Câu hỏi: (Dân trí) - Chúng tôi là con bệnh binh 61% được hỗ trợ trợ cấp mỗi năm khoảng 8 triệu đồng. Nhưng em tôi đã học đến năm thứ 3 của đại học và tôi học năm cuối hệ liên thông chính quy, mà không thấy huyện Đoan Hùng hay tỉnh Phú Thọ chi trả trợ cấp.
Kính gửi tòa soạn báo Dân trí! Tôi là Trần thị Thu Hương, năm sinh 1987. Quê quán: thôn 7, xã Phúc Lai, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, tôi đang học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Em trai tôi học ở học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chúng tôi thuộc diện chính sách con bệnh binh 61% được hỗ trợ trợ cấp mỗi năm khoảng 8 triệu đồng. Nhưng em tôi đã học đến năm thứ 3 của đại học và tôi học năm cuối hệ liên thông chính quy tại trường Sư phạm, mà vẫn không thấy huyện Đoan Hùng hay tỉnh Phú Thọ chi trả trợ cấp.
Các bạn tôi học cùng lớp thuộc tỉnh khác đã được hỗ trợ theo từng năm hoặc nửa năm một lần. Như vậy cũng đóng góp rất nhiều cho việc chi phí học hành, vì bố mẹ chúng tôi đều làm ruộng không có thu nhập nhiều nên việc các con đi học rất khó khăn. Mặt khác, gia đình chúng tôi cũng như những gia đình khác thuộc diện chính sách đáng lẽ ra phải được ưu tiên trong việc hỗ trợ tạo điều kiện để học hành, nhưng ngược lại là việc chi trả rất chậm trễ.
Hơn nữa giá cả thị trường ngày một leo thang, mức trợ cấp đáng lẽ chúng tôi được nhận mấy năm trước thì hiện nay sẽ bị mất giá hơn rất nhiều. Tôi muốn thông qua tòa soạn báo Dân trí được hỏi cơ quan chính sách nào có trách nhiệm về việc chi trả chậm trễ này là huyện, tỉnh hay Nhà nước? Nhà nước có quy định chi trả chế độ trợ cấp chính sách cho sinh viên là theo nửa năm hay theo 1 năm? Và đến khi nào những người có chế độ như chúng tôi sẽ được trả trợ cấp?
Tôi rất mong muốn được có lời giải đáp cho việc này vì không những tôi mà những người thuộc diện chính sách đều rất bức xúc. Thông qua báo Dân trí, tôi rất mong sẽ sớm có câu trả lời của các cơ quan chức năng. Tôi xin chân thành cảm ơn báo Dân trí! (Trần Thị Thu Hương, Email:thuhuong0211@hotmail.com).
Trả lời:
Theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13/08/2008 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với người có công với cách mạng) quy định:
“Học sinh, sinh viên là người có công với cách mạng và con của họ theo quy định của Pháp lệnh khi học từ một năm trở lên tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú được:
a) Miễn học phí theo quy định của nhà nước;
b) Học sinh, sinh viên không thuộc diện hưởng lương được:
- Trợ cấp mỗi năm học một lần để hỗ trợ mua sách vở đồ dùng học tập.
- Trợ cấp hàng tháng”.
Theo quy định nêu trên bạn và em trai bạn là con của bệnh binh tỷ lệ thương tật là 61% sẽ được miễn học phí theo quy định của Nhà nước. Nếu bạn và em trai không thuộc đối tượng được hưởng lương thì được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần để hỗ trợ mua sách vở đồ dùng học tập và được trợ cấp hàng tháng, cụ thể:
Căn cứ Mục 2 Phần II Thông tư 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ quy định về chế độ đối với học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi đang học tại cơ sở đào tạo như sau:
a) Học phí
- Miễn học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở đào tạo công lập;
- Hỗ trợ học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở đào tạo dân lập, tư thục theo các mức sau:
+ Trường Trung cấp chuyên nghiệp: 150.000 đồng/tháng;
+ Trường Dạy nghề: 200.000 đồng/tháng;
+ Trường Cao đẳng: 200.000 đồng/tháng;
+ Trường Đại học: 250.000 đồng/tháng.
b) Trợ cấp một lần
Mỗi năm học sinh, sinh viên được trợ cấp 300.000 đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập.
c) Trợ cấp hàng tháng
- Mức 180.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên là con của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 60%, con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%; con bị dị dạng, dị tật suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
- Mức 355.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con bị dị dạng, dị tật nặng không tự lực được trong sinh hoạt của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
Học sinh, sinh viên đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo qui định trên đây sau khi thi tốt nghiệp được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 tháng trợ cấp hàng tháng đang hưởng.
Chế độ ưu đãi trong giáo dục qui định tại Phần II của Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2005”.
Theo điểm a, tiểu mục 2.1, mục II, phần II Thông tư 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC về Thủ tục và quy trình lập sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo như sau:“Người có công với cách mạng hoặc con của họ thuộc diện được hưởng ưu đãi giáo dục, đào tạo làm tờ khai cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo (mẫu số 01-ƯĐGD) kèm bản sao giấy khai sinh gửi đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận để gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, hoặc phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi chung là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi thường trú của người có công hoặc của thân nhân người có công thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo để làm thủ tục cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo”.
Như vậy để được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đối với con của người có công với cách mạng bạn phải làm sổ ưu đãi giáo dục tại Phòng lao động-Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban Nhân dân huyện nơi bạn có hộ khẩu thường trú.
Theo Mục 2 phần IV Thông tư 16/2006/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTCquy định về Phương thức chi trả như sau:
* Cơ quan thực hiện chi trả:
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, tổ chức chi trả trợ cấp và hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi. (điểm a)
* Thời gian chi trả:
- Trợ cấp một lần: được chi trả vào đầu năm học hoặc đầu khóa học.
+ Chi trả vào tháng 10 đối với học sinh học tại cơ sở giáo dục.
+ Chi trả vào tháng 11 đối với học sinh, sinh viên học tại cơ sở đào tạo.
- Trợ cấp hàng tháng: được chi trả làm 2 lần trong năm
+ Lần 1 chi trả vào tháng 10 hoặc tháng 11;
+ Lần 2 chi trả vào tháng 3 hoặc tháng 4.
Trường hợp học sinh, sinh viên chưa nhận trợ cấp hàng tháng theo thời hạn qui định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
- Hỗ trợ học phí: Theo thời gian thực học và chi cùng với thời điểm chi trợ cấp hàng tháng.
Trường hợp học sinh, sinh viên chưa nhận hỗ trợ học phí theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo”. (điểm b)
Như vậy bạn và em trai thuộc đối tượng được hưởng lương hàng tháng thì không được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần để hỗ trợ mua sách vở đồ dùng học tập và được trợ cấp hàng tháng. Nếu bạn và em trai bạn thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thì phải lập sổ ưu đãi giáo dục theo hướng dẫn nêu trên. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý, tổ chức chi trả trợ cấp và hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi. Trợ cấp một lần được chi trả vào đầu năm học hoặc đầu khóa học, trợ cấp hàng tháng được chi trả làm 02 lần trong năm. Trong trường hợp bạn chưa nhận trợ cấp hàng tháng theo thời hạn qui định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
Luật sư Vũ Hải Lý
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Tổng đài tư vấn: 1088 (nhánh 4.4 và 4.5)
Hot-line: 093 366 8166
Email: http://mail.luatdaiviet.vn/
Website: http://www.luatdaiviet.vn/