Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 11/2006/DS–GĐT NGÀY 05–6–2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT” NGUYÊN ĐƠN BÀ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG – BỊ ĐƠN ÔNG TRƯƠNG VĂN NẦY, BÀ ĐẶNG THỊ BƯỜNG
Ngày 05 tháng 6 năm  2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự: Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Phương sinh năm 1956; trú tại: ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp; Bị đơn: 1. Ông Trương Văn Nầy sinh năm 1950; 2. Bà Đặng Thị Bường sinh năm 1950; Đều trú tại: ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp;

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 11/2006/DS-GĐT
NGÀY 05-6-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT”

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 05 tháng 6 năm  2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

Bà Nguyễn Thị Phương sinh năm 1956; trú tại: ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp;

Bị đơn:

1. Ông Trương Văn Nầy sinh năm 1950;

2. Bà Đặng Thị Bường sinh năm 1950;

Đều trú tại: ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Lê Thị Mai sinh năm 1973;

2. Anh Trương Thành Nưng sinh năm 1980;

3. Bà Phan Thị Phương sinh năm 1930;

Đều trú tại: ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp;

4. Anh Nguyễn Thành Tâm sinh năm 1973; trú tại: ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tan Hồng, tỉnh Đồng Tháp;

5. Anh Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1953; trú tại: ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện đề ngày 13-3-1999 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, gia đình bà Nguyễn Thị Phương yêu cầu gia đình ông Trương Văn Nầy trả lại 3200m2 đất tại các thửa số 850 và 851, tờ bản đồ số 5, ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp (trong đó có 350m2 đất thổ cư và 2850m2 đất vườn); đồng thời yêu cầu gia đình ông Nầy bồi thường 1.700.000 đồng giá trị các cây me nước trên đất mà ông Nầy đã chặt và trả lại 10.800.000 đồng mà Nhà nước đã đền bù cho gia đình ông Nầy khi thu hồi 360m2 trong diện tích đất trên.

Nguyên đơn Nguyễn Thị Phương khai: Khoảng năm 1980, 1981, cụ Lê Văn Vĩnh (cha chồng bà Phương) cho cụ Lê Văn Khuyên (em trai cụ Vĩnh) mượn 8 công đất để làm nhà ở và canh tác, trong đó có 5 công đất ruộng và 3 công đất rẫy. Việc cho mượn chỉ bằng miệng không làm giấy tờ và cũng không nói thời gian nào phải trả lại. Cụ Khuyên và bà Dưỡng (con gái cụ Khuyên) làm nhà ở tại phần 3 công đất rẫy, còn 5 công đất ruộng thì ông Lê Văn Khải (con trai cụ Khuyên) sử dụng. Khoảng một thời gian sau, gia đình bà Phương thấy gia đình ông Nầy (cháu của vợ cụ Khuyên) vào làm nhà ở tại 3 công đất rẫy trên, gia đình bà Phương đã hỏi cụ Khuyên về việc này và cụ Khuyên nói chỉ cho ông Nầy ở nhờ. Gia đình bà Phương không đồng ý nên đã khiếu nại nhiều lần từ
năm 1984 đến nay, nhưng chính quyền không giải quyết. Năm 1995, ông Khải đồng ý trả lại 5 công đất ruộng, việc trả có làm giấy tờ và được Uỷ ban nhân dân phường xác nhận. Còn phần 3 công đất rẫy gia đình ông Nầy vẫn tiếp tục sử dụng nên gia đình bà yêu cầu gia đình ông Nầy trả lại.

Ông Trương Văn Nầy khai: ông đã mua phần đất trên của bà Lê Thị Dưỡng vào ngày 05-8-1984, hai bên có làm giấy viết tay, do anh Mẽ (con rể của bà Dưỡng) viết. Khi đó bà Dưỡng bán để lấy tiền chữa bệnh cho cụ Khuyên. Việc mua bán này cụ Khuyên, ông Khải và một số người như ông Nguyễn Văn Huế, bà Lê Thị Quyến, ông Phạm Hoàng Thương đều biết và chứng kiến. Ông đã vào làm nhà ở tại phần đất trên từ năm 1984 và sau đó cho con là Trương Thành Nưng làm nhà ở, còn cụ Khuyên và bà Dưỡng chuyển đi ở nhờ trên đất của người khác. Gia đình bà Phương sống liền kề nhưng cũng không có ý kiến gì. Năm 1994, ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các cây me ông chặt nằm trên phần đất của ông và là các cây ông đã mua cùng với đất. Hiện gia đình ông có 8 người đang sống tại đất trên, không có đất ở khác, còn gia đình bà Phương đang có rất nhiều đất. Vì vậy, ông không đồng ý trả lại.

Bà Lê Thị Dưỡng thừa nhận phần đất tranh chấp là phần đất của gia đình bà Phương cho mượn, bà Dưỡng và cụ Khuyên đã hứa khi nào không dùng nữa thì trả lại, nhưng do quá khó khăn nên năm 1984 đã trót bán cho ông Nầy. Nay bà không có tài sản gì để đền cho gia đình bà Phương hay ông Nầy, tuỳ pháp luật giải quyết.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 34/XX.ST ngày 06-12-1999, Toà án nhân dân huyện Tân Hồng quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của gia đình bà Phương.

Ngày 16-12-1999, gia đình bà Nguyễn Thị Phương (ông Tây Đơ chồng bà Phương) kháng cáo.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 123/DSPT ngày 05-5-2000, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định: Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 34/XX.ST
ngày 06-12-1999 của Toà án nhân dân huyện Tân Hồng, giao hồ sơ về Toà án nhân dân huyện Tân Hồng điều tra xét xử lại
(do Toà án cấp sơ thẩm không điều tra làm rõ giá trị tài sản tranh chấp và không giải quyết quan hệ pháp luật giữa bà Dưỡng và ông Nầy là không đúng).

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 68/DSST ngày 20-11-2002, Toà án nhân dân huyện Tân Hồng quyết định: Chấp nhận yêu cầu đòi đất của bà Nguyễn Thị Phương. Huỷ hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Dưỡng và ông Nầy. Gia đình ông Nầy được tiếp tục sử dụng 222,6m2 đất tại phần có nhà của ông Nầy, phần còn lại buộc gia đình ông Nầy trả lại các nguyên đơn. Ông Nầy phải trả cho các nguyên đơn giá trị các cây me nước, tiền đã nhận đền bù giải toả và giá trị phần đất được tiếp tục sử dụng, tổng cộng là 15.839.000đ. Các con bà Dưỡng có trách nhiệm trả cho ông Nầy 1 chỉ vàng.

Ngày 21-11-2002, ông Trương Văn Nầy kháng cáo.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 111/DSPT ngày 04-4-2003, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xử: huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 68/DSST ngày 20-11-2002 của Toà án nhân dân huyện Tân Hồng (do Thẩm phán chủ toạ phiên toà
sơ thẩm trước đây đã tham gia tố tụng với tư cách là thư ký phiên toà trong vụ
án này).

Do các thẩm phán của Toà án nhân dân huyện Tân Hồng đều đã tham gia giải quyết vụ án, không còn người tiến hành tố tụng hợp pháp nữa, nên Toà án nhân dân huyện Tân Hồng chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp giải quyết.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 26-3-2004, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định:

Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Phương.

Huỷ hợp đồng sang nhượng huê lợi giữa bà Lê Thị Dưỡng và ông Trương Văn Nầy ngày 05-8-1984.

Buộc hộ ông Trương Văn Nầy và bà Đặng Thị Bường, bà Phan Thị Phương, ông Trương Thành Nưng di dời nhà và cây trồng để trả 2.315,73m2 đất cho bà Nguyễn Thị Phương.

Hộ ông Trương Văn Nầy và bà Đặng Thị Bường được quyền sử dụng 520m2 đất.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Tân Hồng thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Nầy để điều chỉnh lại cho các bên theo nội dung trên.

Buộc ông Trương Văn Nầy, bà Đặng Thị Bường trả cho bà Nguyễn Thị Phương 18.600.000đ (trong đó tiền giá trị đất là 7.800.000đ, tiền Nhà nước đền bù đất để mở rộng lộ là 10.800.000đ).

Ngày 09-4-2004 vợ chồng ông Trương Văn Nầy kháng cáo.

Tại Quyết định kháng nghị số 44/KSXX-DS ngày 08-4-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm
số 03/DSST ngày 26-3-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đề nghị Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xử lại theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của bà Phương.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 222/DSPT ngày 16-7-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Bác kháng cáo của gia đình ông Nầy và Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Giữ nguyên án sơ thẩm.

Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 6 Điều 73 Luật đất đai.

Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Phương.

Huỷ hợp đồng sang nhượng huê lợi ngày 5-8-1984 giữa bà Lê Thị Dưỡng với ông Trương Văn Nầy.

Buộc hộ ông Trương Văn Nầy và bà Đặng Thị Bường, bà Phan Thị Phương, ông Trương Thành Nưng di dời nhà và cây trồng trên đất ra khỏi đất để giao trả cho bà Nguyễn Thị Phương diện tích 2.315,73m2 có tứ cận: Đông giáp quốc lộ 30 dài 49.9m, Tây giáp ruộng bà Nguyễn Thị Phương dài 47,4m, Nam giáp phần đất giao lại cho ông Trương Văn Nầy, Bắc giáp đất bà Nguyễn Thị Phương ngang 44,7m.

Hộ ông Trương Văn Nầy và bà Đặng Thị Bường được quyền sử dụng 520m2 đất có tứ cận: Đông giáp quốc lộ 30 dài 10m, Tây giáp đất ruộng bà Nguyễn Thị Phương dài 10m, Nam giáp đất ông Lê Văn Khải ngang 52m, Bắc giáp đất trả lại bà Nguyễn Thị Phương.

Đất toạ lạc tại ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

(Kèm theo biên bản đo đạc, khảo sát đất và sơ đồ đất ngày 16-2-2004).

Các đương sự được đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất theo diện tích được giao.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Tân Hồng thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên Trương Văn Nầy, số giấy B220773 cấp ngày 10-01-1994 để cấp lại cho các đương sự theo diện tích được giao sử dụng.

Buộc ông Trương Văn Nầy, bà Đặng Thị Bường trả cho bà Nguyễn Thị Phương 18.600.000 đồng gồm tiền giá trị 520m2 đất là 7.800.000 đồng và tiền Nhà nước đền bù mở rộng lộ là 10.800.00 đồng.

Các quyết định khác của án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án còn có quyết định về án phí.

Ngày 09-12-2004, ông Trương Văn Nầy khiếu nại.

- Tại Quyết định số 53/2006/KN-DS ngày 07-4-2006, Chánh án Toà
án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 222/DSPT
ngày 16-7-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh nêu trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 222/DSPT ngày 16-7-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 26-3-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

Nguồn gốc 3200m2 đất có tranh chấp tại các thửa số 850 và 851, tờ bản đồ số 5, tại ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp trước đây là đất gò ruộng bỏ hoang và đã qua nhiều người khai phá lại để sử dụng. Khoảng đầu những năm 1970, cụ Lê Văn Vĩnh (cha chồng của bà Nguyễn Thị Phương) vào bao chiếm sử dụng. Năm 1979 cụ Vĩnh giao phần đất trên cho em trai là cụ Nguyễn Văn Khuyên cùng con gái của cụ Khuyên là bà Lê Thị Dưỡng sử dụng. Cụ Khuyên và bà Dưỡng đã làm nhà ở trên đất. Năm 1984 bà Dưỡng đã bán lại nhà đất cho ông Nầy và cùng cụ Khuyên chuyển đi nơi khác sinh sống. Như vậy, mặc dù diện tích đất tranh chấp do cụ Vĩnh bao chiếm, nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận hợp pháp; từ năm 1979 cụ Vĩnh đã không quản lý, sử dụng. Còn gia đình ông Nầy, sau khi nhận chuyển nhượng của bà Dưỡng từ năm 1984 đã làm nhà ở, trồng cây lâu năm, sinh sống ổn định từ đó đến nay. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Nầy thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về sử dụng đất đối với Nhà nước, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1994. Trong khi đó, gia đình bà Phương và cụ Vĩnh tuy sống gần đó, nhưng cũng không khiếu nại, phản đối. Do đó, theo quy định của pháp luật thì ông Nầy là người có quyền sử dụng đất hợp pháp. Việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu đòi đất của bà Phương là không đúng pháp luật.

Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí quan điểm tại kháng nghị nêu trên.

XÉT THẤY:

Căn cứ lời khai của bà Nguyễn Thị Phương và xác nhận của các nhân chứng là ông Lê Văn Khải, bà Lê Thị Quyến và ông Nguyễn Văn Kiệm, có cơ sở để xác định nguồn gốc đất tranh chấp (3200m2 tại các thửa số 850 và 851, tờ bản đồ số 5, tại ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) là đất của một số người đã khai hoang sau đó bỏ hoang qua nhiều thời kỳ, cụ Lê Văn Vĩnh (cha chồng của bà Phương) chỉ là người tự vào bao chiếm, sử dụng từ đầu những năm 1970. Trong suốt thời gian từ khi bao chiếm, sử dụng cho tới khi có tranh chấp năm 1999, cụ Vĩnh không đăng ký, kê khai và chưa được chính quyền thừa nhận về quyền sử dụng đối với phần đất này. Mặt khác, theo chính sách ruộng đất của chính phủ cách mạng ban hành theo Nghị định số 01 NĐ/75 ngày 05-3-1975; Quyết định số 188/CP ngày 25-9-1976 của Hội đồng chính phủ; Quyết định số 318/CP ngày 10-9-1979 của hội đồng chính phủ v.v... thì cụ Vĩnh cũng không đủ các điều kiện để được chính quyền thừa nhận là người sử dụng đất hợp pháp đối với phần đất đang tranh chấp này.

Trên thực tế thì năm 1979, cụ Vĩnh đã giao lại cho cụ Lê Văn Khuyên (em trai cụ Vĩnh) 8 công đất, trong đó có 5 công đất ruộng và 3 công đất rẫy (khi đó trên đất không có tài sản của cụ Vĩnh). Cụ Khuyên và bà Lê Thị Dưỡng (con gái cụ Khuyên) làm nhà ở tại phần 3 công đất rẫy, còn 5 công đất ruộng thì giao lại cho ông Lê Văn Khải (con trai cụ Khuyên) sử dụng.

Vợ chồng bà Phương cho rằng cụ Vĩnh chỉ cho gia đình cụ Khuyên mượn đất và xuất trình hai giấy tự thuận trả đất của bà Dưỡng và ông Khải, trong đó có nội dung thừa nhận việc mượn đất nên trả lại. Nhưng theo ông Khải khai tại Toà án, thì cụ Vĩnh đã cho hẳn cụ Khuyên phần đất trên và cụ Khuyên cho ông sử dụng. Năm 1995 do túng thiếu nên ông đã bán lại cho gia đình bà Phương với giá 7 chỉ vàng, còn giấy tự thoả thuận trả đất là nội dung do bà Phương tự viết sau khi bán và nhờ ông ký, ông không đọc lại và ký vào giấy cho bà Phương, nhưng nội dung thực sự là bán. Trong quá trình giải quyết, bà Phương cũng thừa nhận có việc đưa tiền cho ông Khải trong việc lấy lại phần đất này. Đối với giấy tự thuận trả đất của bà Dưỡng ngày 07-12-1999, giấy này được viết sau khi xét xử sơ thẩm lần đầu. Bà Phương thừa nhận giấy này là do gia đình bà yêu cầu bà Dưỡng viết. Do đó, nội dung thể hiện tại các giấy tờ trên là không khách quan, thực tế. Trong khi đó, việc giao nhận đất giữa cụ Vĩnh và cụ Khuyên chỉ thoả thuận miệng. Cụ Vĩnh khi còn sống cũng không đòi cụ Khuyên trả đất. Mặt khác, năm 1984, bà Dưỡng đã bán nhà, đất cho ông Trương Văn Nầy (dưới hình thức sang nhượng huê lợi) để lấy tiền chữa bệnh cho cụ Khuyên, ông Nầy đã làm nhà ở, trồng cây lâu năm và sinh sống ổn định trên đất. Năm 1994 ông Nầy đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn cụ Khuyên và bà Dưỡng chuyển đi ở nhờ trên đất của người khác, cụ Vĩnh và vợ chồng bà Phương sống ngay bên cạnh nhưng cũng không có ý kiến gì. Các nhân chứng là ông Lê Văn Khải, bà Lê Thị Quyến đều xác nhận cụ Vĩnh đã cho hẳn cụ Khuyên đất.

Thực tế quá trình quản lý, sử dụng đất thì vợ chồng bà Phương chỉ đăng ký, kê khai đối với phần đất hiện gia đình bà Phương đang sử dụng, không đăng ký, kê khai sử dụng đối với phần đất có tranh chấp, mà chỉ khi có tranh chấp về hàng cây me nước thì gia đình bà Phương mới yêu cầu đòi lại đất do ông Nầy quản lý sử dụng. Trong khi đó, năm 1984 ông Nầy mua nhà, đất trên một cách công khai, ngay tình, đã trả đủ tiền, làm nhà ở, trồng cây lâu năm và sinh sống ổn định trên đất; năm 1994 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tổng hợp tất cả các chứng cứ nêu trên, có đủ cơ sở xác định ông Nầy là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất đang có tranh chấp.

Gia đình bà Phương khởi kiện yêu cầu gia đình ông Nầy trả đất, nhưng không đưa ra được các căn cứ để chứng minh mình là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với phần đất đó. Lẽ ra, phải bác yêu cầu khởi kiện của bà Phương, công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho ông Nầy mới đúng. Toà án cấp phúc thẩm lại buộc ông Nầy phải trả đất cho bà Phương (một phần bằng đất, một phần bằng giá trị) là không đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 222/DSPT ngày 16-7-2004 của
Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 26-3-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xét xử về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là
bà Nguyễn Thị Phương với các bị đơn là ông Trương Văn Nầy và bà Đặng Thị Bường.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Liên kết Xem thêm:

Công ty luật - Luật sư - Ly hôn - thủ tục ly hôn - sang tên sổ đỏ - tư vấn luật đất đai - tư vấn luật lao động - ly hôn đơn phương

Giấy phép xây dựng , Thủ tục xin giấy phép xây dựng, xin cấp giấy phép xây dựng, Xin giấy phép xây dựng

 Tranh chấp quyền nuôi con -  Phân chia tài sản

Dịch vụ kế toán Tp. Hồ Chí Minh

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân