Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
Không đăng ký kết hôn, chia tài sản thừa kế như thế nào?
Câu hỏi: Chào các bạn, Dì tôi và dượng cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn, sau đó sinh được một người con. Vì "quen biết" nên tên của dượng vẫn được ghi trong khai sinh của em tôi. Do không hạnh phúc nên dì và dượng đã không sống chung từ  năm 1996. Dượng bỏ mặc dì tôi một mình nuôi con nhỏ để lập gia đình mới và có con riêng với vợ sau. Trong thời gian ở riêng do kinh doanh thuận lợi nên dì tôi  đã mua được 2 miếng đất. Gần đây, dượng hay trở về và có ý định đòi dì tôi chia tài sản trong đó có 2 miếng đất trên với lý do "tôi vẫn là chồng bà nên vẫn có quyền được hưởng, không tin thì lấy giấy khai sinh của con bà coi đi, tôi là cha nó mà". Tôi nhận thấy, dì và dượng không đăng ký kết hôn nên không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Hơn nữa, tài sản (2 miếng đất) mà dì tôi có được là do một mình dì tôi tạo nên, dượng tôi không có đóng góp gì. Gia đình tôi rất bức xúc trước yêu cầu vô lý của dượng. Nay em tôi đã lớn, sức khỏe của dì lại không được tốt. Gia đình tôi sợ sau này em tôi bị bất lợi nếu để xảy ra tranh chấp với cha. Vậy dượng tôi đòi chia tài sản như vậy có đúng không? Rất mong nhận được tư vấn để gia đình tôi yên tâm. Văn Yên
Trả lời:

Công ty Luật Đại Việt trả  lời: 

 Chúng tôi nhận thấy câu hỏi của bạn Văn Yên đặt ra khá thú vị, qua việc tham khảo ý kiến trả lời và tư vấn của các bạn cho câu hỏi này, dường như hầu hết đều nghiêng về việc bảo vệ quan điểm tài sản sẽ không được chia cho người dượng bạn Yên, tuy nhiên nếu xét kỹ các quy định pháp luật hiện hành đối với tình huống pháp lý này, chúng ta có thể thấy các khả năng khác nhau tùy theo dữ kiện đầy đủ của vụ việc.  

      Theo quan điểm của chúng tôi, với trường hợp của bạn Yên hỏi, việc chia tài sản như bạn thắc mắc được chia thành hai khả năng: chia được và không chia được. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc dì và dượng bạn Yên được pháp luật công nhận là vợ chồng hay không. Vì bạn không nói rõ thời điểm hai người có lễ cưới, bất đầu chung sống với nhau như vợ chồng, nên chúng tôi có thể chia thành các trường hợp, cụ thể như sau để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề một cách toàn diện: 

      Thứ  nhất, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Nghị quyết 35/2000/QH ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội được hướng dẫn tại khoản 1, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT - TANDTC- VKSNDTC - BTP ngày 03 tháng 01 năm 2001 của liên bộ Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp, thì nếu dì và dượng của bạn Yên cưới, chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trước ngày ngày 03 tháng 01 năm 1987, tức là ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực thì pháp luật vẫn thừa nhận hôn nhân thực tế của hai người, khuyến khích họ đăng ký kết hôn, nếu họ không dăng ký kết hôn thì khi ly hôn sẽ giải quyết theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như đối với các trường hợp là vợ chồng hợp pháp.

      Nếu dì và dượng bạn Yên thuộc trường hợp chúng tôi viện dẫn trên đây thì theo quy định của Điều 219 Bộ luật dân sự 2005, Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình, quyền sử dụng hai mãnh đất mà dì bạn có được trong thời kỳ ở riêng vẫn là tài sản chung của hai vợ chồng, vì tài sản này được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân. Cũng theo khoản 3, điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu dì bạn không chứng minh được hai mãnh đất đó là tài sản riêng thì đó là tài sản chung. Như vậy, nếu đúng vào trường hợp này, hai mãnh đất của dì bạn có thể “bị” chia, hoặc là chia trong thời kỳ hôn nhân hoặc chia tài sản khi ly hôn.

      Thứ  hai, theo quy định tại điểm b, khoản 3, Nghị quyết 35/2000/QH, được hướng dẫn tại khoản 2, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT - TANDTC- VKSNDTC – BTP, thì nếu dì và dượng của bạn Yên cưới, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn kể từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì có nghĩa vụ đăng ký kêt hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận dì và dượng bạn Yên là vợ chồng. Như vậy, đến nay hai người vẫn chưa đăng ký kết hôn, mà người dượng lại đi lập gia đình và sống với người khác nên dì bạn và người dượng của bạn không không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

      Nếu người dượng (hoặc dì) có yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết và tuyên không không công nhận họ là vợ chồng. Nếu có yêu cầu chia tài sản, thì Tòa án áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình để giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của người nào thì thuộc người đó, tài sản chung thì được chia theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên, ưu tiên quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Trong trường hợp này, dì bạn một mình kinh doanh, mua được hai mãnh đất như bạn nói và hoàn toàn không có sự góp sức, chung tiền nào từ người dượng của bạn thì quyền sử dụng hai mãnh đất hoàn toàn là tài sản riêng của dì bạn, người dượng không có quyền đòi chia khối tài sản này.

      Như  vậy, Bạn Yên có thể tham khảo các quy định chúng tôi đã viện dẫn ở trên để đối chiếu với điều kiện cụ thể của dì và dượng bạn nhằm xác định đầy đủ quyền lợi của các bên đối với khối tài sản mà bạn nêu, qua đó có cách thức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của dì bạn.

Luật sư  Nguyễn Thiều Dương

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân