Câu hỏi: Em tôi lấy chồng Việt kiều Cannada vào năm 2006 nhưng không bảo lãnh được. Từ năm 2007 đến nay em rể tôi không liên lạc với em tôi nữa và chúng tôi cũng không thể liên lạc với anh ta. Nay em tôi muốn ly hôn với anh ta nhưng đến Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp thì họ không nhận đơn, họ yêu cầu phải có đơn chấp thuận ly hôn của em rể tôi vì nước mình chưa có Hiệp ước với nước Cannada. Vậy em tôi phải làm như thế nào mới có thể ly hôn được vì chúng tôi không thể liên lạc được với em rể tôi. Rất mong sự tư vấn của Quý cơ quan, tôi xin chân thành cám ơn.
Theo khoản 1, điều 27, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì ly hôn là một trong những tranh chấp về Hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Theo điểm g, khoản 2, điều 410, BLTTDS năm 2004 về thẩm quyền giải quyết của tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì Toàn án Việt nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp vụ việc ly hôn mà nguên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam.
Như vậy nếu em chị là công dân Việt Nam thì vụ án ly hôn của em chị sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam.
Theo quy định tại điều 33, điều 34, BLTTDS năm 2004 và khoản 3, điều 102, Luật HNGD thì Tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn của em gái chị. Điều 85, Luật HN&GĐ có quy định: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.”
Như vậy, em gái chị có quyền yêu cầu tòa án ly hôn theo quy định tại khoản 1, điều 85 nêu trên. Và “khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn.”
Do chị trình bày không rõ nên chúng tôi không thể xác định thẩm quyền giải quyết có phải thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp hay không. Liên quan đến thẩm quyền của tòa án tỉnh nào giải quyết đối với vụ việc hôn nhân và gia đình, chị có thể tham khảo quy định tại khoản 1 điều 35, khoản 1 điều 36, Luật HNGD dưới đây để xác định đúng thẩm quyền tòa án tỉnh nào giải quyết:
“Điều 35. Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
c) Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.
...
Điều 36. Thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu
1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
...
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
….
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.”
(Để xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án trong vụ việc này, chị có thể tham khảo thêm những hướng dẫn cụ thể hơn tại Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/03/2005 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất "những quy định chung" của Bộ luật tố tụng dân sự 2004)
Trường hợp thẩm quyền giải quyết thuộc tỉnh Đồng Tháp như chị nói thì lý do Tòa án nhân dân tỉnh Đồng tháp từ chối đơn của chị là không đúng. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày trả đơn khởi kiện, em gái chị có thể khiếu nại lên Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Đồng tháp để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.