Câu hỏi: Em và bạn gái muốn lấy nhau. Nhưng ba mẹ em ra điều kiện chỉ chấp nhận cho bọn em lấy nhau khi cô ấy đồng ý ký giấy chấp nhận không tranh chấp hay phân chia tài sản nếu sau này li dị. (Huy Hoàng)
Bạn gái em đồng ý ký. Vậy cho em hỏi, tờ giấy đó có hợp pháp không? Nếu không thì em phải làm sao để nó hợp pháp; cho vừa lòng ba mẹ em?
Em xin cảm ơn tư vấn của luật sư và các bạn.
PHÁP LUẬT> TƯ VẤNThứ bảy, 26/6/2010, 09: 06 GMT+7 E-mail Bản In
'Hợp đồng tài sản' trước hôn nhân không có giá trị
Theo luật sư Thúy Hằng, việc bố mẹ bạn Huy Hoàng yêu cầu con dâu tương lai ký cam kết không phân chia tài sản khi ly hôn là không phù hợp với đạo đức xã hội và quy định pháp luật. Vì vậy, cam kết không có giá trị pháp lý.
> 'Hợp đồng tài sản' trước hôn nhân có được công nhận không? (Huy Hoàng)
Tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về điều kiện kết hôn như sau:
1. Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này (Người đang có vợ hoặc có chồng; Người mất năng lực hành vi dân sự; Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời….).
Như vậy nếu hai bạn đủ điều kiện kết hôn theo quy định trên thì hai bạn có quyền kết hôn với nhau. Người yêu bạn không cần phải làm bất kỳ một cam kết nào, ba mẹ của bạn không được cản trở việc kết hôn hợp pháp của hai bạn.
Về giấy chấp nhận không được tranh chấp hay phân chia tài sản nếu sau này hai bạn ly hôn:
Đây sẽ không được coi là một giao kết hợp pháp. Theo quy định của pháp luật một trong những điều kiện để giao dịch có hiệu lực là “mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. (điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005).
Giao dịch (giấy cam kết ba mẹ bạn yêu cầu) không phù hợp với đạo đức xã hội, không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, giấy cam kết này không có giá trị pháp lý.
Hơn nữa việc phân chia tài sản khi ly hôn là phân chia tài sản chung của vợ chồng, là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Vì vậy yêu cầu chia tài sản chung là quyền của mỗi bên.
Tại điều 169 Bộ luật dân sự cũng đã quy định: “Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ; không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình…”.
Vì lẽ đó giấy cam kết này không thể là điều kiện buộc vợ bạn phải thực hiện nếu sau này có ly hôn.
Nếu sau này có yêu cầu phân chia tài sản thì các bên hoặc tòa án sẽ xác định đâu là tài sản chung của vợ chồng và chỉ có thể phân chia những tài sản là tài sản chung của vợ chồng, còn tài sản nào là tài sản riêng (tài sản trước hôn nhân mà không nhập thành tài sản chung, tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng…), tài sản của bố mẹ… không phải phân chia.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 95 Luật HN&GĐ thì “việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó”.
Luật sư Trần Thị Thúy Hằng
Công ty Luật TNHH Đại Việt
Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội