Câu hỏi: (Dân trí) - Tôi là một nhân viên làm tại 1 công ty A từ năm 2008 và được công ty A thuê công ty B đóng bảo hiểm xã hội cho tôi từ tháng 4/2008 nhưng sang tháng 1/2009 công ty A lại thuê công ty C đóng bảo hiểm xã hội cho tôi, trong qúa trình chuyển giao hồ sơ giữa công ty B và công ty C thì sổ bảo hiểm xã hội của tôi bị thất lạc. Đến tháng 5/2011 tôi xin nghỉ việc và viết đơn xin rút sổ bảo hiểm xã hội thì công ty C đã thoả thuận với tôi và tôi đồng ý để Công ty C đóng mới bảo hiểm xã hội cho tôi từ tháng 1/2009. Bây giờ tôi chuyển sang làm việc cho công ty D. Công ty D có đóng bảo hiểm xã hội cho tôi từ tháng 8/2011, tôi lại sắp sinh em bé (vào tháng 10/2011). Vậy xin quý báo cho tôi biết, tôi có được hưởng chế độ thai sản không? (Nguyễn Hạ Email: nguyenhaicp2008@gmail.com)
Theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 về Điều kiện hưởng chế độ thai sản thì:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;
d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.
2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.
Theo như quy định trên thì để được hưởng chế độ thai sản trong trường hợp sinh con, bạn phải đáp ứng điều kiện là đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con.. Trường hợp của bạn nếu sinh con vào tháng 10/2011 thì có nghĩa là trong thời gian mười hai tháng từ tháng 10/2010 đến tháng 10/2011 bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên thì bạn mới có đủ điều kiện để được hưởng chế độ thải sản khi sinh con.
Bạn đã đóng bảo hiểm xã hội liên tục từ 01/2009 đến thời điểm bạn sinh con nên bạn đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Bạn phải làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điều 113 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 cụ thể: “Hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng tử trong trường hợp sau khi sinh con mà con chết hoặc mẹ chết.
Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi phải có chứng nhận theo quy định của pháp luật.
3. Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc xác nhận của người sử dụng lao động đối với lao động nữ là người tàn tật.
4. Danh sách người hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.”
Về thời gian hưởng chế độ khi sinh con, mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 31, 35 Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:
“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây:
a) Bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;
b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;
c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;
d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày”.
Theo Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về mức hưởng chế độ thai sản như sau:
“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.”
Đồng thời điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi quy định: “Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con”.
Luật sư Vũ Hải Lý
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn