Câu hỏi: Gia đình tôi hiện tại có một khu vực vườn cây và ao cá sắp tới có đường dây điện 220kv bắc qua. Chúng tôi có thể căn cứ vào những quy định nào về đền bù đất đai? Và việc đền bù đó sẽ tiến hành như thế nào? Chúng tôi có những trách nhiệm và quyền hạn gì trong việc đền bù này? Rất mong có được sự hỗ trợ từ phía công ty.
Theo câu hỏi của bạn nêu, trong trường hợp vườn cây, ao cá của gia đình bạn có đường dây điện 220kv bắc qua là trường hợp bồi thường đối với đất thuộc hành lang khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn. Về điều kiện đối với đất được bồi thường phải là đất thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1, Điều 42 Luật Đất đai và được quy định chi tiết tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và Nghị định số 69/2009/NĐ-CP. Cụ thể, khoản 1 Điều 14, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định “Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng có đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, 10 và 11 Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là Nghị định số 197/2004/NĐ-CP) và các Điều 44, 45 và 46 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 84/2007/NĐ-CP) thì được bồi thường; trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét để hỗ trợ.”
Tuy nhiên, tùy trường hợp đất bị thu hồi hay đất bị hạn chế khả năng sử dụng, việc bồi thường, hỗ trợ được thể hiện một cách cụ thể theo các nội dung chúng tôi viện dẫn dưới đây:
Nếu đất vườn ao của nhà bạn bị thu hồi để xây dựng công trình điện lưới thì được bồi thường theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Nghị định 197/2004/NĐ-CP và khoản 1, Điều 21, Nghị định 69/2009/NĐ-CP, cụ thể là “Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 30% - 70% giá đất ở của thửa đất đó; diện tích được hỗ trợ không quá 05 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương”.
Trường hợp Nhà nước không thu hồi đất thì đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8, Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT, cụ thể như sau:
“1. Trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng đất:
a) Làm thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, từ đất ở sang đất nông nghiệp thì tiền bồi thường bằng (=) chênh lệch giữa giá đất ở với giá đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở), giữa giá đất ở với giá đất nông nghiệp nhân (x) với diện tích bị thay đổi mục đích sử dụng;
b) Làm thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) sang đất nông nghiệp thì tiền bồi thường bằng (=) chênh lệch giữa giá đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) với giá đất nông nghiệp nhân (x) với diện tích bị thay đổi mục đích sử dụng.
2. Trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất (nhà ở, công trình đủ điều kiện tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn của công trình) nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng thì được bồi thường bằng tiền theo mức thiệt hại thực tế. Mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
3. Khi hành lang bảo vệ an toàn công trình chiếm dụng khoảng không trên 70% diện tích đất sử dụng có nhà ở, công trình của một chủ sử dụng đất thì phần diện tích đất còn lại cũng được bồi thường theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Ben cạnh đó, theo quy định tại Điều 6b, Nghị định 106/2005/NĐ-CP (đã được bổ sung tại Nghị định số 81/2009/NĐ-CP), quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp thì “Đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng trong hành lang an toàn lưới điện thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất”.
Cụ thể, khoản 3, Điều 6b, Nghị định 106/2005/NĐ-CP (đã được bổ sung tại Nghị định số 81/2009/NĐ-CP), quy định “Trên cùng một thửa đất, bao gồm đất ở và các loại đất khác của một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang an toàn lưới điện chiến dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường, hỗ trợ. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang”. Mức bồi thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Kinh phí chi trả từ nguồn vốn đầu tư của chủ đầu tư công trình lưới điện cao cáp. (xem khoản 5, Điều 6b, Nghị định 106/2005/NĐ-CP).
Như vậy, bạn có thể tham khảo các quy định về bồi thường do đất bị thu hồi hoặc do đất bị hạn chế khả năng sử dụng trong trường hợp xây dựng đường điện 220kv chúng tôi viện dẫn ở trên.
CÔNG TY LUẬT ĐẠI VIỆT
(Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 - Email: info@daivietlawfirm.vn
Website: www.luatdaiviet.vn)