Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
LUẬT SƯ – TỪ THỰC TẾ NHÌN LẠI
Nghề luật sư (LS) là một hoạt động bổ trợ tư pháp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong Nhà nước pháp quyền và trong xã hội nói chung. Giữ vị trí tối cần thiết như vậy, nhưng cả nước hiện chỉ có 5.334 LS và 2.000 người tập sự hành nghề LS trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến pháp luật từ dân sự, hình sự, kinh tế, hành chính, đến thương mại, đầu tư, kinh doanh. Tính ra, tỷ lệ LS trên số dân ở Việt Nam là 1/20.700. Tỷ lệ này quá thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chẳng hạn ở Singapore là 1/1.000, ở Mỹ là 1/250… Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ LS cũng còn không ít điểm hạn chế.  

Thiếu hụt đầu vào lẫn đầu ra

Khá nhiều người trong xã hội hiện nay có quan niệm: muốn làm LS phải đi học luật, và đã học luật chắc chắn sẽ là LS. Vế đầu của quan niệm này đúng, bởi tất cả LS đều phải có bằng cử nhân luật, cũng như muốn là bác sĩ thì phải qua 6 năm đào tạo trong trường đại học y. Còn vế thứ hai thì sai. Theo PGS, TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, một sinh viên vừa tốt nghiệp trường luật đòi hỏi trở thành LS ngay là điều không thể. Một thực tế là trong thời gian 4 năm học ở trường đại học luật, sinh viên không được học môn học nào về kỹ năng và đạo đức hành nghề của nghề LS. “LS là một nghề và được pháp luật điều chỉnh việc hành nghề của họ. Ở trường chúng tôi không đào tạo LS mà chỉ đào tạo cử nhân luật” – PGS, TS Mai Hồng Quỳ nhấn mạnh.

Qua tìm hiểu, mỗi năm Trường Đại học Luật TPHCM cho “ra lò” khoảng 2.000 cử nhân luật, trong đó phân nửa thuộc hệ tại chức. Ở phía Bắc, Trường Đại học Luật Hà Nội bằng nhiều hình thức đào tạo khác nhau cũng chỉ cho tốt nghiệp hơn 2.000 cử nhân luật/năm. Số lượng sinh viên khoa luật của gần chục trường đại học khác trong cả nước mỗi năm tốt nghiệp khoảng 6.000 người. Và chỉ 10% trong số này đi theo nghề LS. Nghĩa là mỗi năm, đầu vào để đào tạo nghề LS chỉ khoảng 1.000 người. Trong khi đó, theo Đề án phát triển đội ngũ LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đến năm 2015 cả nước cần đến 20.000 LS, và ít nhất 10% số LS này là LS chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Sự bất cập trong đầu vào đã dẫn đến sự thiếu hụt đầu ra của đội ngũ LS. Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), nhìn nhận: “Sự thiếu hụt LS đang là vấn đề lớn và là nhu cầu đang cấp bách”.

Mặt khác, đội ngũ LS phát triển chủ yếu ở các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM và TP Hà Nội; vì thế ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng LS không đủ đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của nhân dân. Riêng tỉnh Lai Châu chưa có đủ số lượng LS cần thiết để thành lập Đoàn LS.

Đào tạo LS theo kiểu “mì ăn liền”

Song song với sự thiếu hụt đội ngũ LS, việc đào tạo kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho LS cũng còn hạn chế. PGS, TS Mai Hồng Quỳ nhận xét: “Thông thường một khóa đào tạo LS do Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức chỉ khoảng 6 tháng. Nội dung đào tạo chủ yếu chú trọng đến yêu cầu LS phải làm gì, không được làm gì và những vấn đề cơ bản mà Luật LS quy định. Như vậy, thời gian để đào tạo một cử nhân luật thành LS chỉ mất chưa đầy 1 năm, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, quá trình đào tạo này phải mất 6 đến 7 năm”.

LS Phan Thông Anh, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, lý giải: “Do thiếu hụt LS, nên các khóa đào tạo được mở ra theo kiểu “mì ăn liền”, chủ yếu chạy theo số lượng. Đáng chú ý là hình thức đào tạo không đồng nhất, vừa có chính quy, tại chức, vừa có mở rộng, từ xa; độ tuổi của cử nhân luật khi ra trường để đào tạo LS cũng khác nhau. Điều này khiến cho việc chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo nghề LS gặp khó khăn và làm giảm chất lượng đội ngũ LS”. Hậu quả là trong lúc hành nghề, không ít LS tỏ ra non kém về kỹ năng, vi phạm những quy tắc ứng xử thông thường nhất của nghề LS.

Từ kinh nghiệm bản thân, LS Nguyễn Thành Công (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật) cho rằng: Để xây dựng đội ngũ LS thật sự có chất lượng, chương trình học tại các trường đại học luật cần thiết phải được cơ cấu lại, gia tăng các môn học mang tính thực tiễn, hoạt động nghiệp vụ cụ thể. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho LS có thể thực hiện theo nguyên tắc “đứng trên vai người khổng lồ sẽ cao hơn người khổng lồ”. Nghĩa là các LS kỳ cựu sẽ truyền đạt một cách thật tâm huyết cho lớp LS đàn em về những kinh nghiệm, những “mảng”, “miếng”, những kỹ thuật trong nghề. Khi ấy, sự lĩnh hội của những LS mới vào nghề sẽ đỡ vất vả hơn, thời gian tinh thông nghề nghiệp rút ngắn hơn. Và như vậy, nước nhà sẽ sớm có một đội ngũ LS có trình độ cao.

Đội ngũ LS có chức năng cao cả là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ công lý và pháp chế XHCN. Hoạt động tham gia tố tụng của LS đã góp phần quan trọng thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại tòa – một trong những yêu cầu trọng tâm của cải cách tư pháp, góp phần cải thiện một bước chất lượng hoạt động tố tụng, làm tăng thêm tính dân chủ, công bằng của phiên tòa.

Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, các LS đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới mẻ như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hóa có yếu tố nước ngoài…

2. Hành nghề – vẫn còn trở ngại

Cùng với sự phát triển của đất nước trong những năm qua, đội ngũ luật sư (LS) Việt Nam từng bước trưởng thành, trở thành bộ phận không thể tách rời trong thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN. Đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” ra đời, hoạt động của LS chuyển biến rõ nét hơn, vai trò của LS được nâng lên tầm cao mới. Luật LS và các bộ luật khác đã có nhiều quy định mở rộng, trao thêm nhiều quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của LS. Dẫu vậy, khi hành nghề, LS cũng đối mặt không ít khó khăn.

Luật: có quyền, thực tế: hạn chế

Theo Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, LS được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia thì LS được tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Đặc biệt trong các trường hợp bắt người khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì LS được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ.

Ngoài ra, LS còn được quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và có thể được hỏi người tạm giữ, bị can nếu điều tra viên đồng ý. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho LS thực hiện đúng chức năng của mình là làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo; góp phần đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội.

Luật quy định là thế, nhưng trên thực tế không phải lúc nào LS cũng được tạo điều kiện tham gia vào vụ án từ giai đoạn điều tra. LS kêu ca nhiều, thậm chí tại một cuộc họp, Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM, còn tuyên bố sẽ xử lý nghiêm những điều tra viên bị “tố” có hành vi cản trở LS hoạt động, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt. Theo quan điểm của một số điều tra viên, khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, LS bào chữa theo yêu cầu của bị can tham gia chỉ thêm… rối.

Bởi lẽ không ít trường hợp bị can đang thành khẩn thừa nhận hành vi sai phạm phù hợp với chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được, vậy mà sau khi gặp LS thì lập tức phản cung, thay đổi lời khai. Vậy nên cứ trì hoãn sự tham gia của LS càng lâu càng tốt! Về phần mình, khi bị cản trở, không LS nào dám “tố” vì sợ sau này bị tẩy chay, ảnh hưởng đến hoạt động lâu dài.

LS Trần Ngọc Quý (Đoàn LS TPHCM) nêu một khó khăn khác. Khoản 2 Điều 64 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 quy định rõ: người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án, được ghi chép, sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Quy định như vậy, nhưng thực hiện được hay không là do… hên xui. Có tòa án cho phép LS được dùng máy chụp ảnh kỹ thuật số sao chụp trực tiếp hồ sơ vụ án ngay tại chỗ để về nghiên cứu; nhưng cũng có tòa án yêu cầu LS phải đăng ký để tòa photocopy hồ sơ, hẹn LS vài ngày sau đến lấy. Gặp những trường hợp như vậy, LS phải mất nhiều thời gian đi lại mới có thể có được hồ sơ đầy đủ phục vụ cho việc nghiên cứu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

Giữ quy tắc đạo đức hay đối mặt với pháp luật?

Theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, LS không được tiết lộ bí mật thân chủ. Đây là quy định đúng đắn, thể hiện trách nhiệm của LS đối với thân chủ của mình. Tuy nhiên, quy định này không “gặp” quan điểm của cơ quan điều tra.

Một số LS kể rằng đã bị điều tra viên mời lên yêu cầu hợp tác, cung cấp những gì đã biết qua những lần tiếp xúc với thân chủ (lúc này thân chủ của LS đã là bị can hoặc đang là nghi can trong một vụ án). Khi LS không đồng ý thì điều tra viên đe dọa rằng sẽ khởi tố LS về hành vi “Không tố giác tội phạm” theo quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự.

Trước trường hợp này, hầu hết LS chọn cách không cung cấp thông tin và “đấu lý” với cơ quan điều tra rằng một khi thân chủ của họ chưa bị bản án có hiệu lực pháp luật tuyên là có tội thì chưa bị xem là tội phạm, do vậy không thể quy kết LS có hành vi “không tố giác tội phạm”. Dẫu “thoát hiểm” nhờ vận dụng “bảo bối” trên, nhưng các LS vẫn có cảm giác không được an toàn trong việc thực hiện trách nhiệm đối với thân chủ của mình.

Nhìn nhận theo hướng rộng hơn, LS Phan Thông Anh, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Việt Nam cho rằng: Pháp luật hiện nay còn có những quy định chồng chéo, thiếu thống nhất. Do vậy, mỗi LS phải phải có bản lĩnh, sự nhạy bén, xử lý tình huống hài hòa để vừa tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp vừa tuân thủ nghĩa vụ công dân của mình đối với đất nước.

Theo LS Phan Thông Anh, việc LS bị làm khó trong quá trình tham gia tố tụng là vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận tại Đại hội đại biểu LS lần thứ nhất. Đại hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản pháp luật liên quan đến quá trình tham gia tố tụng của LS. Cụ thể, cần có một thông tư liên tịch giữa TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp để quy định trách nhiệm cho các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện tốt nhất cho LS trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra, kể cả việc cấp giấy chứng nhận bào chữa một lần trong suốt quá trình tố tụng của vụ án, không phải kêu cấp đi cấp lại nhiều lần từ giai đoạn điều tra của cơ quan điều tra, đến giai đoạn truy tố của viện kiểm sát và đôi lúc kể cả giai đoạn xét xử của tòa án.

3. Những “con sâu” trong nghề luật

Đạo đức nghề nghiệp luật sư (LS) là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc đánh giá chất lượng LS. Đa số LS đều có ý thức tôn trọng, tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; tuân thủ pháp luật, làm tròn trách nhiệm với thân chủ, với Nhà nước, với xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp LS lợi dụng sự hiểu biết luật pháp của mình để… vi phạm pháp luật, lợi dụng danh nghĩa LS để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia.

Từ hứa “chạy án” để lừa đảo…

Năm 2005, tại TPHCM, Cơ quan Điều tra Bộ Công an bắt quả tang LS Lê Bảo Quốc (thuộc Đoàn LS tỉnh Hà Tĩnh) đang nhận 2 tỷ đồng và 30.000 USD từ một đương sự với lời hứa sẽ “chạy” thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 81/DSPT của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM. Từ đây, cơ quan điều tra làm rõ hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật của vị LS tham tiền, mất đạo đức này.

Lợi dụng những mối quan hệ trong công việc, Quốc lừa bịp, dùng những lời lẽ khoe khoang làm cho thân chủ của mình tưởng rằng Quốc có khả năng “chạy án”, “thay trắng đổi đen”, lật ngược tình thế có lợi cho họ. Thế nhưng, sau khi hợp đồng dịch vụ được ký kết, Quốc bỏ mặc thân chủ, không thèm ra tòa bảo vệ quyền lợi cho thân chủ và cũng không thực hiện lời hứa của mình.

Nghiêm trọng hơn, Quốc còn sử dụng thông tin của thân chủ mình để “làm tiền” phía đương sự đối ngược. Hành vi của Quốc đã làm hoen ố hình ảnh, uy tín giới LS chân chính. Đáng buồn thay, đây không phải là trường hợp duy nhất LS vi phạm pháp luật.

Tháng 10-2008 và tháng 5-2009 vừa qua, LS Lê Quốc Trung (Đoàn LS TP Hà Nội), LS Nguyễn Thị Quốc Khánh (Đoàn LS tỉnh Lâm Đồng) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tháng 3-2009, LS Lê Trần Luật (Đoàn LS tỉnh Ninh Thuận) bị xử phạt 4 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng không thời hạn giấy đăng ký hoạt động vì đã sử dụng giấy tờ giả, không báo cáo hoạt động theo luật định, trốn thuế, chiếm đoạt tiền của thân chủ.

Ngược với loại LS này là những LS lợi dụng kẽ hở pháp luật “tư vấn” cho thân chủ một cách trái pháp luật, không quan tâm đến lợi ích chung. Khi thân chủ bị bắt, họ xúi thân chủ không khai báo sự thật. Khi ra bào chữa trước tòa, họ đưa ra những lý lẽ không có căn cứ để yêu cầu hội đồng xét xử tuyên thân chủ họ vô tội; thậm chí không ngần ngại cho rằng thân chủ mình lẽ ra không bị xử lý hình sự nếu… không có sự can dự của báo chí.

Dường như họ đã cố tình quên rằng hoạt động nghề nghiệp của LS nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

… đến đòi thay đổi chế độ

Một điều cần phải thừa nhận rằng dù đã được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần nhưng đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Là những người am hiểu pháp luật, các LS dễ dàng nhận biết điều này. Thế nhưng thay vì dùng kiến thức của mình góp ý để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật thì một số người lại lợi dụng uy tín nghề nghiệp và tiếng nói của mình trên các diễn đàn hành nghề để chỉ trích Đảng, Nhà nước, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc nhằm đả kích chính quyền, mà điển hình là các LS Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân (Đoàn LS TP Hà Nội)…

Đặc biệt, trong vụ án Lê Công Định (LS của Đoàn LS TPHCM), dư luận và giới trí thức luật hết sức bất bình trước việc Lê Công Định lợi dụng việc tranh tụng tại tòa trong một số vụ án để công khai chống lại Nhà nước, phổ biến và tuyên truyền quan điểm của các thế lực thù địch đòi lật đổ chế độ và lập ra các đảng phái chính trị nhằm thu hút lực lượng, phô trương thanh thế.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi từ Tổng cục An ninh Bộ Công an, từ các vụ án liên quan đến một số LS chống đối Nhà nước ta vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra đã tìm ra manh mối cho thấy các tổ chức phản động ở nước ngoài đang nhắm đến đối tượng trong giới trí thức luật để lôi kéo, kích động và thậm chí dùng đồng tiền mua chuộc LS, phục vụ cho lợi ích của chúng là chống phá Nhà nước ta.

Trong vụ án Lê Công Định còn cho thấy âm mưu của kẻ địch đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả việc tìm mọi cách đưa Lê Công Định tham gia vào cơ cấu quyền lực tại các cơ quan dân cử, để từ đó dễ bề hoạt động và gây ảnh hưởng tư tưởng “tự do, dân chủ, nhân quyền” theo kiểu của chúng. Tất cả những âm mưu và thủ đoạn này của chúng đều được người dân âm thầm theo dõi, phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan điều tra nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

Những “con sâu” này sẽ bị pháp luật nghiêm trị, nhưng đó chỉ là một số cá biệt, không phải là hình ảnh đại diện cho giới LS – những người đang ngày đêm đem kiến thức, nhiệt huyết của mình phục vụ cho người dân, cho nền pháp chế XHCN.

Tuy nhiên, để LS có thể thực hiện tốt nhất vai trò của mình, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Tư pháp cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cũng như có các biện pháp khuyến khích sinh viên luật, tập sự hành nghề LS tự đào sâu kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đặc biệt, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm công dân, đạo đức nghề nghiệp đối với LS góp phần bảo vệ công lý và pháp chế XHCN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức.

Đoàn LS TPHCM có số thành viên đông nhất nước, với 1.799 LS và 1.314 tập sự hành nghề LS. Hoạt động LS của đoàn phát triển mạnh trên cả 3 lĩnh vực: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý. Khoảng 15% số LS của đoàn nói tiếng Anh lưu loát, có thể tham gia bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

Trong năm 2008, các văn phòng LS, công ty luật của đoàn đã nhận bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong 8.817 vụ án các loại, tư vấn pháp luật 9.037 vụ việc, thực hiện dịch vụ pháp lý 4.447 vụ việc.

LS Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn LS TPHCM, khẳng định: Đoàn LS TPHCM kiên quyết nói “không” với “chạy án”, những trường hợp LS vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, không bao che. Trong năm 2008, Đoàn LS TPHCM xử lý kỷ luật bằng các hình thức xóa tên, khiển trách, cảnh cáo đối với 4 LS. Ngày 22-6-2009, Ban Chủ nhiệm Đoàn LS TPHCM cũng đã quyết định thi hành kỷ luật với hình thức xóa tên Lê Công Định khỏi danh sách LS của đoàn.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG ĐIỆN TỬ

Tham khảo các bài viết tư vấn báo dân trí của các luật sư:

(Dân trí)-Thủ tục chấm dứt hợp đồng do hết tuổi lao động - Thủ tục thành lập công ty cổ phần

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty TNHH - Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục mua bán, sát nhập doanh nghiệp - Thủ tục đơn phương xin ly hôn

(Dân trí)- Điều kiện việt kiều được mua nhà Việt Nam - Thủ tục giải thể doanh nghiệp

(Dân trí)- Thủ tục tặng, cho tài sản cho người thân -Thủ tục ly hôn với người nước ngoài

(Dân trí)- Điều kiện thành lập trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài -Thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi trụ sở công ty cổ phần - Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần -Thủ tục kết hôn với người nước ngoài

(Dân trí)-Thủ tục làm giấy phép tổ chức chương trình khuyến mại -Thủ tục Công chứng hợp đồng ủy quyền

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần - Chia tách thửa đất phải đảm bảo đủ các điều kiện nào?

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi tên công ty Trách nhiệm hữu hạn - Quyền chia thừa kế nhà đất

(Dân trí)-Thủ tục hủy bỏ hợp đồng công chứng - Quy định về trường hợp mất năng lực hành vi dân sự

 

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân