Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 21/2006/DS–GĐT NGÀY 03–8–2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ” NGUYÊN ĐƠN ÔNG NGUYỄN VIẾT HÀ – BỊ ĐƠN BÀ NGUYỄN THỊ THÁI
Ngày 3 tháng 8 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự: Nguyên đơn: Ông Nguyễn Viết Hà, sinh năm 1934 (ông Hà uỷ quyền cho con là Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1974); chị Hồng và ông Hà đều trú tại thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1952; trú tại: thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội;

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 21/2006/DS-GĐT
NGÀY 03-8-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ”

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 3 tháng 8 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Nguyễn Viết Hà, sinh năm 1934 (ông Hà uỷ quyền cho con là Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1974); chị Hồng và ông Hà đều trú tại thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội;

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1952; trú tại: thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Viết Minh, sinh năm 1938;

2. Bà Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1945;

Đều trú tại thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội;

3. Anh Nguyễn Viết Bình, sinh năm 1956;

4. Anh Nguyễn Viết Năng, sinh năm 1964;

Đều trú tại thôn Trí Phú, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây;

5. Chị Nguyễn Thị Lựu, sinh năm 1955; trú tại xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng;

6. Chị Nguyễn Thị Tĩnh, sinh năm 1960; trú tại thôn Đoàn Khê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây;

7. Chị Nguyễn Thị Tình, sinh năm 1962; trú tại thôn Trí Phú, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây;

8. Chị Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1974; trú tại thôn Trí Phú, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây;

9. Chị Nguyễn Thị Phú, sinh năm 1971; trú tại thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Bình, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây;

(Chị Lựu, chị Tĩnh, chị Tình, chị Phương, chị Phú uỷ quyền cho anh Bình).

10. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh năm 1972;

11. Anh Nguyễn Viết Tiền, sinh năm 1974;

Đều trú tại thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội;

12. Chị Nguyễn Thị Hậu, sinh năm 1976; trú tại tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

(Chị Hậu và anh Tiền uỷ quyền cho bà Nguyễn Thị Thái và chị Nguyễn Thị Thu Hiền).

13. Bà Nguyễn Thị Hẹo, sinh năm 1931; trú tại số 1, tổ 53, phường Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội;

14. Chị Phạm Thị Kim Thanh, sinh năm 1959; trú tại số 1, tổ 53, phường Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

NHẬN THẤY:

Vợ chồng cụ Nguyễn Viết Sâm và cụ Tạ Thị Liễn có 5 con chung gồm các ông, bà: Nguyễn Viết Khả, Nguyễn Viết Hà, Nguyễn Viết Minh, Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Viết Ky.

Cụ Sâm chết tháng 9-1979; cụ Liễn chết năm 1999. Di sản của cụ Sâm và cụ Liễn gồm 1/2 ngôi nhà ba gian lợp ngói, sân gạch, bể nước trên diện tích 526m2 đất tại thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (1/2 ngôi nhà là phần đóng góp xây dựng của vợ chồng ông Ky và bà Thái). Di sản do bà Nguyễn Thị Thái (vợ ông Ky) quản lý, sử dụng.

Ngoài tài sản nêu trên, cụ Sâm và cụ Liễn còn để lại 1/2 ao có diện tích 436m2 tại xóm Cầu, thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; thửa đất ao này do ông Minh và bà Liên quản lý, san lấp làm nhà và trồng cây.

Ông Khả chết tháng 4-1979; ông Khả có vợ là bà Tạ Thị Lưu và có 7 con chung gồm các anh, chị: Nguyễn Viết Bình, Nguyễn Viết Năng, Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Thị Phú, Nguyễn Thị Phương và Nguyễn Thị Lựu. Ông Ky chết năm 1992; ông Ky có vợ là bà Thái và có 4 con chung gồm các anh, chị: Nguyễn Viết Tiền, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Sinh (chị Sinh chết năm 1998, chưa có chồng, con).

Trong quá trình quản lý, sử dụng nhà đất, vợ chồng ông Ky, bà Thái phá 2 gian bếp cũ, xây bếp mới, tôn nền sân gạch, xây thêm bể nước, lát nền đá hoa, xây thêm 1 ngôi nhà cấp 4. Năm 1994, bà Thái xây tường bao xung quanh thửa đất. Năm 1999, bà Thái xây nhà mái bằng có diện tích 38 m2.

Năm 1994, anh Bình bán cho bà Thái 192 m2 đất trong khối di sản của 2 cụ với giá 8 triệu đồng. Năm 1998 và năm 2001, bà Thái bán cho bà Nguyễn Thị Hẹo và chị Phạm Thị Kim Thanh 303 m2 đất.

Tại đơn khởi kiện đề ngày 16-11-2000 và những lời khai tiếp theo, ông Hà khai rằng cụ Sâm có di chúc ngày 10-9-1979 chia thửa đất ao 1 sào cho ông Minh và bà Liên (hiện do ông Minh và bà Liên quản lý), chia thửa đất 1 sào 10 thước trên có ngôi nhà cấp 4 cho 3 người gồm: anh Nguyễn Viết Bình 8 thước, ông Hà 8 thước và ông Ky 9 thước. Do bà Thái không giao trả đất cho ông, nên ông yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Phần của anh Bình được hưởng thì anh Bình đã bán cho bà Thái năm 1994.

Để chứng minh cụ Sâm có di chúc, ông Hà xuất trình 2 tài liệu:

- Tài liệu thứ nhất có tiêu đề: “Thầy ghi để lại” lập ngày 29-9-1979, nhưng không ghi tên người lập và nội dung không thể hiện việc dịch chuyển tài sản.

- Tài liệu thứ hai có ghi tên người lập văn bản là Nguyễn Viết Sâm, có vẽ sơ đồ, nhưng nội dung không rõ ràng.

Bà Thái không đồng ý chia thừa kế quyền sử dụng đất vì cho rằng mặc dù nhà đất là của cụ Sâm và cụ Liễn để lại, nhưng cụ Sâm và cụ Liễn không đứng tên chủ sử dụng thửa đất; bà không công nhận di chúc do ông Hà xuất trình. Nếu phải chia thừa kế thì bà xin nhận toàn bộ hiện vật.

Chị Lựu (thừa kế thế vị của ông Khả) không nhận di sản. Phần của chị yêu cầu chia đều cho các thừa kế.

Ông Minh và các thừa kế của ông Khả (do anh Bình và anh Năng đại diện) công nhận lời khai của ông Hà và xin chia thừa kế theo pháp luật.

Bà Liên nhường phần mà bà được hưởng cho ông Hà và ông Ky.

Bà Hẹo, chị Thanh yêu cầu được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Thái.

Theo trích lục bản đồ do Uỷ ban nhân dân xã Minh Khai cung cấp thì việc đứng tên chủ sử dụng thửa đất của cụ Sâm và cụ Liễn để lại hiện bà Thái đang quản lý, sử dụng được thể hiện như sau:

- Tại bản đồ năm 1960 thôn Vân Trì, xã Minh Khai: thửa đất mang số 290, tờ bản đồ số 7, diện tích 526 m2, loại đất thổ cư, họ tên chủ sử dụng đất là ông Khả.

- Tại bản đồ năm 1986 xã Minh Khai: thửa đất mang số 38, tờ bản đồ số 5, diện tích 600 m2, loại đất thổ cư, họ tên chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Viết Ky.

- Tại bản đồ năm 1994 thôn Vân Trì, xã Minh Khai: thửa đất mang số 17, tờ bản đồ số 16, diện tích 693 m2, loại đất thổ cư, họ tên chủ sử dụng đất là Ky (Thái).

Tại Biên bản xác minh ngày 30-3-2001 ông Nguyễn Văn Lịch (cán bộ tư pháp xã Minh Khai) và ông Nguyễn Mạnh Chí xác nhận: Theo phong tục tập quán ở địa phương không gọi tên bố mẹ mà chỉ gọi tên bố hoặc mẹ bằng tên con trưởng. Vì vậy năm 1960 trích lục bản đồ đất đứng tên ông Khả là con trai trưởng của cụ Sâm, còn thực tế toàn bộ nhà đất là của cụ Sâm và cụ Liễn mua được.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST ngày 09-4-2001, Toà án nhân dân huyện Từ Liêm quyết định:

Xác nhận di sản thừa kế của cụ Nguyễn Viết Sâm và cụ Tạ Thị Liễn để lại gồm 1 nhà ngói 3 gian diện tích 42,34 m2 sân gạch, bể nước nằm trên dện tích 693 m2 đất tại thôn Vân Trì, xã Minh Khai có giá trị sử dụng là 247.631.650 đồng (đã trừ đi 106.127.850 đồng tiền công duy trì tôn tạo sửa chữa cho bà Thái, ông Ky).

Sau khi ghi nhận sự thoả thuận, sự tự nguyện của các đương sự đã chia theo pháp luật cho những người thừa kế bằng giá trị. Riêng hiện vật là nhà đất giao cho bà Thái và các con bà sử dụng, sở hữu và bà Thái thanh toán giá trị chênh lệch kỷ phần cho những người thừa kế khác.

Ngày 16-4-2001, ông Hà kháng cáo: yêu cầu được hưởng 8 thước đất theo di chúc của cụ Sâm.

Tại phiên toà phúc thẩm ngày 12-7-2001, chị Hồng (đại diện theo uỷ quyền của ông Hà) không yêu cầu chia thừa kế theo di chúc, không đồng ý hưởng thừa kế bằng tiền, đề nghị được nhận đất.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 111/DSPT ngày 12-7-2001, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

- Xác nhận di sản thừa kế của cụ Nguyễn Viết Sâm và cụ Tạ Thị Liễn để lại gồm 1 nhà ngói ba gian (42,34m2) sân gạch, bể nước nằm trên diện tích đất 693 m2 toạ lạc tại thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm có giá trị là 247.631.650 đồng (sau khi trích 106.127.850 đồng tiền công duy trì tôn tạo sửa chữa của ông Ky, bà Thái), chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế. Riêng nhà đất chia cho ông Hà 132 m2 đất, phần nhà đất còn lại chia cho mẹ con bà Thái. Đồng thời buộc bà Thái, ông Hà thanh toán giá trị cho các người thừa kế khác.

- Huỷ việc chuyển nhượng đất giữa anh Nguyễn Viết Bình và bà Nguyễn Thị Thái. Anh Bình phải trả cho bà Thái 96.000.000 đồng tương đương 192 m2 đất.

Bản án còn tuyên án phí và lãi suất chậm trả.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Thái có đơn khiếu nại. Tại Quyết định
số 27/KNDS ngày 15-3-2002, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Tại Kết luận số 81/KL-VKSTC-KSXXDS ngày 24-5-2002, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Phó Chánh án Toà án nhân dân
tối cao.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 99/GĐT-DS ngày 18-6-2002, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định: Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST ngày 9-4-2001 của Toà án nhân dân huyện Từ Liêm và bản án dân sự phúc thẩm số 111/DSPT ngày 12-7-2001 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

Tại Toà án cấp sơ thẩm, các đương sự thoả thuận giải quyết đối với việc phân chia 436 m2 đất ao tại xóm Cầu, thôn Vân Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội: ông Minh và bà Liên được quản lý, sử dụng thửa đất này và ông Minh, bà Liên không có quyền lợi đối với phần nhà đất là di sản của cụ Sâm và cụ Liễn mà bà Thái đang quản lý.

Ngày 1-8-2002, chị Nguyễn Thị Lựu có đơn nhường phần mà chị được hưởng cho mẹ chị là bà Tạ Thị Lựu.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/DSST ngày 19-2-2003, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

- Về hình thức: Thực hiện bản án giám đốc thẩm số 99 ngày 18-6-2002 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao.

Về nội dung: Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu xin chia thừa kế của ông Nguyễn Viết Hà đối với bà Nguyễn Thị Thái.

2. Xác định thời điểm mở thừa kế lần thứ nhất tháng 9-1979 khi cụ Sâm chết.

- Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Sâm gồm ông Khả, ông Minh, ông Hà, bà Liên, ông Ky và cụ Liễn.

- Xác định ông Khả chết tháng 4-1979, các con của ông Khả gồm anh Bình, anh Năng, chị Lựu, chị Phú, chị Phương, chị Tình, chị Tĩnh được nhận thừa kế thế vị.

- Xác định thời điểm mở thừa kế lần thứ hai năm 1999 khi cụ Liễn chết.

- Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Liễn gồm ông Hà, ông Minh, bà Liên và thừa kế thế vị của ông Khả, thừa kế thế vị của ông Ky.

3. Xác định cụ Liễn chết không để lại di chúc, cụ Sâm để lại di chúc không hợp pháp.

Di sản thừa kế của cụ Sâm và cụ Liễn để lại được chia theo pháp luật:

- Xác định di sản thừa kế của cụ Sâm và cụ Liễn để lại gồm 526 m2 đất theo bản đồ địa chính xã năm 1960 có giá trị là 394.500.000 đồng và 1/2 nhà cấp 4 có giá trị 5.620.500 đồng, sân gạch có giá trị 1.425.000 đồng, bể nước cũ có giá trị 214.000 đồng. Tổng cộng bằng 401.759.500 đồng.

- Trích 30% công sức trông coi, duy trì, tôn tạo tài sản cho vợ chồng bà Thái có giá trị là 120.527.850 đồng.

- Xác định di sản thừa kế còn lại có giá trị 281.231.650 đồng.

- Ghi nhận sự tự nguyện của ông Minh, bà Liên và các thừa kế còn lại của cụ Sâm và cụ Liễn: Xác định ông Minh, bà Liên được sử dụng 1/2 đất ao tại xóm Cầu, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội và không nhận thừa kế tại diện tích nhà đất bà Thái đang sử dụng.

- Xác định di sản thừa kế được chia theo pháp luật cho ông Khả, ông Ky và ông Hà.

- Xác định ông Hà, ông Khả, ông Ky mỗi người được chia có giá trị là 93.743.88,3 đồng.

- Xác định diện tích đất 90,09 m2 thừa ra so với bản đồ địa chính xã 1960 có giá trị là 67.567.500 đồng do vợ chồng bà Thái lấn chiếm đất công thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền, không phải là di sản thừa kế của cụ Sâm và cụ Liễn để lại.

4. Chia bằng hiện vật như sau:

- Chia anh Bình, anh Năng (đại diện thừa kế thế vị của ông Khả) diện tích đất 72,38 m2 (sau ngôi nhà ngói cổ) có chiều mặt đường xã là 4,7m và chiều dài mặt đường xóm 15,4 m (phủ bì hết ranh giới đất) có giá trị quyền sử dụng đất là 54.285.000 đồng, trong đó có 5 cây bưởi là tài sản của bà Thái có giá trị 1.000.000 đồng, tường bao 2.165.528 đồng. Tổng cộng anh Bình, anh Năng được chia có giá trị là 57.451.528 đồng. Anh Bình phải tự mở lối đi ra đường đi chung của xã.

- Chia cho ông Hà diện tích đất tiếp giáp anh Bình, anh Năng có ngôi nhà ngói cấp 4 trị giá 11.241.000 đồng, sân gạch 1.425.000 đồng nằm trên diện tích đất 236,72 m2 (ranh giới đất cách tường bao và thẳng tường nhà 2 tầng của bà Thái là 20 cm) có giá trị quyền sử dụng đất là 177.540.000 đồng. Trong đó có các tài sản của bà Thái gồm: 8 cây bưởi có giá trị 1.600.000 đồng, tường bao mặt đường xã và tường bao dọc đường đi của dòng họ Nguyễn Đình có giá trị 2.288.832 đồng. Tổng cộng ông Hà được chia có giá trị là 194.094.832 đồng.

- Chia cho bà Thái (đại diện cho các con) diện tích đất còn lại có ngôi nhà 2 tầng, sân, bể nước và các công trình do bà xây dựng nằm trên khuôn viên đất có ngôi nhà 2 tầng 159,6 m2 và 125,31 m2 đất vườn liền kề, 22,08 m2 diện tích đổi cho dòng họ Nguyễn Đình để lấy lối đi. Tổng cộng diện tích đất bà Thái được chia là 306,99 m2 có giá trị quyền sử dụng đất là 230.242.500 đồng và 1 bể nước cũ do bà Thái đã phá có giá trị là 214.000 đồng. Tổng cộng bà Thái được chia có giá trị là 230.456.500 đồng.

- Bà Thái được sở hữu bức tường ranh giới đất với nhà ông Hà và toàn bộ tài sản do bà Thái xây dựng nằm trên diện tích đất được chia.

- Huỷ hợp đồng mua bán đất lập ngày 10-6-1994 và ngày 1-8-2001 giữa anh Bình và bà Thái. Anh Bình phải thanh toán trả cho bà Thái giá trị 192 m2 đất = 144.000.000 đồng. Trừ đi kỷ phần anh Bình được nhận còn thiếu 36.292.355,3 đồng.

- Buộc anh Bình phải thanh toán trả cho bà Thái 107.707.644,7 đồng.

- Huỷ hợp đồng mua bán đất giữa bà Thái và bà Hẹo, chị Thanh lập
ngày 10-12-1998 và ngày 15-5-2001. Buộc bà Thái phải thanh toán trả cho bà Hẹo và chị Thanh trị giá 303 m2 đất = 227.250.000 đồng.

- Buộc ông Hà phải thanh toán cho bà Thái 100.350.948,7 đồng.

- Khi bản án có hiệu lực pháp luật, các đương sự có quyền đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật.

- Kể từ khi có đơn xin thi hành án, các khoản tiền chưa thi hành đều phải chịu lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm thi hành án.

- Ranh giới đất tiếp giáp giữa ông Hà và anh Bình, anh Năng hai bên có quyền tự xây ngăn, nếu một bên không xây, bên kia có quyền xây trên phần đất của mình và được sở hữu phần xây dựng.

5. Về án phí: ông Hà, bà Thái, anh Bình mỗi người phải chịu 1.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông Hà được trừ vào tiền dự phí đã nộp là 4.000.000 đồng còn được nhận lại 3.000.000 đồng và được nhận lại 50.000 đồng dự phí kháng cáo đã nộp tại biên lai số 1358 ngày 24-11-2000 và biên lai
số 1459 ngày 16-4-2001 tại Đội thi hành án huyện Từ Liêm.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 25-2-2003, bà Nguyễn Thị Thái kháng cao đề nghị xem xét lại nguồn gốc đất và giao cho bà sử dụng toàn bộ nhà đất, chia cho các đương sự khác hưởng bằng tiền.

Ngày 28-2-2003, anh Nguyễn Viết Bình kháng cáo không đồng ý trả bà Thái 144 triệu đồng, đề nghị xác định di sản thừa kế là toàn bộ 616 m2 đất và Toà án cấp sơ thẩm chia cho anh 72 m2 đất là hẹp.

Ngày 5-3-2003, chị Nguyễn Thị Hồng kháng cáo không đồng ý trích công sức cho bà Thái bằng 30% di sản và đề nghị chia toàn bộ nhà đất vì bà Thái không lấn chiếm đất công. Bà Thái còn sử dụng 96 m2 đất 5% của cụ Sâm và cụ Liễn để xây nhà cho con.

Bà Nguyễn Thị Hẹo, chị Phạm Thị Kim Thanh kháng cáo đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất với bà Thái.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 103/PTDS ngày 7-7-2003, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm như sau:

Xác định cụ Liễn chết không để lại di chúc, cụ Sâm để lại di chúc không hợp pháp.

Di sản của cụ Sâm và cụ Liễn để lại được chia theo pháp luật:

+ Xác định khối di sản của cụ Sâm, cụ Liễn để lại gồm: 526 m2 đất theo bản đồ địa chính xã năm 1960 có trị giá 394.500.000 đồng và 1/2 nhà cấp 4 giá trị 5.620.500 đồng, sân gạch có giá trị 1.425.000 đồng, bể nước cũ 214.000 đồng. Tổng cộng bằng 401.759.500 đồng.

+ Trích 30% công sức trông coi, duy trì, tôn tạo tài sản cho vợ chồng bà Thái có giá trị 120.527.850 đồng.

+ Xác định di sản còn lại để chia thừa kế có giá trị 281.231.650 đồng.

+ Ghi nhận sự tự nguyện của ông Minh, bà Liên và các thừa kế còn lại của cụ Sâm, cụ Liễn: Xác định ông Minh, bà Liên sử dụng 1/2 đất ao tại xóm Cầu, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội và không nhận thừa kế diện tích nhà đất bà Thái đang sử dụng.

+ Xác định di sản thừa kế được chia theo pháp luật cho ông Khả, ông Ky và ông Hà, mỗi người được 1 kỷ phần có giá trị là 93.743.883,3 đồng.

+ Xác định diện tích đất 90,09 m2 thừa ra so với bản đồ địa chính xã năm 1960 có giá trị là 67.567.500 đồng do vợ chồng bà Thái lấn chiếm đất công, thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền, không phải là di sản của cụ Sâm và cụ Liễn để lại.

2. Giữ nguyên bản án sơ thẩm về chia hiện vật đối với anh Bình:

- Chia cho anh Nguyễn Viết Bình, anh Nguyễn Viết Năng (đại diện thừa kế thế vị của ông Khả) diện tích đất 72,38 m2 (sau ngôi nhà ngói cổ) có chiều mặt đường xã là 4,7m và chiều dài mặt đường xóm 15,4 m (phủ bì hết ranh giới đất) có giá trị quyền sử dụng đất là 54.285.000 đồng, trong đó có 5 cây bưởi là tài sản của bà Thái có giá trị 1.000.000 đồng, tường bao 2.165.528 đồng đều trong 1 phần diện tích đất S1. Tổng cộng anh Bình, anh Năng được chia có giá trị 57.451.528 đồng. Anh Bình phải tự mở lối đi ra đường đi chung của xã.

- Huỷ hợp đồng mua bán đất lập ngày 10-6-1994 và ngày 1-8-2001 giữa anh Bình và bà Thái. Anh Bình phải thanh toán trả cho bà Thái trị giá 192 m2 đất = 144.000.000 đồng, trừ đi kỷ phần anh Bình được nhận còn thiếu 36.292.355,3 đồng. Buộc anh Bình phải trả bà Thái 107.707.644,7 đồng.

3. Sửa bản án sơ thẩm về chia hiện vật cho ông Nguyễn Viết Hà, bà Nguyễn Thị Thái như sau:

- Chia cho ông Nguyễn Viết Hà 125,31 m2 đất cùng toàn bộ tài sản trên diện tích này, theo sơ đồ là diện tích S3 có cạnh mặt tiền giáp đường ngõ xóm là 8,7m, cạnh đối diện là 8,21m. Chiều dài cạnh giáp diện tích S2 là 14,7m, cạnh giáp diện tích đổi cho dòng họ Nguyễn Đình là 14,4m có giá trị quyền sử dụng đất là 93.982.000 đồng, tương đương với kỷ phần ông Hà được hưởng, ông Hà không phải thanh toán chênh lệch cho bà Thái.

- Chia cho bà Nguyễn Thị Thái (đại diện cho các con) diện tích S2 và 236,72 m2 của diện tích S1 (sau khi đã trừ diện tích 72,38 m2 chia cho anh Bình).

Bà Thái được sở hữu bức tường ranh giới đất giữa diện tích đất S3 (chia cho ông Hà) với diện tích S2 (chia cho bà Thái) và toàn bộ tài sản nằm trên diện tích đất được chia.

Bà Thái và anh Bình thương lượng xây tường ranh giới giữa 2 phần đất được chia hoặc bên nào tự xây thì được sở hữu bức tường ngăn ranh giới đó.

4. Giữ nguyên bản án sơ thẩm:

Huỷ hợp đồng mua bán đất giữa bà Thái với bà Hẹo, chị Thanh lập
ngày 10-12-1998 và ngày 15-5-2001. Buộc bà Thái phải thanh toán trả cho bà Hẹo và chị Thanh trị giá 303 m2 đất = 227.250.000 đồng.

Ngoài ra Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Viết Hà có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định số 64/QĐ-KNGĐT-DS ngày 5-7-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên với nhận định:

Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xác định đúng di sản thừa kế, thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Viết Sâm và cụ Tạ Thị Liễn, đồng thời xác định đúng những người thừa kế của cụ Sâm, cụ Liễn chết không để lại di chúc (cụ Sâm để lại di chúc nhưng không hợp pháp) nên Toà án chia thừa kế di sản của các cụ theo pháp luật là có cơ sở.

Xét nguồn gốc diện tích đất của cụ Sâm, cụ Liễn để lại có 526m2 Toà án 2 cấp đã xác định giá trị đất này và một số tài sản khác để chia cho các thừa kế. Quá trình quản lý, sử dụng tài sản vợ chồng ông Ky, bà Thái đã lấn chiếm 90,09 m2 đất công “không phải là tài sản thừa kế” song Toà án cấp phúc thẩm lại xác định giá trị diện tích đất trên bằng 67.569.500 đồng là thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền và cũng không xác định diện tích 90,09 m2 đất công ở vị trí nào nhưng lại đem chia cho các thừa kế là không đúng. Lẽ ra sau khi xác định diện tích và vị trí đất nêu trên Toà án chỉ xử tạm giao cho bà Thái và các con của bà Thái với ông Ky tạm thời quản lý sử dụng. Việc họ có được sử dụng hợp pháp hay không thì còn phải làm nghĩa vụ với nhà nước theo quy định của pháp luật đất đai mới đúng.

Việc chia cụ thể án sơ thẩm có xem xét đến nhu cầu của ông Hà (con đẻ của cụ Sâm, cụ Liễn) được sử dụng tài sản của các cụ để lại là căn nhà cấp 4 trên phần diện tích S1 để làm nơi thờ cúng tổ tiên là phù hợp với phong tục tập quán của địa phương; song án phúc thẩm lại sửa phần quyết định án sơ thẩm chuyển đổi diện tích và chỉ chia cho gia đình ông Hà có 125,31 m2. Ông Hà cho rằng phần lớn phần đất ông được chia là đất công do bà Thái lấn chiếm lại không mở được lối đi là không phù hợp, vấn đề này cũng cần được xem xét.

Về diện tích đất S2 chia cho bà Thái 159,6 m2 và 236,72 m2 của S1 (S1+309,1 m2) sau khi trừ 72,38 m2 chia cho anh Bình, Toà án cấp phúc thẩm cũng chưa xác định vị trí mốc giới đất chia cho anh Bình là thiếu sót và khó khăn cho việc thi hành án.

Mặt khác, diện tích 22,08 m2 đất bà Thái đổi cho dòng họ Nguyễn Đình để lấy lối đi, án sơ thẩm chia cho bà Thái, nhưng án phúc thẩm không đề cập đến phần diện tích đất này và cũng không tuyên lối đi của phần đất ông Hà được chia là thiếu sót.

Do đó, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án phúc thẩm nêu trên của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Sau khi có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bà Nguyễn Thị Thái có đơn khiếu nại cho rằng bản kháng nghị nói trên của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là không đúng pháp luật

XÉT THẤY:

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác định đúng thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế, những người được hưởng thừa kế, di sản của cụ Sâm, cụ Liễn, xác định diện tích đất 90,09 m2 mà vợ chồng bà Thái, ông Ky lấn chiếm, đồng thời trích công sức tôn tạo, bảo quản di sản cho vợ chồng ông Ky, bà Thái bằng 30% giá trị di sản là có căn cứ, đúng pháp luật. Hơn nữa, những vấn đề nêu trên các đương sự không khiếu nại và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng không kháng nghị nên không xem xét.

Sau khi cụ Sâm, cụ Liễn chết thì vợ chồng bà Thái, ông Ky quản lý sử dụng toàn bộ nhà đất của 2 cụ, quá trình sử dụng khoảng từ năm 1970 đến năm 1994 vợ chồng bà Thái lấn chiếm 90,09 m2 đất công xung quanh thửa đất của hai cụ. Khi vợ chồng bà Thái lấn chiếm đất công, chính quyền địa phương không có ý kiến phản đối. Mặt khác, tại bản đồ địa chính năm 1986 và năm 1994, ông Ky (chồng bà Thái) được đứng tên là chủ sử dụng toàn bộ thửa đất, bao gồm đất của các cụ và đất lấn chiếm; năm 1994 bà Thái đã xây tường rào xung quanh thửa đất. Như vậy, mặc dù có việc vợ chồng bà Thái, ông Ky lấn chiếm đất, nhưng phần lấn chiếm này xen lẫn với diện tích đất là di sản của hai cụ và việc lấn chiếm xảy ra đã lâu, nay không thể xác định hoàn toàn chính xác đất lấn chiếm cụ thể ở chỗ nào; đồng thời đất lấn chiếm phù hợp với quy hoạch khu dân cư và vợ chồng bà Thái được đứng tên chủ sử dụng; do đó theo quy định của pháp luật đất đai thì diện tích đất lấn chiếm nêu trên bà Thái được tiếp tục sử dụng. Vì vậy, không cần thiết phải xác định vị trí đất mà vợ chồng bà Thái lấn chiếm như nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu.

Về chia hiện vật: ông Hà đã có nhà ổn định ở vị trí khác trên diện tích 221m2 đất. Còn căn nhà cấp 4 trên diện tích 236,72 m2 gia đình bà Thái đã quản lý sử dụng ổn định từ sau khi cụ Sâm, cụ Liễn chết, trong thực tế diện tích đất còn lại trong khối di sản có thể chia được mà vẫn đảm bảo giá trị sử dụng. Hơn nữa, giá trị kỷ phần mà Toà án cấp sơ thẩm phân chia cho ông Hà lại lớn hơn 2 lần so với kỷ phần mà ông Hà được hưởng (194.094.832 đồng/93.743.883,3 đồng) là không hợp lý và không phù hợp với thực tế. Toà án cấp phúc thẩm chia cho ông Hà 125,31 m2 (ở vị trí S3 của sơ đồ hiện trạng khu đất) có giá trị sử dụng 93.982.000 đồng là đã lớn hơn giá trị kỷ phần của ông Hà được hưởng và không buộc ông Hà phải thanh toán chênh lệch là có lý, có tình và có lợi cho ông Hà. Về ngõ đi chung: năm 2001, bà Thái đã đổi cho dòng họ Nguyễn Đình 22,08 m2 đất để được sử dụng ngõ đi chung và theo sơ đồ hiện trạng thửa đất thì phần đất chia cho ông Hà (S3) có chiều mặt đường ngõ chung là 8,7m, nên ông Hà có thể mở lối đi về phía ngõ chung này. Vì vậy, việc kháng nghị nêu cần chia cho ông Hà ngôi nhà để thờ cúng và phần đất chia cho ông Hà không có lối đi là không chính xác, không phù hợp với thực tế.

Về việc xác định mốc giới đất chia cho anh Bình và anh Năng: phần quyết định của bản án dân sự phúc thẩm đã chia cho anh Bình và anh Năng (đại diện cho các thừa kế của ông Khả) 72,38 m2 đất (sau ngôi nhà ngói cổ) có chiều mặt đường xã là 4,7m và chiều dài mặt đường xóm là 15,4 m (phủ bì hết ranh giới đất). Tại sơ đồ hiện trạng khu đất thì thửa đất S1 có 2 hướng giáp lối đi: hướng Nam giáp đường xã 12,6m, hướng Bắc giáp ngõ xóm là 15,4 m. Như vậy, có thể xác định là anh Bình, anh Năng được chia phần đất ở phía bắc của thửa S1. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm giao phần đất cho anh Bình, anh Năng đã có ranh giới rõ ràng và đã được thi hành xong, không có khiếu nại. Vì vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng phần đất giao cho anh Bình, anh Năng không có mốc giới là không có cơ sở.

Về 22,08 m2 đất bà Thái đổi cho dòng họ Nguyễn Đình: năm 2001, bà Thái đã đổi 22,08 m2 đất cho dòng họ Nguyễn Đình để lấy lối đi chung, nhưng các đương sự không có ý kiến phản đối và hiện nay dòng họ Nguyễn Đình cũng không khiếu nại. Toà án cấp phúc thẩm xác định 526 m2 đất là di sản của cụ Sâm, cụ Liễn là đúng, đồng thời chia cho các thừa kế của ông Khả (do anh Bình và anh Năng đại diện) 72,38 m2, chia cho ông Hà 125,31 m2, phần còn lại bà Thái và các con được chia. Như vậy, Toà án cấp phúc thẩm đã chia toàn bộ di sản của 2 cụ cho những người thừa kế, nhưng tại kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại cho rằng Toà án cấp phúc thẩm không chia 22,08 m2 đất nêu trên là không đúng.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291 và khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Không chấp nhận kháng nghị số 64/QĐ-KNGĐT-DS ngày 5-7-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với bản án dân sự phúc thẩm số 103/PTDS ngày 7-7-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

2. Giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 103/PTDS ngày 7-7-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

____________________________________________

- Lý do không chấp nhận kháng nghị:

Quyết định của bản án phúc thẩm là đúng pháp luật, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Liên kết Xem thêm:

Công ty luật - Luật sư - Ly hôn - thủ tục ly hôn - sang tên sổ đỏ - tư vấn luật đất đai - tư vấn luật lao động - ly hôn đơn phương

Giấy phép xây dựng , Thủ tục xin giấy phép xây dựng, xin cấp giấy phép xây dựng, Xin giấy phép xây dựng

 Tranh chấp quyền nuôi con -  Phân chia tài sản

Dịch vụ kế toán Tp. Hồ Chí Minh

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân