doc truyen tranh, danh ba website, sua cua cuon, sua cua cuon,
Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
KHÓ KHĂN TỪ XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM ĐỂ THU HỒI NỢ XẤU
Kể từ đầu năm 2012 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự đóng băng của bất động sản. Trong bối cảnh đó, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động cầm chừng để vượt qua khó khăn và chờ đợi cơ hội mới để khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đã ngừng hoạt động: năm 2012, có 58.128 doanh nghiệp giải thể/phá sản(1); hết quý I/2013, có 2.272 doanh nghiệp bị giải thể(2). Trước tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp, vốn cho vay của ngân hàng cấp cho các doanh nghiệp phần lớn không thể thu hồi được từ nguồn thu sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối tháng 4/2013, tổng dư nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 nợ xấu tăng 36,2%), tốc độc tăng bình quân 3,94%/tháng(3). Nền kinh tế và môi trường kinh doanh khó khăn dẫn đến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và nợ xấu của ngân hàng tăng cao.

Do vậy, việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách để khơi thông “dòng máu đông” thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp xử lý nợ xấu để ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song song với các biện pháp vĩ mô, các ngân hàng đã và đang trực tiếp xử lý nợ xấu để nhanh chóng thu hồi vốn, tái đầu tư và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn. Xác định nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không thể có trong điều kiện kinh tế hiện nay, nên các ngân hàng tập trung thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên công tác thu hồi nợ của các ngân hàng từ việc xử lý tài sản bảo đảm chưa hiệu quả và thường kéo dài hơn dự kiến.

1. Ngân hàng và chủ sở hữu phối hợp bán tài sản bảo đảm

Về nguyên tắc, khi khách hàng không trả được nợ vay đến hạn mà không được cơ cấu nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ) và không còn nguồn trả nợ, thì bên cho vay (bên nhận bảo đảm – ngân hàng) có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc ngân hàng tự xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ có thể gặp một số vướng mắc nhất định và phát sinh nhiều chi phí không cần thiết ảnh hưởng đến khả năng thu nợ của ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay sức mua yếu, nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng. Cho nên, tài sản bảo đảm rất khó bán và thường có giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản bảo đảm lúc định giá để cho vay. Hơn nữa, tư cách chủ thể tham gia giao dịch mua bán tài sản bảo đảm của ngân hàng vẫn còn có các ý kiến khác nhau. Trong quá trình thực hiện các thủ tục xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ, một số cơ quan chức năng cho rằng, ngân hàng không đủ tư cách đại diện được ủy quyền của chủ sở hữu để bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm vì các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở…) quy định bên bán/chuyển nhượng tài sản phải là chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền. Ngân hàng là một tổ chức có tư cách pháp nhân, nên ngân hàng không thuộc đối tượng được ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ, các cơ quan chức năng ở một số địa phương (điển hình là cơ quan công chứng, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản…) không chấp nhận ngân hàng là người được ủy quyền để bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm cho tổ chức/cá nhân khác. Các cơ quan chức năng này cho rằng, người được ủy quyền để xử lý tài sản bảo đảm chỉ có thể là cá nhân (người), không thể là tổ chức. Bởi vì khoản 1 Ðiều 143 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” và khoản 1 Ðiều 139 Bộ luật Dân sự 2005 cũng quy định “Ðại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. Ðại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện(4). Do đó, nội dung ủy quyền để xử lý tài sản bảo đảm, dù được quy định trong hợp đồng bảo đảm hoặc được lập thành văn bản riêng, đã không được một số cơ quan chức năng chấp nhận để thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, ngược với quan điểm nêu trên, một số cơ quan và chuyên gia cho rằng, khái niệm “người” trong Bộ luật Dân sự cần được hiểu bao gồm cả pháp nhân và cá nhân. Tiếc thay, quan điểm này lại thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để bảo vệ vì cả Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn đều không quy định hoặc có giải thích rõ từ “người” trong Bộ luật Dân sự. Chính vì thế, mà quy định “Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm”(5) rất khó được thực hiện thống nhất ở tất cả các địa phương trên cả nước.

 

Ðể tránh khiếu nại/khởi kiện từ phía khách hàng về việc ngân hàng tự bán/ủy quyền cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản bảo đảm, ngân hàng đã phối hợp với bên vay vốn bán tài sản bảo đảm. Hai bên thỏa thuận thuê một tổ chức có chức năng định giá để xác định giá trị tài sản bảo đảm. Trên cơ sở giá tài sản bảo đảm được xác định bởi tổ chức định giá, ngân hàng và bên vay vốn cùng ký hợp đồng với tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản (trung tâm dịch vụ bán đấu giá, doanh nghiệp bán đấu giá chuyên nghiệp…). Căn cứ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng bán đấu giá thông báo bán đấu giá và mở phiên bán đấu giá tài sản bảo đảm. Kết quả, có khách hàng tham gia đấu giá trả giá mua tài sản bảo đảm không thấp hơn giá khởi điểm được công bố. Cho nên, theo quy định của pháp luật và quy chế bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng bán đấu giá phải bán tài sản bảo đảm cho người mua nêu trên. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền mua tài sản bảo đảm vào tài khoản của tổ chức có chức năng bán đấu giá, khách hàng đã không được bên bảo đảm bàn giao tài sản bảo đảm, mặc dù việc bàn giao tài sản bảo đảm được lập thành biên bản có sự chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã và Công an cấp xã. Bên bảo đảm không chỉ không chịu ký biên bản bàn giao tài sản bảo đảm, mà còn cố tình không di chuyển đồ đạc, phương tiện làm việc và con người ra khỏi khuôn viên tài sản bảo đảm. Do đó, việc xử lý tài sản bảo đảm kéo dài và có thể dẫn đến vụ việc được đưa ra Tòa án để giải quyết. Qua trường hợp nói trên có thể thấy, quy định của Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về việc Ủy ban nhân dân xã/phường và cơ quan Công an phối hợp, hỗ trợ ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ là chưa hiệu quả và sát với thực tế. Ðây cũng có thể là lý do mà mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội ký Công văn số 1192/STP-BTTP ngày 28/5/2013 gửi Công an thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc bàn giao, thu giữ, bảo vệ và xử lý tài sản bảo đảm.

2. Ngân hàng tự xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ

Trong nhiều trường hợp, việc ngân hàng tự bán tài sản bảo đảm để thu nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, cầm cố có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí. Hơn nữa, một số trường hợp không còn tồn tại nữa hoặc không hợp tác với ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm vì cho rằng, ngân hàng đã được ủy quyền và được toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, ngoài hạn chế về tư cách bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm nêu trên, ngân hàng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc sau:

- Thu giữ tài sản bảo đảm: Ðể xử lý được tài sản bảo đảm là động sản (chủ yếu là phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy: ô tô, tàu thủy, xà lan…), trước hết ngân hàng phải thông báo cho bên bảo đm thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm. Ðến hết thời hạn theo thông báo mà bên bảo đảm không tự nguyện bàn giao tài sản (chậm nhất 7 ngày đối với động sản hoặc 15 ngày đối với bất động sản, kể từ ngày thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm), ngân hàng vẫn tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để niêm phong, thực hiện thủ tục bán công khai phù hợp với quy định của pháp luật. Việc thu giữ tài sản bảo đảm được lập thành văn bản có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và/hoặc cơ quan chức năng, trong đó nêu rõ căn cứ thu giữ, đối tượng thu giữ, thời gian và địa điểm thu giữ. Do pháp luật về giao dịch bảo đảm không quy định, nên khi thu giữ tài sản bảo đảm, ngân hàng phải vận dụng quy định tương tự về thi hành án, biên bản thu giữ tài sản bảo đảm được ký xác nhận của chính quyền địa phương và/hoặc cơ quan chức năng nơi tiến hành thu giữ tài sản thế chấp, cầm cố và nêu rõ việc bên bảo đảm không chịu ký biên bản nếu bên bảo đảm chứng kiến việc thu giữ đó.

Tuy nhiên, khi phương tiện vận tải đang lưu thông, thì ngân hàng khó có thể thu giữ được tài sản đó nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của công an và chính quyền địa phương. Mặt khác, trường hợp bên bảo đảm có dấu hiệu chống đối, gây cản trở cho việc thu giữ tài sản của ngân hàng, thì cơ quan công an và chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt phối hợp, hỗ trợ ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm theo đề nghị của ngân hàng. Thực tế, khi nhận được văn bản đề nghị phối hợp, hỗ trợ thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng, cơ quan chính quyền địa phương (ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn) và cơ quan công an chưa coi đấy là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình như quy định tại Ðiều 63 Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ, thậm chí né tránh vì quan ngại đến trách nhiệm hoặc vì lý do khác.

- Làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua. Căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm (có công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm), ngân hàng được quyền tự chọn phương thức xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ: bên bảo đảm tự bán tài sản bảo đảm, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm phối hợp bán tài sản bảo đảm, bán đấu giá tài sản bảo đảm, bên cho vay nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ được bảo đảm, bên nhận bảo đảm tổ chức bán công khai trên thị trường mà không phải qua thủ tục đấu giá, phương thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Tùy từng trượng hợp cụ thể mà ngân hàng có thể xử lý tài sản bảo đảm theo một trong các phương thức nêu trên. Ðối với tài sản bảo đảm là động sản, phần lớn ngân hàng tự tổ chức bán tài sản công khai trên thị trường trên cơ sở vận dụng phương thức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá (đăng báo, niêm yết thông báo bán tài sản tại trụ sở, website của ngân hàng và nơi có tài sản). Sau khi tài sản bảo đảm được bán cho người mua, bên nhận bảo đảm phối hợp với người mua làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Tuy nhiên, thực tế cơ quan công chứng yêu cầu ngân hàng ký hợp đồng với tư cách là bên bán tài sản bảo đảm phải có văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu tài sản và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không chấp nhận ngân hàng xuất hóa đơn giá trị gia tăng vì tài sản chưa thuộc sở hữu của ngân hàng. Về vấn đề này, ngân hàng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm với cơ quan công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản rằng, nội dung ủy quyền đã được quy định rõ trong hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản, nên ngân hàng (với tư cách là người xử lý tài sản bảo đảm) có quyền căn cứ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm(6). Hơn nữa, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm và được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng, các văn bản hướng dẫn Bộ luật Dân sự, giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Song, quan điểm này chưa được các cơ quan công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trên cả nước chấp thuận. Ðây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tài sản bảo đảm tồn đọng nhiều, không xử lý được, có giá trị lớn và nợ xấu chưa giảm nhanh, nhất là trong điều kiện bên bảo đảm không hợp tác, phối hợp với ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm, trả nợ.

3. Xử lý tài sản bảo để thu nợ thông qua khởi kiện, thi hành án

Trong bối cảnh nền tư pháp của Việt Nam hiện nay, thủ tục khởi kiện bên vay/bên bảo đảm ra Tòa án để yêu cầu giải quyết việc trả nợ thường kéo dài 2 – 3 năm và phát sinh nhiều chi phí. Cho nên, các ngân hàng quan ngại với phương thức thu nợ bằng biện pháp khởi kiện khách hàng ra Tòa án. Hầu hết các ngân hàng đều cho rằng, khởi kiện khách hàng ra Tòa án là biện pháp “cực chẳng đã”, không còn sự lựa chọn nào khác để xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ. Thế nhưng khi nộp đơn khởi kiện bên vay và/bên bảo đảm ra Tòa án, quyền khởi kiện của ngân hàng chưa chắc được bảo đảm, ngay cả khi có được bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, việc xử lý tài sản bảo đảm của người phải thi hành án cũng không dễ dàng:

- Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do địa chỉ của bị đơn ghi trong Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm không phải là địa chỉ hiện tại. Theo quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng, trước khi cấp tín dụng cho khách hàng, ngân hàng tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, thông tin về khách hàng. Tất nhiên, khách hàng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác và đầy đủ của các thông tin ghi trong hồ sơ vay vốn. Thông tin về địa chỉ của khách hàng phải khớp đúng với thông tin ghi trong chứng minh nhân dân, hộ khẩu (đối với khách hàng cá nhân) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với khách hàng doanh nghiệp). Ðịa chỉ của khách hàng có thể được cán bộ tín dụng đi kiểm tra, xác minh thực tế. Khách hàng phải thông báo kịp thời cho ngân hàng khi thay đổi địa chỉ theo cam kết trong hợp đồng tín dụng. Việc khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng có thể thực hiện bằng cách chuyển đến cứ trú tại một địa chỉ mới mà không thông báo cho ngân hàng như cam kết. Việc khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng và cố tình không trả nợ vay cho ngân hàng lẽ ra cần được Tòa án thụ lý giải quyết và tuyên bản án nghiêm khắc đối với bên vi phạm để giữ gìn trật tự môi trường kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm. Tiếc thay, trong thời gian qua, Tòa án ở một số địa phương đã không thụ lý đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do bị đơn không có mặt tại địa chỉ ghi trong đơn khởi kiện. Sau khi nhận được thông báo của Tòa, nhiều ngân hàng và cả Hiệp hội ngân hàng đã gửi văn bản cho các cơ quan chức năng (bao gồm cả Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao) kiến nghị việc Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nêu trên là không phù hợp vì theo quy định tại điểm 8.6 mục 8 phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HÐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Ðối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Tòa án nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”. Nhưng cho đến nay, kiến nghị của Hiệp hội ngân hàng và các ngân hàng về quyền khởi kiện của ngân hàng đối với những khách hàng bỏ trốn khỏi nơi cư trú – địa chỉ ghi trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm vẫn chưa được người/cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời.

- Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong nền kinh tế thị trường, thời gian thu hồi vốn là rất quan trọng đối với ngân hàng để quay vòng vốn, tái đầu tư, tạo lợi nhuận phát triển kinh doanh. Thực tế, sau khi thụ lý đơn khởi kiện và hòa giải không thành, Tòa án ở một số địa phương đã không quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn tố tụng do pháp luật quy định (thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan). Thực tế, có vụ án kéo dài đến 2 năm kể từ ngày thụ lý vụ án mà Tòa án vẫn không mở phiên tòa xét xử. Khi ngân hàng đề nghị sớm đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật thì thẩm phán phụ trách vụ án trả lời Tòa án đang xác minh lại tình trạng của tài sản bảo đảm (diện tích đất, chủ sở hữu tài sản…) theo hướng dẫn của Tòa án cấp trên trực tiếp. Ngân hàng cho rằng, Tòa án cấp dưới có trách nhiệm thực hiện nghiệp vụ theo hướng dẫn của Tòa án cấp trên trực tiếp nhưng không được vi phạm thời gian tố tụng quy định tại Ðiều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự (văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất do Quốc hội thông qua). Do đó, ngân hàng đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại việc vi phạm thời gian tố tụng của Tòa án đến Chánh án Tòa án đó, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp. Thực tế ở TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều lần ngân hàng gửi đơn thư khiếu nại về việc nêu trên, không có người/cơ quan nào nhận đơn thư khiếu nại có văn bản hồi âm, trả lời ngân hàng.

- Yêu cầu định giá lại tài sản kê biên của người phải thi hành án. Ðể thu hồi nợ vay theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, ngân hàng đã gửi đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án cũng đã ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, sau khi cơ quan thi hành án ký hợp đồng với trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm, người phải thi hành án đã lợi dụng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để cản trở việc bán tài sản bảo đảm, trả nợ vay cho ngân hàng. Cụ thể, Luật thi hành án dân sự 2012 cho phép đương sự có quyền định giá lại tài sản kê biên trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Giá tài sản do tổ chức thẩm định giá xác định là giá khởi điểm để bán đấu giá. Ngay sau khi kê biên tài sản, người phải thi hành án có quyền ưu tiên lựa chọn và thỏa thuận thuê tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản kê biên. Do đó, giá tài sản được định giá thường cao hơn giá thị trường và nhu cầu của người mua (giá định giá chưa phản ánh đúng quy luật cung – cầu của thị trường). Khi tổ chức bán đấu giá, nếu không có người mua, thì phiên đấu giá không thành và tổ chức bán đấu giá lại. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục đấu giá với điều kiện mỗi lần giảm giá không quá 
10% giá đã định. Cho nên, sau nhiều lần giảm giá, khi giá giảm sát với giá thị trường và có thể được người mua chấp nhận thì người phải thi hành án yêu cầu định giá lại tài sản và phiên bán đấu giá trở lại tình trạng ban đầu (giá cao hơn giá thị trường rất nhiều). Sự việc này cứ lặp đi lặp lại làm cho thời gian thi hành án kéo dài và tài sản bảo đảm không thể xử lý được dứt điểm để ngân hàng thu nợ theo bản án, quyết định của Tòa án.

- Thu án phí, phí thi hành án từ tiền bán tài sản bảo đảm. Thời gian qua, cơ quan thi hành án ở một số địa phương đã thu án phí và phí thi hành án từ số tiền bán đấu giá tài sản bảo đảm mà bản án, quyết định của Tòa án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể trước khi chuyển trả cho ngân hàng, cho dù số tiền thu được từ bán tài sản cầm cố, thế chấp không đủ trả nợ vay ngân hàng. Ðiều này, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng (người được thi hành án) mà còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thi hành án. Theo quy định tại khoản 3 Ðiều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008, số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án. Chi phí về thi hành án tại 
Ðiều 47 này là các chi phí cưỡng chế thi hành án và do người được thi hành án chịu bao gồm: chi phí xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án; chi phí tiền công tác phí và bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án; chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh điều kiện thi hành án; chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu; một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ; chi phí bán đấu giá tài sản… Tùy từng trường hợp cụ thể, người được thi hành án có thể phải chịu một, một số hay toàn bộ các chi phí về thi hành án nêu trên. Phí thi hành án không phải là chi phí về thi hành án và án phí phải do bên thua kiện chịu theo bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, việc cơ quan thi hành án thu án phí và phí thi hành án từ số tiền bán tài sản cầm cố, thế chấp là không phù hợp và không bảo đảm quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận cầm cố, thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật.

4. Một số kiến nghị

(i) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; đồng thời, tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

(ii) Các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan công an cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ. Các cơ quan cần phải coi công việc này là trách nhiệm và nhiệm vụ của mình khi nhận được đề nghị của ngân hàng.

(iii) Bộ Tư pháp cần chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện, sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 và Nghị định số 11/2012/NÐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ, trong đó hướng dẫn rõ các vấn đề sau:

- Xử lý tài sản bảo đảm của bên bảo đảm là cá nhân đang chấp hành hình phạt tù giam hoặc bỏ trốn khỏi địa phương; bên bảo đảm là tổ chức bị tổ chức lại mà chưa có tổ chức mới nhận nợ thay hoặc chưa có người đại diện theo pháp luật;

- Xử lý tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai mà chưa được hình thành trên thực tế hoặc còn dở dang tại thời điểm xử lý; tài sản bảo đảm ở nước ngoài;

- Xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp tổ chức tín dụng nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ được bảo đảm; đặc biệt là thủ tục và hồ sơ liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm;

- Xử lý tài sản bảo đảm gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm hoặc tài sản thế chấp gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh không chấp thuận cho bên mua tài sản được tiếp tục sử dụng đất theo hợp đồng về quyền sử dụng đất giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và bên thế chấp vì Ủy ban nhân dân tỉnh cho rằng, quy hoạch của tỉnh đã thay đổi so với quy hoạch trước đây (không phù hợp với quy định của pháp luật đất đai và quy định tại khoản 2 
Ðiều 68 Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006, khoản 19 Ðiều 1 Nghị định số 11/2012/NÐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ);

- Xử lý các chi phí mà ngân hàng đã tạm ứng thanh toán để trả tiền thuê bảo vệ hoặc đầu tư thêm vào tài sản bảo đảm nhằm bảo dưỡng, bảo trì, nâng cấp tài sản bảo đảm hoặc khai thác tài sản bảo đảm trong khi chưa bán được tài sản bảo đảm nhận bàn giao từ khách hàng để xử lý, thu nợ…

(iv) Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn Quyết định số 03/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại, trong đó quy định rõ bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho bên được bảo lãnh đối với ngân hàng trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc không thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là một khoảng thời hạn nhất định theo thông báo của ngân hàng nhận bảo lãnh. Bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho bên được bảo lãnh khi có sự kiện bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ mà không cần phải xét đến bên được bảo lãnh có thực hiện đúng các nội dung cam kết khác trong hợp đồng tín dụng hay không (thời gian qua, bên bão lãnh đã không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay như cam kết với lý do bên được bảo lãnh sử dụng vốn vay không đúng mục đích…).

(v) Bộ Tài chính cần xem xét, bổ sung vốn cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) để nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện cho DATC mua nhiều khoản nợ xấu hơn và định hướng chỉ đạo DATC mua bán nợ của các doanh nghiệp nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu tái cơ cấu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.

(vi) Các cơ quan chức năng của nhà nước cần phân định rõ nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với Nhà nước và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng. Khi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, thì chỉ những chi phí hợp lý liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm mới được ưu tiên trừ vào tiền bán tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, số tiền còn lại phải được trả nợ vay ngân hàng. Về vấn đề này, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan cấp dưới theo hướng kiến nghị nêu trên và chấp nhận hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản thay thế cho văn bản đồng ý của chủ sở hữu tài sản, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua theo quy định tại Ðiều 70 Nghị định số 163/2006/NÐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ.

(vii) Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp địa phương (đặc biệt là tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã…) sớm giải quyết các vụ án tranh chấp liên quan đến hoạt động ngân hàng, tín dụng phù hợp với quy định về thủ tục tố tụng và quy định có liên quan khác sau khi thụ lý vụ án. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cần giao hoặc gửi cho ngân hàng bản gốc có đóng dấu “án có hiệu lực để thi hành” để kịp thời thi hành án theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bản án phúc thẩm).

(viii) Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có văn bản chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các địa phương tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của Tòa án và cơ quan thi hành án, theo đó, nếu thấy Tòa án và cơ quan thi hành án cùng cấp vi phạm quy định của pháp luật thì trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, Viện kiểm soát nhân dân cần có văn bản gửi Tòa án, cơ quan thi hành án cùng cấp yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật hoặc có văn bản kiến nghị cơ quan/người có thẩm quyền giải quyết và có văn bản trả lời ngân hàng khi nhận được đơn thư khiếu nại việc vi phạm pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án.

(ix) Triển khai thực hiện Quyết định số 866b/QÐ-BTP ngày 31/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần sớm phối hợp với các tổ chức tín dụng rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án mà chưa được thi hành hoặc đang thi hành dở dang để có kế hoạch chỉ đạo cơ quan thi hành án địa phương đẩy nhanh việc thi hành các vụ án còn tồn đọng, góp phần sớm thu hồi nợ, giảm nợ xấu và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho ngân hàng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

(x) Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm soát nhân dân tối cao sớm hướng dẫn các Tòa án nhân dân địa phương thụ lý các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng, tín dụng khi bên vay, bên bảo đảm cố tình trốn tránh, bỏ đi khỏi nơi cư trú mà không khai báo địa chỉ mới với ngân hàng nhằm bảo đảm quyền khởi kiện của ngân hàng theo quy định tại điểm 8.6 mục 8 Nghị quyết số 
02/2006/NQ-HÐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (trong thời gian qua, nhiều vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng đã không được các Tòa án địa phương thụ lý hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì không tìm được địa chỉ mới của bị đơn/người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

Như Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013, việc xử lý nợ xấu hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành có liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và các ngân hàng. Trường hợp các kiến nghị trên được chấp nhận thì các khoản nợ xấu hiện tại của các ngân hàng sẽ dần được khắc phục, xử lý và đạt ở mức an toàn cho phép phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của ngân hàng không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi nền kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh.

Chú thích:

1. Cầm Văn Kình “Doanh nghiệp teo tóp”, Báo Tuổi trẻ số 101/2013, ra ngày 19/4/2013, trang 1 và 6.

2. Thục Quyên “Doanh nghiệp vật lộn trong thời khó”, Báo Tiền phong số 105, ra ngày 15/4/2013, trang 5.

3. Nguồn: http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang “Tốc độ tăng nợ xấu bình quân 
3,94%/tháng”, thứ 3 ngày 11/6/2013.

4. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khóa XI, kỳ họp thứ 7: Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 được thông qua ngày 14/6/2005, khoản 1 Điều 142.

5. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012, khoản 15 Điều 1.

6. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Nghị định số 
163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, khoản 4 Điều 58 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, khoản 15 Điều 1.

SOURCE: TẠP CHÍ  NGÂN HÀNG SỐ 13/2013

ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

Tham khảo các bài viết tư vấn báo dân trí của các luật sư:

(Dân trí)-Thủ tục chấm dứt hợp đồng do hết tuổi lao động - Thủ tục thành lập công ty cổ phần

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty TNHH - Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục mua bán, sát nhập doanh nghiệp - Thủ tục đơn phương xin ly hôn

(Dân trí)- Điều kiện việt kiều được mua nhà Việt Nam - Thủ tục giải thể doanh nghiệp

(Dân trí)- Thủ tục tặng, cho tài sản cho người thân -Thủ tục ly hôn với người nước ngoài

(Dân trí)- Điều kiện thành lập trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài -Thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi trụ sở công ty cổ phần - Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần -Thủ tục kết hôn với người nước ngoài

(Dân trí)-Thủ tục làm giấy phép tổ chức chương trình khuyến mại -Thủ tục Công chứng hợp đồng ủy quyền

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần - Chia tách thửa đất phải đảm bảo đủ các điều kiện nào?

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi tên công ty Trách nhiệm hữu hạn - Quyền chia thừa kế nhà đất

(Dân trí)-Thủ tục hủy bỏ hợp đồng công chứng - Quy định về trường hợp mất năng lực hành vi dân sự

 

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân