Mới đây, Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển giao công chứng hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng. Đây là bước đi phù hợp với lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng, theo quy định của Luật Công chứng, nhưng người dân sẽ khó khăn hơn và tình trạng quá tải ở các phòng công chứng trước đây có nguy cơ tái diễn.
Luật công chứng và Nghị định số 79 ngày 15.7.2007 đã phân biệt rõ hai loại hoạt động công chứng và chứng thực. Theo đó, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao giấy tờ từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Áp lực chuyển giao
Theo quy định trên thì các loại việc sau: Chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất; chứng nhận di chúc, văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản; hợp đồng vay tiền; hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản; hợp đồng mua bán nhà… (gọi chung là hợp đồng, giao dịch) đều phải thực hiện công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Nghị định 181 (đang có hiệu lực), thì các loại hợp đồng, giao dịch trên người dân có thể chọn lựa việc công chứng tại các phòng công chứng hoặc chứng nhận tại UBND cấp xã. Và, trên thực tế đến nay ở nhiều địa phương, UBND cấp xã vẫn còn chứng nhận hợp đồng, giao dịch chưa chuyển giao cho các tổ chức hành nghề công chứng.
Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, Bộ Tư pháp liên tục có chỉ đạo chuyển giao thực hiện thẩm quyền công chứng. Tại Điểm 8, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25.8.2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn: “Để tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định số 79, đồng thời từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức, UBND cấp tỉnh cần thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương; căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì người tham gia hợp đồng, giao dịch được lựa chọn công chứng của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực của UBND cấp xã theo quy định của pháp luật”.
Ngày 18.6.2009, Bộ Tư pháp tiếp tục có Văn bản số 1939/BTP-BTTP yêu cầu các địa phương thực hiện chuyển giao thực hiện thẩm quyền công chứng, trong đó nêu rõ: “Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa chuyển giao, thì Sở Tư pháp cần tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc ban hành Quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng tinh thần điểm 8 Thông tư 03/2008/TT-BTP để tăng cường đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức”. Và, gần đây nhất, trong chuyến làm việc tại một số tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã kết luận chỉ đạo các địa phương thực hiện nội dung này. Như vậy, sắp tới người dân sẽ không được lựa chọn, mà tất cả các hợp đồng, giao dịch đều phải được công chứng tại các phòng công chứng nhà nước, hoặc các Văn phòng công chứng.
Vất vả hành trình công chứng
Trước hết, việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng, người dân sẽ phải mất nhiều thời gian, đi lại khó khăn và tốn kém. Tại các thành phố lớn, các thị xã trung tâm tỉnh lỵ thì khoảng cách giữa các xã, phường tới các phòng công chứng là không đáng kể, nhưng đối với các tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thì người dân sẽ gặp khó khăn. Vì, ở hết các địa phương, các phòng công chứng được bố trí theo khu vực, bình quân mỗi phòng phải thực hiện thẩm quyền công chứng trên phạm vi từ 3 đến 4 huyện, thị. Điển hình như tỉnh Long An, có 14 huyện, thị, nhưng cả tỉnh chỉ có 4 phòng công chứng nhà nước và 1 Văn phòng công chứng. Riêng 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng) chỉ có 1 Phòng công chứng số 3 đặt tại Thị trấn Mộc Hóa (cự ly bình quân từ các xã trong vùng về đến trung tâm huyện từ 10- 20km, từ huyện Tân Hưng về đến huyện Mộc Hóa là 55km, các huyện khác đi Mộc Hóa từ 30-40km). Như vậy, sắp tới người dân tại huyện Tân Hưng phải vượt hơn 70km để yêu cầu công chứng(!). Đó là chưa kể phải đi lại nhiều lần, vì thông thường các việc công chứng hợp đồng, giao dịch, sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, các phòng công chứng ra giấy hẹn, không giải quyết ngay. Đặc biệt, đối với trường hợp công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản từ chối nhận di sản, công chứng viên yêu cầu có mặt tất cả thành viên trong hàng thừa kế thì sẽ rất khó khăn cho người yêu cầu công chứng.
Chi phí cho việc công chứng cũng là vấn đề đáng quan tâm, bao gồm phí công chứng và chi phí cho việc đi lại. Về phí công chứng, quy định tại Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP, mức phí được tính trên giá trị của hợp đồng, giao dịch, theo đó mức thu thấp nhất là 100.000 đồng đối với HĐ có giá trị dưới 100 triệu đồng (0,01% /giá trị hợp đồng từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng). Thử tính, một hợp đồng vay dưới 100 triệu đồng, có thế chấp tài sản, người dân phải trả phí công chứng hợp đồng vay và hợp đồng thế chấp tài sản là 200.000 đồng, phí đăng ký thế chấp 60.000 đồng, phí dịch vụ công chứng (soạn thảo hợp đồng, photo giấy tờ,…) và chi phí cho việc đi lại yêu cầu công chứng. Mức phí trên thực sự không lớn đối với trường hợp chứng nhận các hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư kinh doanh, để được bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch. Nhưng đối với trường hợp người nông dân vay vốn sản xuất thì đáng cân nhắc, vì ngoài các chi phí trên, người nông dân phải đối mặt với lãi vay theo hợp đồng.
Nguy cơ quá tải
Nhu cầu về chứng nhận các hợp đồng, giao dịch, nhất là giao dịch liên quan đến bất động sản là rất lớn và ngày càng tăng, đặc biệt vào thời điểm mùa vụ, người nông dân cần vay vốn sản xuất. Việc chuyển giao công chứng hợp đồng, giao dịch* cho các tổ chức hành nghề công chứng chắc chắn sẽ tạo áp lực rất lớn cho các phòng công chứng, nhất là với các địa phương chưa có nhiều Văn phòng công chứng. Trước thời điểm Luật Công chứng có hiệu lực (1.7.2007), trên cả nước chỉ có 128 phòng công chứng, với 380 Công chứng viên. Hiện nay, ngoại trừ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số thành phố lớn đã phát triển được một số Văn phòng công chứng, phần lớn các tỉnh, thành phố khác Đề án xã hội hóa công chứng chỉ mới ở giai đoạn khởi động. Trở lại trường hợp tỉnh Long An, toàn tỉnh có 190 xã, phường, thị trấn, nhưng chỉ có 5 phòng công chứng. Bình quân, mỗi tháng một đơn vị cấp xã thực hiện chứng nhận khoảng 100 HĐ, GD các loại (phần lớn là hợp đồng vay tiền và hợp đồng thế chấp tài sản), khi chuyển giao cả tỉnh sẽ có thêm 19.000 việc tập trung cho 5 phòng công chứng, chưa kể số việc các phòng công chứng đang thực hiện, thì tình trạng quá tải tại các phòng công chứng như những năm trước đây sẽ khó tránh khỏi và nạn “cò” công chứng cũng có cơ hội hoạt động trở lại.
Việc chuyển giao công chứng hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng là việc phải làm. Tuy nhiên, trước thực trạng xã hội hóa công chứng chưa mạnh mẽ, hệ thống các Văn phòng công chứng chưa phủ đầy các huyện, thị, các địa phương cần phải có thêm thời gian chuẩn bị, không nên để người dân phải gánh thêm khó khăn, thiệt thòi.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Tham khảo các bài viết tư vấn báo dân trí của các luật sư:
(Dân trí)-Thủ tục chấm dứt hợp đồng do hết tuổi lao động - Thủ tục thành lập công ty cổ phần
(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty TNHH - Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam
(Dân trí)-Thủ tục mua bán, sát nhập doanh nghiệp - Thủ tục đơn phương xin ly hôn
(Dân trí)- Điều kiện việt kiều được mua nhà Việt Nam - Thủ tục giải thể doanh nghiệp
(Dân trí)- Thủ tục tặng, cho tài sản cho người thân -Thủ tục ly hôn với người nước ngoài
(Dân trí)- Điều kiện thành lập trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài -Thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế
(Dân trí)-Thủ tục thay đổi trụ sở công ty cổ phần - Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam
(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
(Dân trí)-Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần -Thủ tục kết hôn với người nước ngoài
(Dân trí)-Thủ tục làm giấy phép tổ chức chương trình khuyến mại -Thủ tục Công chứng hợp đồng ủy quyền
(Dân trí)-Thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần - Chia tách thửa đất phải đảm bảo đủ các điều kiện nào?
(Dân trí)-Thủ tục thay đổi tên công ty Trách nhiệm hữu hạn - Quyền chia thừa kế nhà đất
(Dân trí)-Thủ tục hủy bỏ hợp đồng công chứng - Quy định về trường hợp mất năng lực hành vi dân sự