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tham gia phiên tòa ít hơn, đỡ tốn chi phí đi lại từ nước ngoài về Việt Nam và ảnh hưởng tới công việc của bạn. Nếu hai bạn thuận tình ly hôn thì bạn có thể làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Hy vọng bạn sẽ có hướng giải quyết tốt nhất.
Luật sư Vũ Thị Hiên
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn