|
Ngôi nhà 45 Hàm Long bị Cty Xây dựng Hà Nội tự ý khuân vác bàn thờ, đồ đạc của người dân ra khỏi nhà.
|
KTNT- Tuy trong hợp đồng mua bán nhà chỉ có nhà 1 tầng, không có kèm phần diện tích phụ nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Hà Nội (trụ sở tại số 56 Lý Tự Trọng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) lại chiếm luôn căn nhà 3 tầng và toàn bộ phần phụ, nhà vệ sinh của người dân....
Hợp đồng vô hiệu
Ngày 24/6/2010 vợ chồng ông Phạm Văn Chế ký hợp đồng mua bán (không có công chứng) ngôi nhà số 45 Hàm Long với ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội (Cty Xây dựng Hà Nội) với nội dung: Bán toàn bộ số nhà 45 Hàm Long với tổng diện tích 325,9m2 cho Công ty giá 36 tỷ đồng.
Theo đó, ông Chế có trách nhiệm ký hợp đồng công chứng và bàn giao cho Công ty 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10105055377 do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cấp ngày 02/12/2002 đối với diện tích 57,2m2 thửa đất số 76/F1 tờ bản đồ S4 lập năm 1956 và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do UBND thành phố Hà Nội cấp ngày 09/7/1999 đối với 45,9m2 tại địa chỉ 45 Hàm Long.
Theo hợp đồng trên, ông Chế có nghĩa vụ tiến hành thủ tục mua bán nhà theo Nghị định 61/CP phần diện tích còn lại và bàn giao cho Cty Xây dựng Hà Nội. Công ty đã thanh toán cho ông Chế làm 03 lần với tổng số tiền là 11 tỷ 715 triệu đồng. Tuy nhiên, Hợp đồng yêu cầu ông Chế trong 90 ngày phải hoàn thành các thủ tục hoá giá, sang tên là quá gấp gáp và không khả thi.
|
Ngôi nhà 45 Hàm Long bị Cty Xây dựng Hà Nội tự ý khuân vác bàn thờ, đồ đạc của người dân ra khỏi nhà.
|
Sau đó phía Cty Xây dựng Hà Nội đã đơn phương thương lượng mua bán nhà với hộ liền kề; mặt khác, tiến hành ký 02 Hợp đồng mua bán 2 căn nhà với vợ chồng ông Chế ngay sau đó.
Hợp đồng thứ nhất, ký ngày 25/06/2010, tại trụ sở Ngân hàng Công thương chi nhánh Đống Đa ghi rõ: Tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Chế theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 10105055377 do UBND TP Hà Nội cấp ngày 02/12/2002. Cụ thể, nhà ở có tổng diện tích sử dụng là 20,8m2, số tầng là 3; đất ở thửa số 761/1F tờ bản đồ số S4 (lập 1956) có diện tích 57,2m2. Giá mua tổng diện tích ngôi nhà nêu trên là 420 triệu đồng. Cũng tại địa điểm trên, hai bên đã đồng ý ký hợp đồng thứ 2 với nội dung: Phía Cty Xây dựng Hà Nội đồng ý mua lại tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Chế theo Giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất số 10967, do UBND TP Hà Nội cấp ngày 09/7/1999. Cụ thể, nhà ở có tổng diện tích là 39,6m2, 1 tầng; đất ở thửa 761/1F tờ bản đồ số S4 (lập 1956) có diện tích 45,90m2. Giá mua tổng diện tích ngôi nhà trên là 960 triệu đồng.
Theo Luật sư Vũ Hải Lý, Công ty Luật Đại Việt (Hà Nội): Hai hợp đồng công chứng trên (ký ngày 25/6/2010) chỉ là hợp thức hoá nhằm che dấu nội dung hợp đồng hai bên đã ký ngày 24/6/2010. Về bản chất 02 hợp đồng này là hợp đồng che dấu hợp đồng bán nhà viết tay trị giá 36 tỷ đồng. Ngay từ đầu, ông Chế thống nhất là sẽ mua lại toàn bộ diện tích nhà tại 45 Hàm Long rồi bán lại cho Công ty với giá 36 tỷ đồng chứ chưa bao giờ thoả thuận với Công ty là bán 02 căn hộ tại 45 Hàm Long với giá 11 tỷ 715 triệu đồng. Ngoài ra, trong 02 hợp đồng công chứng ngày 25/6/2010 giá bán của 02 ngôi nhà lần lượt là 960 triệu đồng và 420 triệu đồng, nhưng thực tế hai bên chưa giao nhận số tiền này, cho nên hai hợp đồng này là vô hiệu. Bản chất của 02 Hợp đồng nhằm thế chấp cho Công ty tiếp tục chuyển tiền cho ông Chế mua các diện tích nhà còn lại, bàn giao cho phía Công ty theo hợp đồng đã ký ngày 24/6.
Tự ý phá dỡ, chiếm đoạt
Mặt khác, theo hợp đồng đã ký ông Chế chỉ phải bàn giao 01 tầng của căn nhà diện tích 45,90m2. Tuy nhiên thực tế, căn nhà này có tổng số tầng là 03. Bởi, ngày 29/12/1998, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy phép xây dựng số 128/GP-XD cho ông Phạm Văn Chế được phép xây quy mô 03 tầng với phần diện tích trên. Tuy nhiên, ngay sau khi sang tên và được cấp “sổ đỏ”, ngày 02/12/2010, Cty Xây dựng Hà Nội đã cho người vào tự tháo dỡ đồ đạc, bàn thờ tổ tiên của gia đình ông Chế tại tầng 02 và tầng 03 của ngôi nhà 45.90m2. Việc làm chóng vánh của Cty khiến gia đình ông Chế phải ly tán đi ở nhờ nhà người quen.
Không dừng lại ở đó, ông Chế còn bị phía Cty chiếm đoạt luôn phần diện tích phụ là 25m2 gồm nhà bếp, cửa hàng cho thuê cắt tóc, gội đầu được ông Chế sử dụng ổn định từ năm 1988. Nói thêm rằng, tất cả phần diện tích phụ này không nằm trong bản hợp đồng đã ký với phía Cty.
Tuy sự việc mua bán đang xảy ra tranh chấp nhưng gần đây, phía Cty đã tự ý phá dỡ các cửa ở tầng 2, tầng 3 (ngôi nhà có diện tích 45,9m2) để thông nhau và phá toàn bộ diện tích phụ dùng làm nhà tắm, nhà vệ sinh chung của các hộ tại số 45 Hàm Long.
Hôm nay, ngày 19/01/2011, Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã tiến hành hoà giải vụ khởi kiện của ông Phạm Văn Chế đối với Cty Xây dựng Hà Nội. Báo Kinh tế nông thôn sẽ cập nhật diễn biến vụ xét xử đến độc giả vụ việc trên.
Luật sư Vũ Hải Lý (công ty Luật TNHH Đại Việt) khẳng định: Ngay cả khi ký hợp đồng công chứng (bản chất là hợp đồng thế chấp tài sản để Công ty chuyển tiếp tiền để ông Chế có tài chính để mua các hộ còn lại) thì gia đình ông Chế cũng không bán tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà 45,9m2 tại 45 Hàm Long. Trong Hợp đồng công chứng này các bên cũng không thoả thuận về việc mua bán diện tích phụ của riêng gia đình ông Chế hay diện tích phụ dùng chung giữa các hộ tại 45 Hàm Long.Việc Công ty chiếm đoạt, phá cửa tầng 2, tầng 3 để thông nhau và phá toàn bộ diện tích phụ dùng chung của các hộ tại 45 Hàm Long là vi phạm pháp luật.
|
|