QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 23/2006/DS–GĐT NGÀY 07–9–2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT” NGUYÊN ĐƠN ÔNG DIỆP VŨ TRƯỜNG – BỊ ĐƠN ÔNG NGUYỄN VĂN TẬN
Ngày 7 tháng 9 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Diệp Vũ Trường
Bà Châu Kim Thoa
Cùng trú tại: Ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Tận (còn có tên gọi là Ta)
Trú tại: Ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 23/2006/DS-GĐT
NGÀY 07-9-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 7 tháng 9 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Diệp Vũ Trường
Bà Châu Kim Thoa
Cùng trú tại: Ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Tận (còn có tên gọi là Ta)
Trú tại: Ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
NHẬN THẤY:
Theo đơn khởi kiện ngày 18-9-1999 và trình bày của nguyên đơn thì:
Năm 1994, Uỷ ban nhân dân huyện Cái Nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Diệp Vũ Trường (vợ là bà Châu Kim Thoa) với diện tích 4.700 m2. Phần đất này gia đình ông Trường đã sử dụng từ lâu. Giáp với đất của ông Trường là đất của gia đình ông Tận (ông Tận nhượng lại của anh Kiệt vào năm 1994). Trong quá trình sử dụng, ông Tận đã lấn chiếm sang đất của gia đình ông Trường khoảng 185 m2 (cụ thể diện tích đất tranh chấp là tam giác có đáy là mặt tiền sông Bà Bèo dài 12 m, cạnh của tam giác là 36 m, cạnh đứng khoảng 30 m). Khi ông Trường yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết thì ông Tận đã chặt phá một số cây kiểng của gia đình ông. Vì vậy, ông Trường, bà Thoa yêu cầu ông Tận phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm và bồi thường số cây kiểng cho gia đình ông, bà.
Theo bị đơn Nguyễn Văn Tận trình bày thì:
Vào ngày 29-3-1994, ông nhận chuyển nhượng một phần diện tích đất của anh Trần Thanh Kiệt. Khi sang nhượng hai bên chỉ lập giấy tay, không ký giáp ranh và lúc đó chủ đất (anh Kiệt) chỉ ranh giới cho ông. Sau khi sang nhượng xong ông đã làm nhà cơ bản trên diện tích đất đang tranh chấp, lúc ông xây nhà gia đình ông Trường không có ý kiến gì. Vì vậy, ông Trường, bà Thoa kiện đòi đất của ông là không đúng mà ngược lại gia đình ông Trường còn trồng cây kiểng lấn qua phần đất của gia đình ông nên ông không đồng ý với yêu cầu của ông Trường, bà Thoa.
Tại bản án sơ thẩm số 74/DSST ngày 30-6-2000, Toà án nhân dân huyện Cái Nước đã quyết định:
Bác yêu cầu của ông Diệp Vũ Trường và bà Châu Kim Thoa về việc kiện ông Nguyễn Văn Tận lấn chiếm đất đai; giữ nguyên hiện trạng việc sử dụng đất giữa ông Nguyễn Văn Tận và vợ chồng ông Trường - lấy phân nửa con kinh trở về phía đất vợ chồng ông Trường thì vợ chồng ông Trường tiếp tục sử dụng, lấy phân nửa con kinh trở về phía đất ông Nguyễn Văn Tận, ông Tận tiếp tục sử dụng.
Buộc ông Nguyễn Văn Tận phải bồi thường cho ông Diệp Vũ Trường 1 gốc me, kiểng có uốn 5 tay đều thân cây, đường kính 5 phân, chiều cao 1 mét năm (1,5m) và 65 cây bông bụi (loại bông bụi Đà Lạt).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 12-7-2000, ông Diệp Vũ Trường kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.
Tại bản án phúc thẩm số 86/DSPT ngày 7-6-2001, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau đã quyết định:
- Buộc ông Nguyễn Văn Tận trả ông Diệp Vũ Trường 185 m2 đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Uỷ ban nhân dân huyện cấp cho gia đình ông Diệp Vũ Trường.
- Buộc ông Nguyễn Văn Tận phải bồi thường cho ông Diệp Vũ Trường 610.000 đồng tiền ông Nguyễn Văn Tận chặt phá cây kiểng. Kể từ ngày ông Trường, bà Thoa có đơn yêu cầu thi hành án mà ông Tận chưa thi hành số tiền nói trên còn phải chịu thêm phần lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm thi hành án.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Ngày 4-1-2002, Đội trưởng đội Thi hành án huyện Cái Nước có Công văn số 03/KN-THA kiến nghị gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm vì trong phần đất phải trả ông Tận đã xây một căn nhà cơ bản nhưng bản án không buộc ông Tận phải tháo dỡ hoặc buộc ông Trường phải thanh toán giá trị căn nhà cho ông Tận.
Ngày 10-1-2002, ông Diệp Vũ Trường khiếu nại không đồng ý với quyết định của bản án phúc thẩm.
Tại Quyết định số 68/QĐ- KN ngày 5-9-2002, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nói trên theo hướng: điều tra làm rõ phần diện tích nhà ông Tận xây lấn sang đất ông Trường; buộc ông Tận phải tháo dỡ phần nhà xây lấn sang đất ông Trường.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 215/GĐT- DS ngày 22-10-2002, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:
Huỷ bản án sơ thẩm số 74/DSST ngày 30-6-2000 của Toà án nhân dân huyện Cái Nước và bản án phúc thẩm số 84/DSPT ngày 7-6-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau; giao hồ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm.
Tại bản án sơ thẩm số 09/STDS ngày 21-7-2003, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau đã quyết định:
- Buộc ông Nguyễn Văn Tận trả cho ông Diệp Vũ Trường và bà Châu Kim Thao diện tích 127,8 m2 đất ở ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. (Nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Châu Kim Thoa số E 665162 cấp ngày 9-8-1994)...
- Buộc ông Tận trả ông Trường, bà Thoa giá trị quyền sử dụng phần đất lấn chiếm đã cất nhà là 52,2m2 bằng giá trị là 7,83 chỉ vàng 24K. Giữ nguyên phần đất có căn nhà cho ông Tận sử dụng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 28-7-2003, ông Nguyễn Văn Tận kháng cáo cho rằng phần đất đang tranh chấp là ông mua của anh Kiệt, chính vì thế khi ông làm nhà ông Trường không có ý kiến gì nên ông không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.
Ngày 01-8-2003, ông Diệp Vũ Trường kháng cáo xin xem xét lại phần giá trị đất.
Tại bản án phúc thẩm số 313/DSPT ngày 21-10-2003, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Áp dụng khoản 1 Điều 69 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự bác kháng cáo của ông Nguyễn Văn Tận và kháng cáo của ông Diệp Vũ Trường giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số 09/DSST ngày 21-7-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau như sau:
- Áp dụng khoản 3 Điều 38 Luật đất đai, xử:
+ Buộc ông Nguyễn Văn Tận phải trả cho ông Diệp Vũ Trường và bà Châu Kim Thoa diện tích đất 132,8 m2 (một trăm ba hai phết tám) đất ở ấp Sở Tại, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau (nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Thoa E 665162 cấp ngày 9-8-1994). Vị trí: Bắc giáp sông Bà Bèo, Tây giáp đất ông Nguyễn Văn Tận, Đông giáp đất và nhà ở của ông Diệp Vũ Trường (có sơ đồ kèm theo).
+ Buộc ông Nguyễn Văn Tận trả cho ông Diệp Vũ Trường và bà Châu Kim Thoa giá trị quyền sử dụng đất 52,2m2 là 7,83 chỉ vàng 24K (bảy chỉ tám phân ba ly).
+ Ông Nguyễn Văn Tận được sử dụng 52,2 m2 đất của căn nhà ông đã xây cất. Ông Tận, ông Trường và bà Thoa có trách nhiệm liên hệ với Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền để chuyển quyền sử dụng phần đất 52,2 m2 này.
Buộc ông Nguyễn Văn Tận nộp án phí phúc thẩm 50.000đ.
Ông Diệp Vũ Trường nộp án phí phúc thẩm 50.000đ.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.
Bản án này là chung thẩm.
Ngày 7-5-2004, Phòng thi hành án tỉnh Cà Mau có Công văn số 114/THA đề nghị kháng nghị bản án phúc thẩm số 313/DSPT ngày 21-10-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh vì cho rằng diện tích đất giao cho ông Trường chưa rõ ràng và trên đất tranh chấp vẫn còn công trình xây dựng chưa được giải quyết.
Ngày 5-8-2005, ông Nguyễn Văn Tận có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm; đồng thời ngày 4-10-2005, ông Diệp Vũ Trường cũng có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định số 106/KNDS ngày 03-7-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm số 313/DSPT ngày 21-10-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 9/STDS ngày 21-7-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Ông Diệp Vũ Trường và ông Nguyễn Văn Tận tranh chấp 185 m2 đất giáp ranh, hiện do ông Tận đang sử dụng. Ông Tận cho rằng diện tích đất trên do ông nhận chuyển nhượng lại từ anh Trần Thanh Kiệt; tuy nhiên, theo giấy biên nhận đề ngày 29-3-1994 giữa ông Tận với anh Kiệt (giấy không có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) thì diện tích đất mà ông Tận mua từ anh Kiệt không nêu vị trí cũng như tứ cận, mốc giới cụ thể, cũng không có xác nhận của các chủ đất liền kề. Trong khi đó, gia đình ông Trường đã quản lý, sử dụng đất tranh chấp từ trước khi có việc sang nhượng giữa ông Tận với anh Kiệt và năm 1994 ông Trường đã được Uỷ ban nhân dân huyện Cái Nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bà Châu Kim Thoa - vợ ông Trường đứng tên); theo sơ đồ vị trí đất được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thửa đất này có mốc giới rõ ràng, đối chiếu sơ đồ này với sơ đồ tranh chấp do Toà án nhân dân huyện Cái Nước phối hợp với các cơ quan chức năng đo vẽ ngày 28-3-2000 và tại Công văn số 01/XN-TNMT ngày 10-3-2006 của Phòng tài nguyên và môi trường huyện Cái Nước gửi Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau vẫn khẳng định ranh giới đất đã cấp giấy chứng nhận cho bà Thoa với đất ông Tận đang sử dụng là “ranh thẳng” thì có căn cứ xác định ông Tận đã lấn đất của ông Trường.
Toà án cấp phúc thẩm buộc ông Tận trả 132,8 m2 đất đã lấn chiếm nhưng là đất trống cho ông Trường và bà Thoa, còn phần đất ông Tận cũng lấn chiếm nhưng đã xây dựng nhà (52,2 m2) thì giao ông Tận sử dụng nhưng phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho ông Trường và bà Thoa là hợp tình, hợp lý.
Tuy nhiên, ngoài diện tích 52,2 m2 nêu trên, căn nhà của ông Tận còn có hai máng xối đúc bê tông chiếm khoảng không trên phần đất của ông Trường và bà Thoa có diện tích 10,71 m2 chưa được Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xem xét buộc ông Tận phải tháo dỡ hoặc phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho ông Trường và bà Thoa là chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ông Trường và bà Thoa.
Mặt khác, theo báo cáo của Cơ quan Thi hành án và theo khiếu nại của ông Trường, thì ngoài căn nhà nằm trên diện tích 52,2 m2 Toà án các cấp giao cho ông Tận sử dụng, còn có một căn nhà phụ có diện tích 18,57 m2 của ông Tận xây dựng trên diện tích đất mà Toà án các cấp buộc ông Tận trả lại cho ông Trường, bà Thoa nhưng Toà án các cấp cũng chưa xem xét giải quyết, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297,
khoản 1 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 313/ DSPT ngày 21-10-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 9/STDS ngày 21-7-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Diệp Vũ Trường, bà Châu Kim Thoa và bị đơn là ông Nguyễn Văn Tận.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:
Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xem xét và quyết định về công trình phụ xây dựng trên diện tích đất tranh chấp.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:
Thiếu sót trong việc xem xét và quyết định về phần tài sản gắn liền với diện tích đất tranh chấp.
Liên kết Xem thêm:
Công ty luật - Luật sư - Ly hôn - thủ tục ly hôn - sang tên sổ đỏ - tư vấn luật đất đai - tư vấn luật lao động - ly hôn đơn phương
Giấy phép xây dựng , Thủ tục xin giấy phép xây dựng, xin cấp giấy phép xây dựng, Xin giấy phép xây dựng
Tranh chấp quyền nuôi con - Phân chia tài sản
Dịch vụ kế toán Tp. Hồ Chí Minh