Đảm bảo tính chủ động trong thực thi CSTT
Dương Công
Ngày 6/5, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến về Dự án Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi) và Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi). Nhiều vấn đề quan trọng như: mục tiêu của chính sách tiền tệ (CSTT) quốc gia, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, NHNN trong hoạch định, thực thi CSTT cũng như vấn đề có nên bỏ lãi suất cơ bản (LSCB) hay không... đã được đưa ra bàn thảo. Đây là phiên thảo luận và cho ý kiến cuối cùng về hai Dự thảo luật này để trình Quốc hội (dự kiến) thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.
Chính phủ chỉ định hướng điều hành CSTT quốc gia
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định về khái niệm CSTT quốc gia. Theo đó CSTT quốc gia là hệ thống bao gồm: (1) mục tiêu CSTT; (2) công cụ và biện pháp điều hành để điều chỉnh khối lượng tiền trong nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu CSTT là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, quy định như vậy là có sự lẫn lộn giữa chính sách và mục tiêu. Theo ông Hiển, khái niệm CSTT rất quan trọng bởi lẽ khái niệm này liên quan đến phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và NHNN trong thực thi CSTT Quốc gia. Nếu quy định như vậy, Quốc hội chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm.
Liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, NHNN trong việc quyết định, thực hiện CSTT quốc gia, UBTVQH cho rằng, Luật cần quy định thẩm quyền của Quốc hội sao cho vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội đồng thời đảm bảo tính chủ động của Chính phủ và NHNN trong điều hành CSTT quốc gia. Vì vậy, UBTVQH cho rằng việc Quốc hội quyết định CSTT quốc gia là ổn định giá trị đồng tiền được phản ánh qua việc quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm, đồng thời thực hiện quyền giám sát quá trình thực hiện CSTT quốc gia là phù hợp.
Giải thích về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết, Ban soạn thảo nhất trí với quy định: Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát và giám sát việc thực hiện CSTT. Tuy nhiên, chỉ tiêu lạm phát không phải là chỉ tiêu pháp lệnh. Mặt khác, lạm phát chịu tác động của nhiều yếu tố, nên không thể quyết định một cách chính xác. Các cơ quan của Chính phủ, trong đó có NHNN phải coi đó là mục tiêu phấn đấu để đạt tới. Trong thực tế, có năm chúng ta đã phải điều chỉnh mục tiêu này so với kế hoạch đặt ra ban đầu.
Về thẩm quyền của Chính phủ và NHNN, Phó thống đốc cho biết, một trong những mục tiêu rất quan trọng của Luật sửa đổi lần này là nâng cao tính chủ động, tự chủ của NHNN với tư cách là NHTW trong điều hành CSTT. Do đó, Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng trao cho NHNN sự chủ động lớn hơn trong việc sử dụng linh hoạt các cộng cụ CSTT vào từng thời kỳ, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng của CSTT. Vì vậy, trong tờ trình, Chính phủ có đề nghị thống nhất giao NHNN điều hành các công cụ CSTT và các biện pháp để thực hiện chỉ tiêu lạm phát định hướng hàng năm. Còn Chính phủ sẽ quyết định khối lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông và định hướng hướng điều hành CSTT hàng năm.
LSCB - còn nhiều ý kiến
Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi), không nên áp dụng thống nhất một loại lãi suất vì hoạt động ngân hàng là hoạt động chính thức của các TCTD được cấp phép hợp pháp, được kiểm soát chặt chẽ. NHNN với tư cách NHTW sử dụng công cụ CSTT để điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông, qua đó chi phối lãi suất của các TCTD nhằm thực hiện mục tiêu CSTT quốc gia là kiểm soát lạm phát và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, lãi suất do các TCTD công bố tuy là lãi suất được thỏa thuận giữa các bên nhưng nằm trong phạm vi điều tiết của NHNN thông qua lãi suất cho vay. Trong khi đó, hoạt động cho vay trong khu vực dân cư là khu vực vay - mượn nhỏ lẻ, không chính thức, không công khai, khó có sự giám sát chặt chẽ thường xuyên của các cơ quan quản lý, do đó cần thiết phải quy định trần lãi suất riêng để quản lý khu vực này.
Với những phân tích trên, sau khi tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị chỉnh sửa như sau: LSCB là lãi suất do NHNN công bố bao gồm lãi suất để thực hiện CSTT và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự. NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các TCTD với nhau và với khách hàng. NHNN cũng công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự, trừ hoạt động ngân hàng của các TCTD.
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu đã bỏ LSCB thì bỏ hẳn, quy định như vậy là không công bằng giữa các đối tượng cho vay. Tán thành với ý kiến này, Trưởng ban Dân Nguyện Trần Thế Vượng cho biết, nếu thấy cần thiết nên bỏ LSCB. Nhưng nếu bỏ quy định này thì cũng phải bỏ luôn các quy định trong các luật liên quan về tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn vô lý vì dù là TCTD cho vay hay cá nhân cho vay đều là quan hệ dân sự.
Song cũng có ý kiến không đồng tình với việc bỏ LSCB. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng cho biết, nếu bỏ LSCB, xã hội sẽ rối loạn. Bởi trong lúc khó khăn về tài chính, người đi vay sẵn sàng vay với bất kể mức lãi suất nào để giải quyết khó khăn trước mắt. Nhưng sau đó, họ sẽ không có khả năng thanh toán, khiến cả hệ thống phải chịu rủi ro chung. Do vậy, LSCB cả trong ngân hàng và trong dân sự vẫn cần phải được giữ nguyên.
Kết luận vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chúng ta không nên hiểu LSCB chỉ có một loại. Trong thực tiễn hoạt động ngân hàng trên thế giới, cụm LSCB có nhiều loại lãi suất, gồm: lãi suất chủ đạo, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... Trong đó, các TCTD theo quan hệ cung cầu thị trường sẽ quyết định lãi suất huy động và lãi suất cho vay hợp lý. Do vậy, Ban soạn thảo không nên đưa ra quy định NHNN công bố lãi suất trong quan hệ giao dịch dân sự.
|