Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
Bắt trộm làm chết người bị tội hay không?
Câu hỏi: Khi tên trộm lẻn vào nhà, rút dao xông vào gia đình tôi. Do tự vệ, trong lúc hỗn loạn tôi đã đánh chết tên trộm. Vậy tôi và gia đình có bị kết tội giết người không? (Hoàng Thanh) Vào buổi tối khi gia đình tôi đóng cửa đi lên lầu chuẩn bị tắt đèn đi ngủ, thì phát hiện có kẻ trộm đột nhập vào nhà và đang trộm đồ. Khi đó tôi la lên nên cả nhà cầm gậy chạy lên lầu để bắt trộm. Tên này liền rút trong người ra một con dao, do không còn đường thoát, tên trộm cầm dao xông thẳng vào gia đình chúng tôi. Do tự vệ, trong lúc hỗn loạn tôi đã đánh chết tên trộm. Khi đó tôi có suy nghĩ trong đầu là nếu tên trộm không bị giết thì cả nhà tôi sẽ bị tên trộm giết. Tôi cũng có đọc trên báo thấy nhiều việc tên trộm đã giết cả nhà nạn nhân khi bị gia đình nạn nhân phát hiện, tôi không còn cách nào hơn mặc dù giết người là chuyện mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Như vậy tôi và gia đình có bị kết tội giết người không? (Hoàng Thanh)
Trả lời:

Để kết luận hành vi của một người có phạm tội hay không phạm tội gì, cần căn cứ trên rất nhiều yếu tố, như trong trường hợp của bạn cần xem xét rõ chi tiết hoàn cảnh xảy ra vụ án, hành vi cụ thể của nạn nhân (tên trộm), nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân (vị trí thương tích, một hay nhiều vết thương, do tác động vào một vị trí nguy hiểm trên cơ thể hay bị nhiều người đánh, “đánh đến chết” …), hung khí, số người tác động đến cơ thể nạn nhân dẫn đến cái chết.

Xem xét các quy định của pháp luật hình sự và đối chiếu với trường hợp của bạn (chúng tôi giả định rằng bạn đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi đầy đủ theo quy định của pháp luật), chúng tôi xin được đưa ra các khả năng gần nhất có thể xảy ra như sau:

Thứ nhất, nếu hành vi của tên trộm khi đó là tấn công bạn hoặc người thân của gia đình bạn với hung khí nguy hiểm là con dao, bất chấp tính mạng của người khác để nhằm mục đích chạy trốn, vì vậy bạn không còn cách nào khác phải tấn công lại nhằm phòng vệ và ngăn chặn hành vi nguy hiểm của tên trộm và đã dẫn đến hậu quả là tên trộm bị bạn đánh chết. Nếu hành vi của bạn lúc ấy được coi là cần thiết, cấp thiết buộc phải phản ứng, phải chống trả lại một cách tương xứng để ngăn ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra với mình hoặc người thân thì hành vi của bạn được coi là phòng vệ chính đáng và sẽ không phạm tội (Theo quy định tại khoản 1, Điều 15, BLHS).

Tuy nhiên để kết luận được điều này còn cần xem xét đến các yếu tố như vết thương, nguyên nhân gây ra cái chết của tên trộm như thế nào, do 1 hay nhiều vết thương gây ra, vị trí vết thương? Nếu sau khi bị chống trả lại mà tên trộm đã không thể gây nguy hiểm được cho người khác nữa (như bị đánh bay mất dao, bị ngất…) mà bạn hoặc gia đình bạn vẫn tiếp tục đánh dẫn đến cái chết của người này thì khi đó không thể coi là phòng vệ chính đáng được nữa và bạn và những người gây ra cái chết của tên trộm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi của mình.

Thứ hai: Nếu tên trộm mặc dù cầm dao nhưng không có biểu hiện của việc dùng con dao này để gây thương tích, làm nguy hại đến bạn và gia đình (như giơ dao lên đòi đâm, chém; vung dao chém loạn xạ) mà chỉ dùng chân, tay để thực hiện hành vi vũ lực, làm náo loạn, nhưng bạn đã có hành vi đánh chết tên trộm (bằng cách đánh một gậy vào đầu, vào gáy; hoặc dùng dao đâm, chém làm tên trộm chết ngay lập tức …) thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” vì hành vi phản ứng của bạn rõ ràng là quá mức cần thiết, không tương xứng với hành vi của tên trộm.

Trường hợp này, hành vi của tên trộm chưa cho thấy biểu hiện của việc xâm hại đến tính mạng của bạn và gia đình, nhưng bạn đã đã giết tên trộm với ý thức nhằm bảo vệ tính mạng của gia đình và mình thì bạn đã thể hiện sự phòng vệ quá mức cần thiết.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 15 BLHS, thì “phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Trong khi đó, khoản 2, Điều 15, BLHS, quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, nếu bạn làm chết người trong trường hợp chúng tôi giả định ở trên thì bạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ Luật hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với mức “phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Thứ ba, trường hợp tên trộm có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng bạn hoặc người thân của mình và bạn đã chống trả một cách cần thiết tuy nhiên sau khi “khống chế được tên trộm” khiến hắn không thể gây nguy hiểm được cho mọi người nữa, thậm chí không thể phản ứng được nữa như đã bị ngất, đã bị mọi người bắt, giữ…. nhưng bạn và gia đình vẫn tiếp tục đánh đập như chúng tôi đã nêu ở trên thì bạn và những người tham gia có thể phải chịu trách nhiệm về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, tùy theo mức độ tác động của mọi người vào cơ thể nạn nhân, nguyên nhân dẫn đến cái chết cũng như nhận thức, mục đích của mọi ngươi khi thực hiện hành vi này. Trong trường hợp này sẽ được xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ như nạn nhân cũng là người có lỗi, phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh…

Đối với người thân trong gia đình bạn, nếu cùng tham gia với bạn (với vai trò giúp sức, tổ chức, xúi giục) thực hiện những hành vi theo quy định của BLHS mà thuộc trường hợp bị coi là tội phạm như chúng tôi đã viện dẫn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Như vậy, căn cứ vào các khả năng mà chúng tôi giả định ở trên, bạn có thể đối chiếu với trường hợp cụ thể của bạn để có thể giải quyết những vướng mắc của mình trên cơ sở quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Thị Thúy Hằng

CÔNG TY LUẬT ĐẠI VIỆT

(Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 - Email:  info@luatdaiviet.vn

Website: www.luatdaiviet.vn

 

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân