Di chúc có chữ ký của nhân chứng có được coi là hợp pháp?
(Dân trí) - Mẹ tôi làm di chúc để lại tài sản cho tôi có các em gái ruột của tôi cùng ký vào làm chứng mà không có chứng thực của UBND xã thì bản di chúc đó có được coi là bản di chúc hợp pháp không? (nguyenthithuy, Email: bach@hongbach.com).
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự quy định về Di chúc hợp pháp như sau : “ Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Hình thức di chúc theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 650 Bộ luật dân sự quy đinh về di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng...
Tại khoản 1 Điều 654 Bộ luật dân sự quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc như sau: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: “Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc”;
Tại Điều 655 Bộ luật dân sư quy định về di chúc bằng văn bản không có người làm chứng : "Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc".
Như vậy di chúc của mẹ bạn chỉ hợp pháp khi thỏa mãn các điều kiện nêu trên. Cụ thể nếu di chúc của mẹ bạn do mẹ bạn tự tay viết và ký vào bản di chúc theo đúng quy định của pháp luật thì di chúc này sẽ hợp pháp. Trong trường hợp di chúc này không do mẹ bạn tự tay viết và ký vào bản di chúc thì di chúc này không hợp pháp. Mặc dù di chúc của mẹ bạn là di chúc bằng văn bản có người làm chứng nhưng người làm chứng là em ruột bạn thì di chúc này cũng không hợp pháp vì theo quy định nêu trên em bạn là người thừa kế theo pháp luật của mẹ bạn nên em bạn không được coi là người làm chứng hợp pháp.