Thương binh xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của công dân
Câu hỏi: Mong Quý cq soạn cho tôi hỏi một vấn đề như sau:
-Pháp luật sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp có một nhóm đông người có tổ chức tự xưng danh nghĩa thương binh ngang nhiên vào chiếm đóng nhà của người dân, gây mất trật tự trị an trong khu phố.
- Gia đình tôi gồm có bố tôi, tôi và vợ chồng chị gái ( mẹ tôi đã mất và chị tôi là chị cùng mẹ khác cha ). Do chị tôi đi vay nặng lãi cao (9-10%) không có khả năng chi trả đã lợi dụng lòng tin của bố tôi cấu kết với chủ nợ lừa bố tôi ký vào giấy bán nhà ( nhưng bố tôi không có nhận tiền đặt cọc và giá trị ngôi nhà của chúng tôi trên tờ giấy đó chỉ bằng (300 triệu) = 1/2 giá trị thực tế của ngôi nhà ). Giấy tờ bán nhà không có chữ ký của tôi là người đồng sở hữu ngôi nhà và tôi đã không được biết sự việc này. Chủ nợ đã đến dẫn theo một số lượng đông người mang danh nghĩa thương binh o ép gia đình tôi, buộc gia đình tôi phải giao nhà ngay. Vậy trong trường hợp này tôi xin hỏi Quý ban tôi phải làm như thế nào và phải kêu cứu lên các cấp có thẩm quyền nào? ( Vợ chồng chị tôi hiện nay đã dời khỏi nơi cư trú đi làm ăn ở một nơi xa ).
Tôi kính mong Quý cq hồi âm sớm giúp tôi. Tôi vô cùng cảm kích.
Trả lời:
Trước hết về hợp đồng mua bán, chuyển nhượng mà bố bạn đã ký:
Vì bạn không đưa thông tin đầy đủ về hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán nhà cũng như các giấy tờ thể hiện chủ sử dụng và sở hữu hợp pháp nhà đang tranh chấp là của ai. Nếu đây là tài sản chung của bố mẹ bạn thì sau khi mẹ bạn mất đi phần tài sản của mẹ bạn nằm trong khối tài sản chung sẽ trở thành di sản thừa kế. Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ,chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy bố bạn chỉ là 1 trong những người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản này. Vì vậy bố bạn không có quyền tự định đoạt việc mua bán, chuyển nhượng. Đồng thời theo quy định tại điều 450 BLDS, điều 127 Luật đất đai và Luật công chứng thì hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất phải được cơ quan có thẩm quyền công chứng. Do đó nếu nhà đất này là tài sản chung của bố mẹ bạn mà chưa làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, chưa chuyển thành tài sản riêng của bố bạn thì bố bạn không có quyền tự chuyển nhượng. Nếu thực tế có chuyển nhượng cho người khác thì cũng không thể lập hợp đồng có công chứng mà hai bên chỉ lập hợp đồng viết tay do đó hợp đồng này sẽ bị vô hiệu toàn bộ cả về hình thức và nội dung.
Nếu nhà đất này là tài sản riêng của bố bạn thì bố bạn có quyền định đoạt mà không cần có sự đồng ý của người khác. Tuy nhiên như bạn trình bày thì bố bạn đã bị lừa ký vào giấy bán nhà. Theo quy định tại điều 132 BLDS thì hợp đồng dân sự sẽ bị vô hiệu khi 1 bên tham gia giao dịch dân sự bị lừa dối, đe dọa.
Theo quy định tại điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự.
Vì vậy bố bạn hoặc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu là tài sản chung) có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu hủy hợp đồng mua bán chuyển nhượng mà bố bạn và những người trên đã ký.
Thứ hai về hành vi chiếm đóng nhà, o ép buộc phải giao nhà:
Trong trường hợp của bạn giữa các bên đang có tranh chấp về nhà đất mà cụ thể là hợp đồng mua bán nhà đã ký (bố bạn bị lừa ký bán nhà mà không nhận tiền, nhà đất này là tài sản chung của nhiều người). Do vậy đây là tranh chấp về dân sự và các bên có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu giải quyết theo quy định trên. Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì các bên có nghĩa vụ chấp hành, nếu không sẽ bị Cơ quan Thi hàn án cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật thi hành án. Như vậy Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về dân sự và chỉ có Cơ quan Thi hành án mới có thẩm quyền cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án. Do đó hành vi của một số người (dù là thương binh hay giả mạo thương binh) ngang nhiên vào chiếm đóng nhà của người dân, gây mất trật tự trị an trong khu phố, o ép gia đình bạn, buộc gia đình phải giao nhà ngay là hành vi trái quy định của pháp luật. Gia đình bạn có thể làm đơn tố cáo ra cơ quan công an đề nghị xử lý về hành vi xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của người khác của những người này. Tùy mức độ vi phạm, nếu có đủ căn cứ và cấu thành tội phạm họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp của công dân” theo quy định tại điều 124 của bộ luật hình sự: “Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Đồng thời nếu có đủ căn cứ bạn cũng có quyền tố cáo người cho vay tiền về tội cho vay lãi nặng theo quy định tại điều 163 BLHS: “1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Tuy nhiên hành vi cấu kết với chủ nợ lừa bố tôi ký vào giấy bán nhà và việc vay tiền của chị bạn cũng có thể bị xem xét xem có yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 BLHS hay không.
Như vậy để giải quyết trường hợp của mình gia đình bạn có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà đất. Đồng thời nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng của những người mạo danh là thương binh hoặc của chủ nợ đến quyền quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hoặc đến thân thể, sức khỏe của gia đình bạn thì gia đình bạn có quyền tố cáo ra Cơ quan công an đề nghị giải quyết.