(Dân trí) - Những ngày gần đây dư luận rất quan tâm về việc một người dân bị công an phường và dân phòng Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đánh vì vi phạm luật giao thông. Dưới đây là ý kiến của Ls Trần Thị Thúy Hằng, Công ty Luật TNHH Đại Việt về sự việc trên. >> Khởi tố vụ án người dân tố cáo bị công an đánh
Theo thông tin trên báo chí thì sự việc xảy ra ngày 02/03/2011, khi ông Trịnh Xuân Tùng ngồi sau xe ôm đi vào bến xe Giáp Bát nhưng không đội mũ bảo hiểm, bị công an phường lập biên bản xử phạt đã xảy ra xô xát giữa công an và người lái xe ôm. Ông Tùng can thiệp nên bị công an Nguyễn Văn Ninh và một số dân phòng đánh rồi đưa về trụ sở công an phường. Đến tối được đưa đi cấp cứu thì đã hôn mê do bị gãy 02 đốt sống cổ, sau 8 ngày điều trị nhưng không qua khỏi, ông Tùng đã tử vong.
Theo người nhà nạn nhân và một số nhân chứng thì ông Tùng bị công an dùng dùi cui đánh vào cổ, nhưng cũng có thông tin cho rằng ông Tùng có hành vi chống lại những người công an, dân phòng này khi họ tiến hành xử phạt nên bị hai người bẻ quặt tay ra đằng sau rồi dùng tay dúi rất mạnh vào cổ ấn người xuống. Sự việc cụ thể như thế nào, cần có kết luận chính xác của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên việc ông Tùng chết do bị gãy 2 đốt sống cổ vì sự tác động ngoại lực từ công an, dân phòng là không thể phủ nhận. Vậy hành vi này của người công an và nhóm dân phòng đã gây ra cái chết cho ông Trịnh Xuân Tùng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Theo quan điểm của luật sư Công ty Luật Đại Việt thì hành vi của những người này rõ ràng có căn cứ để xử lý về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”, được quy định tại điều 97 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều luật này quy định cụ thể như sau: “Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Về chủ thể (người phạm tội) trong trường hợp này phải là người đang thi hành công vụ - thực hiện nhiệm vụ công, hoặc một số trường hợp đặc biệt có thể là những người tuy không có nhiệm vụ, nhưng đang tham gia đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến lợi ích Nhà nước hoặc lợi ích hợp pháp của công dân.
Trong vụ án này, người công an phường và dân phòng đang trong thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực bến xe. Đồng thời theo quy định tại điều 48, điều 49, Nghị định số 134/2010/CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thì chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ, trưởng công an phường, có quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Do đó họ là những người đang thi hành công vụ, đang thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hành vi dùng vũ lực có thể là dùng vũ khí hoặc không dùng vũ khí, chỉ là chân tay tác động vào cơ thể nạn nhân khiến nạn nhân tử vong. Hành vi dùng vũ lực này là ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Theo quy định của Luật Công an nhân dân thì Công an nhân dân được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết để chủ động tấn công tội phạm và phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
Nhưng rõ ràng trong trường hợp này, dù ông Tùng có hành vi chống người thi hành công vụ hay không cũng chưa đến mức dùng đến vũ lực như vậy. Ông Tùng không có vũ khí, hơn nữa một bên chỉ có một mình ông còn bên kia là cả một nhóm người có nghiệp vụ (công an, dân phòng), có vũ khí (dùi cui..). Vì vậy hành vi dùng vũ lực của công an (dù là dùng dùi cui đánh vào gáy, hay hai người bẻ quặt tay giữ chặt đằng sau rồi dúi mạnh đầu ông Tùng xuống đất) cũng bị coi là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Và hành vi này chắc chắn phải tác động rất mạnh đến cơ thể ông Tùng mới có thể làm gãy 2 đốt sống cổ và dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, căn cứ vào kết luận giám định thương tích thì sẽ có căn cứ chứng minh hành vi của người công an kia là như thế nào? Dùng dùi cui đánh vào gáy hay là bẻ quặt tay và dúi đầu nạn nhân, dù cả hai hành vi này đều có thể dẫn đến làm gãy đốt sống cổ của nạn nhân, nhưng nguyên nhân gây ra do bị vật tày (dùi cui) tác động sẽ khác với do bị bẻ tay, dúi cổ.
Có quan điểm cho rằng hành vi này là phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, theo quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999. Và hiện nay theo thông tin từ báo chí thì Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án theo điều 104 nêu trên.
Nhưng cũng có quan điểm của một số luật sư và một số người thi hành pháp luật, thì hành vi trên của người công an là phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ theo điều 107 Bộ luật Hình sự năm 1999, hoặc tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo điều 109.
Tuy nhiên, theo quy định tại điều 107 và điều 109 thì những hành vi này chỉ gây thương tích cho nạn nhân chứ không dẫn đến hậu quả chết người. Do đó nếu chỉ xem xét, xử lý theo điều 107 là không thỏa đáng. Còn nếu xử lý về tội cố ý gây thương tích theo điều 104 thì đặc biệt cần làm rõ hành vi, xử sự của nạn nhân khi đó và hành vi, tác động của nhóm người này lên cơ thể nạn nhân? Mức độ hành vi phạm tội của người công an này như thế nào? Có phải dùng dùi cui đánh vào gáy nạn nhân không? Ngoài việc bị đánh vào gáy ông Tùng còn bị những vết thương nào khác? Ông Tùng bị một hay nhiều người đánh? Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc định tội, vì nếu thực sự ông Tùng bị nhiều người đánh, nhiều vết thương hay vết thương do bị đánh rất mạnh bằng dùi cui vào gáy - một vị trí nguy hiểm trên cơ thể nạn nhân trong khi nạn nhân không có khả năng chống cự hoặc chống cự một cách yếu ớt còn lực lượng làm nhiệm vụ lại rất đông người, lại là những người có nghiệp vụ, có hiểu biết, thì hành vi này là nhằm gây thương tích cho nạn nhân chứ không phải chỉ là dùng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép nữa.
Còn nếu nguyên nhân gây gẫy đốt sống cổ cho nạn nhân làm nạn nhân chết thực sự là do khi nạn nhân chống đối người đang thi hành công vụ, nên bị bẻ quặt tay ra đằng sau và bị dúi mạnh cổ xuống thì việc xử lý theo điều 97 là đúng quy định.
Liên kết Xem thêm:
Công ty luật - Luật sư - Ly hôn - thủ tục ly hôn - sang tên sổ đỏ - tư vấn luật đất đai - tư vấn luật lao động - ly hôn đơn phương
Tranh chấp quyền nuôi con - Phân chia tài sản
Vũ Văn Tiến - Dân Trí (ghi)