Quy định về cấp dưỡng cho con –Ngô Thế Chương ở Vũ Bình, Thái Nguyên
Câu hỏi: Ông Ngô Thế Chương ở Vũ Bình, Thái Nguyên hỏi tôi có một đứa con riêng năm nay 2 tuổi, theo quyết định của Tòa án tôi cấp dưỡng hàng tháng cho con nhưng do sợ vợ tôi biết tôi không có ý định cấp dưỡng cho cháu hỏi pháp luật quy định như thế nào nếu không cấp dưỡng cho con.
Trả lời:
Trả lời: Tại khoản 2 điều 12 nghị định số 87/2001/NĐ- CP của Chính phủ ngày 21/11/2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định về việc xử phạt vi phạm về cấp dưỡng như sau: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật”.
Tại khoản 2 điều 16 nghị định này quy định về việc đề nghị Toà án quyết định áp dụng một số biện pháp theo thẩm quyền và việc xử lý đối với trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm như sau:. “Người nào vi phạm quy định tại Điều 6, Điều 7, các điểm a, b khoản 1 Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 1999”.
Tại điều 152 Bộ luật hình sự quy định về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đó bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Như vậy nếu bạn từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng bạn sẽ bị xử phạt hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng bạn sẽ bị xử lý về hình sự, trong trường hợp bạn đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bạn sẽ bị xử lý về hình sự theo quy định trên.