Câu hỏi: Ngân hàng chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 01 khoản vay mua ngoại tệ nhập khẩu lô hàng của khách hàng do tại thời điểm giải ngân hồ sơ khách hàng cung cấp hoàn toàn đủ căn cứ (HĐKT, Hóa đơn VAT, Biên bản giao hàng, Phiếu nhập kho, Báo cáo tồn kho) và khoản vay được bảo đảm bằng chính lô hàng này. Tuy nhiên sau khi đi kiểm tra phát hiện thấy khách hàng đã thuê một công ty khác gia công lô hàng rồi bán lại cho một công ty X, công ty X này lại vay Ngân hàng khác để thanh toán. Như vậy công ty đã không sử dụng vốn vay đúng mục đích cam kết, ngân hàng chúng tôi có phải thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho công ty không?
Theo nội dung thông tin bạn hỏi, chúng tôi cung cấp một số quy định của pháp luật để bạn tham khảo như sau:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 56, Luật các tổ chức tín dụng năm 1997, đã được sửa đổi bổ sung năm 2004 thì, “Khách hàng vay có những nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu này;
b) Sử dụng tiền vay đúng mục đích và thực hiện đúng các nội dung khác đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
c) Trả nợ gốc và lãi tiền vay theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng hợp đồng tín dụng.”
Điều 6, Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ban hành Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định:
“Điều 6. Nguyên tắc vay vốn
Khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng phải đảm bảo:
1. Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.
2. Hoàn trả nợ gốc và lãi vốn vay đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 54, Luật các tổ chức tín dụng, Điều 25 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN thì:
“1. Tổ chức tín dụng có quyền:
a) Yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi, khả năng tài chính của mình và của người bảo lãnh trước khi quyết định cho vay;
b) Từ chối yêu cầu vay vốn của khách hàng nếu thấy không đủ điều kiện vay vốn, dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của Pháp luật hoặc tổ chức tín dụng không có đủ nguồn vốn để cho vay.
c) Kiểm tra, giám sát quả trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
d) Chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng;
đ) Khởi kiện khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng hoặc người bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
e) Khi đến hạn trả nợ mà khách hàng không trả nợ, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm vốn vay theo sự thoả thuận trong hợp đồng để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với trường hợp khách hàng được bỏ lãnh vay vốn;
g) Miễn, giảm lãi vốn vay, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ thực hiện theo quy định tại Quy chế này; mua bán nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thực hiện việc đảo nợ, khoanh nợ, xoá nợ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Như vậy, tổ chức tín dụng có thể thực hiện quyền của mình trong trường hợp khách hành vi phạm theo các quy định chúng tôi viện dẫn ở trên.
CÔNG TY LUẬT ĐẠI VIỆT
(Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 - Email: info@luatdaiviet.vn
Website: www.luatdaiviet.vn