Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai
Câu hỏi: Kính gửi công ty luật Đại Việt! Hiện tôi đang có một khúc mắc về tranh chấp đất đai nên mong muốn được Quý công ty tư vấn và hướng dẫn những thủ tục cần thiết. Tôi xin được trình bày vấn đề cụ thể như sau:   Từ trước tới nay, gia đình tôi có sở hữu một mảnh đất thổ cư thuộc dạng vườn đồi. Mảnh đất này do cha mẹ tôi mua lại từ một gia đình họ hàng trong gia đình từ những năm 1960. Trong suốt thời gian đó đến nay, gia đình tôi đều hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, luôn được chính quyền và người dân địa phương công nhận là đất thuộc sở hữu của gia đình.   Đến khoảng năm 1990, Bố, mẹ tôi quyết định nhượng lại (thực chất là cho) một người chú họ (là em con Cậu của Bố tôi) vì ông chú kia nghèo khổ không có đất để ở. Lúc đó, gia đình tôi có viết giấy viết tay, nhưng không xin xác nhận của chính quyền xã và có mời địa chính xã phân định ranh giới trên bản đồ. Sau đó gia đình họ làm nhà và các công trình phụ trên đất được gia đình tôi cho.   Đến năm 2002, do nhu cầu sử dụng nên gia đình tôi muốn san lấp mặt bằng (có làm đơn và xin xác nhận của chính quyền địa phương) thì xảy ra tranh chấp. Việc tranh chấp là xuất phát từ gia đình họ chứ không phải do gia đình tôi tham lam gì cả. Cụ thể là như thế này: Toàn bộ mảnh đất đó là mảnh đất hình thang, một mặt giáp đường liên xã, một mặt giáp đường ngõ xóm, theo phân chia thì gia đình họ được ở phần bên trong, nhưng gần đây giá đất mặt đường có giá trị lớn nên họ muốn phân chia lại và gây cản trở cho gia đình tôi trong việc xây dựng. Mặc dù đã nhiều lần đề nghị chính quyền xã giải quyết nhưng gia đình họ không chấp thuận nên từ đó đến nay mảnh đất trên vẫn nằm trong diện tranh chấp, không thể làm gì được. Toàn bộ các văn bản và giấy tờ liên quan đến việc giải quyết tranh chấp do chính quyền xã tiến hành gia đình tôi đều lưu lại.   Do anh chị em chúng tôi bận công tác, bố tôi đã mất và mẹ tôi tuổi đã già nên chưa có điều kiện để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Đến nay, do yêu cầu của Mẹ tôi và các anh chị em trong gia đình, chúng tôi mong muốn giải quyết dứt điểm và đúng pháp luật.   Được biết Đại Việt là công ty luật có danh tiếng và có nhiều luật sư giỏi, tôi viết thư này với mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía công ty. Tôi muốn biết: 1. Với các dữ kiện như vậy thì gia đình tôi nên làm gì? 2. Các thủ tục cần thiết để giải quyết tranh chấp? 3. Cấp chính quyền hoặc cơ quan nào có thể giải quyết? 4. Các tư vấn khác (nếu cần thiết)?   Chân thành cảm ơn! (Nguyen Duc Dien)  
Trả lời:

Theo nội dung anh trình bày thì chúng tôi có thể hiểu như sau: Năm 1960 bố mẹ anh có mua lại của gia đình người họ hàng một mảnh đất thổ cư dạng vườn đồi. Năm 1990 bố mẹ anh có cho một phần diện tích cho người chú họ. Việc tặng cho này chỉ viết tay, có mời địa chính xã phân định ranh giới trên bản đồ nhưng không có xác nhận của chính quyền địa phương. Phần diện tích của nhà chú giáp đường ngõ xóm, phần còn lại giáp đường liên xã thuộc quyền sở hữu của gia đình anh. Nay gia đình anh muốn xây dựng trên diện tích này nhưng gia đình chú có tranh chấp nên không xây dựng được.

Căn cứ Điều 135 Luật đất đai năm 2003 quy định về Hoà giải tranh chấp đất đai như sau:

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai.

Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.

Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai.

Điều 136 Luật đất đai 2003 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau:

a) Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;

b) Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.

 

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu gia đình anh có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc Toà án Nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp. Nếu trên đất không có tài sản và không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 điều 50 Luật đất đai  (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy giao nhà, tình nghĩa gắn liền với đất, hộ gia đình cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Toà án Nhân dân, quyết định của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành ...) sẽ do Uỷ ban Nhân dân nơi có đất tranh chấp giải quyết.

 

Nếu gia đình anh có giấy tờ về đất và khi cho đất có vẽ ranh mốc giới và có địa chính xã làm chứng thì gia đình anh có thể khởi kiện tại toà án để giải quyết dứt điểm tranh chấp.

 

Đồng thời, với thông tin về vấn đề anh nêu chúng tôi thấy rằng đây là vụ việc phức tạp, cần trực tiếp xem xét hồ sơ tài liệu đầy đủ liên quan đến vấn đề anh nêu nên nếu có thể chúng tôi rất hân hạnh chào đón anh trực tiếp để giải đáp những vướng mắc theo yêu cầu một cách chi tiết hơn.

 

Chân thành cảm ơn anh đã liên hệ với Luật Đại Việt.

 

CÔNG TY LUẬT ĐẠI VIỆT

(Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 - Email: info@daivietlawfirm.vn

Website: www.luatdaiviet.vn)

 

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân