Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
SOCRATES tự biện
 Trước tòa án Heliaea, Socrates tuyên bố chỉ nói lên sự thật, tường thuật nguồn gốc của sự vu khống mà ông là nạn nhân, chất vấn Meletus, và đặt vấn đề công lý với những người xét xử ông.

SOCRATES     TỰ     BIỆN

– PLATO –

(Khoảng 399 tr.CN. – 390 tr.CN.)

 

PHẦN MỘT

 Trước tòa án Heliaea, Socrates tuyên bố chỉ nói lên sự thật, tường thuật nguồn gốc của sự vu khống mà ông là nạn nhân, chất vấn Meletus, và đặt vấn đề công lý với những người xét xử ông.

 ____________________________________________________________

 Socrates không gọi hội thẩm đoàn là “quý thẩm phán” ngay từ đầu hàm ý vì ông chưa biết họ sẽ xét xử công chính, và do đó, có xứng đáng được gọi như thế hay không trước khi họ tuyên án. Sau khi bị kết án tử hình, ông xác nhận minh bạch chỉ trả lại danh nghĩa thẩm phán cho những người đã không bắt tội ông.

 

Thưa quý công dân(1) Athens, không biết những kẻ truy tố Socrates(2) đã gây ấn tượng gì lên quý vị; riêng đối với tôi, bài buộc tội của họ(3) quả đã có sức thuyết phục mạnh đến độ hầu như lúc đó làm tôi quên bẵng mình là ai. Rằng hay thì thực là hay; tuy nhiên, họ chẳng phát biểu lấy một lời trung thực. Song trong bao dối trá đã tuôn ra ở đây, điều làm tôi sửng sốt hơn cả là khi họ dặn quý vị phải cảnh giác trước tài hùng biện của Socrates. Nói thế mà không sợ bị phủ nhận ngay tức khắc thì thật là liều lĩnh đến mức trơ tráo, bởi vì chỉ cần mở miệng ra, tôi đã vô tình chứng minh trước cử tọa rằng kẻ hầu tòa này chẳng có chút nghề miệng lưỡi mọn nào. Trừ phi đối với họ sự hùng biện có nghĩa là sức mạnh của sự thật. Nếu đúng như thế, tôi thú nhận có thể là nhà hùng biện, nhưng không phải theo kiểu của họ. Bởi vì, xin nhắc lại một lần nữa, họ chưa hề nói lên lời nào đúng sự thực, trong khi từ miệng tôi, quý vị sẽ nghe tất cả sự thực, cho dù nó không được chải chuốt bằng loại ngôn ngữ bóng bẩy như trong diễn từ đầy tiểu xảo của bên nguyên, mà ngược lại, bằng bất cứ câu chữ nào thoạt hiện đến trong đầu; bởi vì thực tình, tôi tin chắc rằng mình sẽ không nói điều gì không chân thực. Vậy, đừng ai chờ đợi chi khác ở Socrates.

Ở vào cái tuổi này, thật khó coi nếu tôi xuất hiện trước mắt quý vị như một thiếu niên đang tập diễn thuyết trước công chúng, phải không quý đồng hương? Cho nên ân huệ duy nhất mà tôi xin quý vị là, nếu phải nghe Socrates tự bênh vực bằng cùng thứ ngôn ngữ mà tôi vẫn quen dùng ở quảng trường Agora(4), gần các bàn đổi tiền (nơi một số đông quý vị ở đây đã từng nghe tôi phát biểu) hay ở bất cứ chỗ nào khác, xin chớ ngạc nhiên và ồn ào ngắt lời tôi(5); bởi vì hôm nay là lần đầu tiên trong đời, tuổi đã ngoài bảy mươi, Socrates mới phải ra hầu tòa, nên thật tình hoàn toàn xa lạ với thứ ngôn ngữ được sử dụng chốn pháp đình. Thế thì, y hệt như nếu tôi là người sống ngoài thành quốc, quý vị sẽ cho phép tôi phát biểu bằng lời nói và cung cách của nơi tôi ở, tôi cũng xin quý vị, và tôi tin rằng đấy là yêu cầu chính đáng, hãy để tôi làm chủ mặt hình thức của phần tự biện này, cho dù nó sẽ có kết quả tốt xấu ra sao, mà chỉ tập trung tất cả sự chú ý của quý vị vào việc suy xét xem những điều tôi nói là đúng hoặc sai(6). Đấy mới chính là phẩm hạnh của người xét xử; nhiệm vụ của kẻ tranh tụng là khai báo sự thật.

 

______________________________________________________________________

 

(1) Athenians: công dân thành quốc Athens. Ở đây, để tránh phải dùng đi dùng lại một từ, chúng tôi dùng “quý công dân” hay “quý đồng hương”. Tư cách công dân và tình đồng hương đều là những giá trị được Socrates trân trọng, như ta có thể thấy ở nhiều đoạn trong bài tự biện này.

(2) Socrates luôn luôn xưng “tôi” trước tòa chứ không xưng tên. Ở đây, vì cùng lý do muốn tránh sự lặp lại quá thường xuyên một từ làm nặng bản dịch, thỉnh thoảng chúng tôi dùng tên của triết gia ở những chỗ thích hợp, như thể Socrates đôi khi cũng xưng tên khi tự bênh vực.

(3) Trong các phiên tòa mà tội vi phạm và hình thức trừng phạt chưa được quy định bởi luật pháp đương thời như ở đây, thủ tục xử tuân theo một trình tự gồm nhiều giai đoạn. Ở phần đầu, sau khi cáo trạng được tuyên đọc, bên nguyên phát biểu và kết thúc bằng một đề nghị định tội, sau đó bên bị lên tiếng tự bênh vực hay đọc bài biện hộ do người khác viết, trước khi hội thẩm đoàn bỏ phiếu quyết định có tội hay không. Ở phần sau, nếu bị cáo bị xem là có tội, bên nguyên lại phát biểu để bênh vực hình thức trừng phạt đề nghị, bên bị cũng được quyền lên tiếng để xin một hình thức nhẹ hơn; cuối cùng, hội thẩm đoàn lại bỏ phiếu lần cuối để chọn một trong hai đề nghị. Không có thủ tục kháng án.

(4) Quảng trường Agora là nơi tập trung mọi sinh hoạt công cộng của Athens, với các kiến trúc và địa điểm chính liên quan đến mọi lĩnh vực. Tôn giáo: bàn thờ 12 vị thần tối cao ở Thiên đình Olympia; và đền riêng của ba hộ thần Apollon (gia đình), Hephaestos (nghề thủ công), và Aphrodite (tình yêu). Chính trị: hai nhà họp đại biểu Bouleterion cũ và mới, dinh Tholos, công đường, tượng đài 10 anh hùng đã được đặt tên cho các bộ lạc. Quân sự: nhà họp Strategeion của các tư lệnh. Pháp luật: tòa án Heliaea và tòa giữa các cột vuông. Kinh tế: nơi họp chợ, khu đổi tiền, đồi họp của giới thủ công. Văn hóa: sân khấu Dionysos.

(5) Ngày ra tòa, cả bên nguyên và bị cáo đều có thể mang theo nhân chứng, thân nhân và người ủng hộ. Và cũng như hội thẩm đoàn, những người đến nghe xử thời đó đều có thể, và thường bộc lộ tình cảm một cách vừa công khai vừa vô cùng ồn ào.

(6) Với câu này, Socrates xác định phương pháp và phong cách tự biện của mình. Song nếu khuôn mẫu của nó là những cuộc đàm luận ông vẫn tiến hành nơi công cộng, thì đây không chỉ giới hạn vào ngôn ngữ sử dụng, mà còn bao gồm cả chủ đích của cuộc đàm thoại: xét xem những gì đã được phát biểu là đúng hay sai. Nghĩa là một cuộc vấn đáp nhằm bác bỏ cái sai, một hình thức truy tìm sự thật, một phương pháp biện chứng ba hồi (elenchos – chất vấn, xem xét và phản bác). Những nó lại không thuộc loại elenchos pháp đình thường thấy ở tòa án dưới hình thức thẩm vấn kẻ thứ ba để tìm chứng cớ, mà là một elenchos biện chứng nhằm phát hiện ra những mâu thuẫn ngay trong luận điệu của đối phương bằng cuộc khảo hạch trực tiếp.

 

Bây giờ, thưa quý công dân Athens, hãy để cho Socrates bắt đầu bằng sự phản bác những kẻ buộc tội và các tội trạng mà họ vu cáo tôi trước kia; sau đó, tôi sẽ trả lời những kẻ buộc tội và các tội trạng mới mà họ gán cho tôi gần đây.

Bởi vì, thưa quý vị, không thiếu gì người đã truy tố Socrates trước quý vị từ bao năm nay,và tuy rằng họ chẳng đưa ra được điều gì trung thực, tôi vẫn sợ họ nhiều hơn là Anytus với đồng đảng, mặc dù bọn sau này cũng rất đáng ngại. Vâng, thưa quý đồng hương, những kẻ buộc tội tôi đầu tiên còn đáng sợ hơn nhiều, bởi vì, chiếm lĩnh tinh thần của phần đông quý vị từ tuổi thơ, họ đã không ngừng lặp đi lặp lại những điều dối trá khiến quý vị tin rằng có một nhà thông thái nào đó mang tên Socrates thường vẫn “suy tưởng về các hiện tượng trên trời, bươi kiếm trong lòng đất và biến chuyện xấu xa thành điều chính nghĩa”(1). Những ai phổ biến loại tai tiếng ấy mới thật sự là kẻ kết án tôi; bởi vì, tin theo lời họ, người nghe tự thuyết phục mình rằng bất cứ cá nhân nào, một khi đã đeo đuổi loại tìm tòi trên, đều không tin vào thần thánh. Những kẻ buộc tội này vừa đông đảo, vừa âm thầm hoạt động từ lâu; hơn nữa, họ đã áp đặt ý kiến này lên quý vị ở cái tuổi dễ tin của thời thơ ấu hoặc niên thiếu, càng dễ tin hơn nữa khi họ xử vắng mặt một kẻ không ai bênh vực. Và điều kỳ quái hơn cả là ngay bản thân tôi cũng không thể biết mặt, không nêu được tên ai đã kết tội mình, ngoại trừ một tay viết hài kịch(2). Nhưng tất cả những kẻ mang mọi điều dối trá trên ra thuyết phục quý vị vì ganh ghét hay để phỉ báng tôi, rồi bao kẻ tin sau đó lại đi thuyết phục người khác, chính hạng người này mới làm tôi bối rối hơn cả. Chẳng những không thể đưa một ai ra tòa, tôi còn không thể nào phản bác họ; để tự vệ, tôi bị đặt vào thế phải đương đầu với những bóng ma, và tranh luận mà không nghe kẻ chất vấn hay người trả lời. Như thế, xin quý vị ghi nhận trong tâm trí cho rằng Socrates có đến hai loại người buộc tội như vừa trình bày: kẻ đã mờ ám buộc tội tôi từ thời xa xưa, và kẻ chỉ mới ra mặt tố tụng gần đây; mặt khác, cũng xin quý vị hiểu giùm cho là tôi phải bắt đầu bằng sự phản bác hạng người thứ nhất, bởi vì chính họ là kẻ mà quý vị đã nghe trước tiên trong một thời gian dài, và chính họ mới để lại nhiều ấn tượng lên quý vị hơn hạng người sau.

 

______________________________________________________________________

 

(1) Thời trẻ, Socrates giao du với nhóm triết gia mà nay chúng ta gọi là “tiền Socrates” và với trường phái biện sĩ. Theo Favorinus, đơn khởi tố vụ án năm 399 tr.CN. còn giữ ở đền Cybele thời đó đã được thảo như sau: “Bằng lời tuyên thệ này, tôi Meletus, con của Meletus, ở Pittea, kết án Socrates, con của Sophroniscus, ở Alopece, như sau: Socrates có tội chối bỏ các vị Thần mà thành quốc thờ phụng, còn đưa vào đây những quỷ thần khác lạ; hắn cũng có tội làm thanh niên hư hỏng. Xin tuyên án tử hình đương sự”. Hai diểm đầu của cáo trạng liên hệ Socrates với nhóm thứ nhất và điểm cuối với nhóm thứ hai, trong khi triết lý của Socrates về sau thật sự đã hoàn toàn đoạn tuyệt, nếu không muốn nói là trái ngược, với các khuynh hướng trên.

(2) Ám chỉ Aristophanes (khoảng 448 tr.CN. – 385 tr.CN.): nhà hài kịch xuất sắc cổ Hy Lạp, tác giả của khoảng 40 vở kịch, nay chỉ còn lại đầy đủ 11 vở (Hòa bìnhKỵ sĩLysistrataMâyXứ chimPluto…). Tác phẩm của ông phần lớn mang tính chất chính trị hoặc phản chiến, mang các công dân nổi tiếng của Athens và thái độ của họ trong cuộc nội chiến giữa Athens với Sparta ra giễu cợt. Trong số đó, Mây là một hài kịch giễu Socrates như như người thuộc trường phái biện sĩ, có khả năng “biến các luận điệu yếu kém thành luận cứ vững chắc” đúng như ở công thức trứ danh của Protagoras (triết gia biện sĩ nổi tiếng nhất thời đó cùng với Gorgias, khoảng 485 tr.CN. – 420 tr.CN.), song với hàm ý Socrates là kẻ bênh vực mọi điều trái với sự thật và công lý. Giống như “cái lưỡi không xương, trăm đường lắt léo”, vì không có lõi nên đám mây cũng có thể mang vạn hình thù – cả hai biểu thị nghệ thuật ăn nói tùy tiện. Trong vở kịch, ông hiệu trưởng trường dạy ngụy biện Socrates ra mắt khán giả, vừa chễm chệ trên chiếc ghế bành treo trên cao và được kéo qua kéo lại ngang sân khấu, vừa phát biểu lăng nhăng ngạo nghễ, trong khi đám học trò bên dưới thì vừa chổng mông trầm tư chuyện trên trời, vừa cặm cụi soi mói vào lòng đất.

 

Thưa quý công dân Athens, đã đến lúc Socrates phải tự bênh vực và cố gắng rứt ra khỏi tâm trí quý vị những điều vu khống đã ăn sâu từ lâu, với thời gian được phát biểu thật là ít ỏi(1). Tất nhiên, tôi hy vọng đạt được mục đích, nếu nó hữu ích cho cả quý vị lẫn bản thân tôi. Tôi hy vọng giải tỏa được mọi lời cáo buộc, tuy biết rằng tự bênh vực trong những điều kiện như thế là cực kỳ khó khăn, và hoàn toàn không tự dối mình về mức khó khăn đó(2). Nhưng thôi, hãy để mọi việc diễn tiến theo ý muốn của thần thánh. Bổn phận công dân của tôi là tuân thủ luật pháp và tự bênh vực mình.

Hãy truy nguyên và xem tội trạng nào đã làm điểm tựa cho những kẻ vu khống Socrates, khiến Meletus nay có đủ tự tin để truy tố tôi trước tòa. Xem nào, những kẻ phỉ báng tôi đã nói gì? Thử làm như thể lời buộc tội của họ đã được viết ra trong bản cáo trạng, và sau thủ tục tuyên thệ, bây giờ đang được tuyên đọc trước tòa: “Socrates là người nguy hiểm, vì tật tò mò sai trái, y muốn thấu triệt cả chuyện trên trời và trong lòng đất, biến chuyện xấu xa thành điều chính nghĩa, còn dạy dỗ kẻ khác loại tà thuật ấy”. Đấy là cáo trạng.

Đấy chính là những gì quý vị đã thấy tận mắt trong hài kịch của Aristophanes. Một ông Socrates nào đó được kéo vất va vất vưởng ngang sân khấu, tuyên bố rằng mình có tài lượn đi lượn lại trên không và hàng trăm điều ngông cuồng khác về nhiều chuyện mà bản thân tôi tuyệt đối không hiểu nổi. Tôi nói thế không phải để dè bỉu loại kiến thức trên – xin đính chính nếu có ai trong cử tọa thành thạo về các bộ môn ấy; hy vọng rằng Meletus sẽ không lại kiếm chuyện với tôi thêm lần nữa vì lời đính chính này. Sự thật là tôi không hề đeo đuổi loại học thuật đó; phần lớn quý vị ở đây đều có thể làm chứng. Vì vậy, tôi yêu cầu vị nào đã từng đàm luận với tôi, và đấy là trường hợp của một số rất đông quý vị, hãy hỏi han nhau xem, và công bố xem có bao giờ quý vị từng nghe Socrates nói xa nói gần về loại tìm tòi thuộc các lĩnh vực ghi trong cáo trạng trên chăng. Quý vị sẽ thấy ngay rằng tất cả những chuyện mà người ta gán cho tôi đều cùng vào một giuộc: chẳng có gì là thực trong các lời phao đồn ấy.

Và nếu có ai bảo quý vị rằng tôi còn dạy dỗ kẻ khác lấy thù lao nữa, thì đấy cũng chỉ là tin thất thiệt. Không phải tôi không biết rằng có khả năng dạy dỗ người đời là điều cao đẹp, như Gorgias của Leontium(3), như Prodicos ở Ceos(4), như Hippias xứ Elis(5). Các nhân vật lừng danh này đã đi khắp mọi thành quốc Hy Lạp, và ở đâu họ cũng thuyết phục nổi thanh niên bản xứ rời bỏ các vị thầy đồng hương đang dạy dỗ mình miễn phí để theo học họ, chẳng những chịu trả học phí cao, mà còn xem đấy như một đặc ân. Ngay tại thành quốc ta, tôi nghe nói cũng có một người mới đến từ Paros, một biện sĩ rất giỏi. Hôm nọ, tôi tình cờ ghé thăm Callias con của Hipponicus(4), người đã trả học phí cho giới biện sĩ còn nhiều hơn tất cả những kẻ hiếu học ở đây cộng lại. Tôi hỏi Callias khi nói về hai con của ông ta: “Này Callias, nếu bạn có ngựa giống hoặc bò mộng thay vì hai con trai, chúng ta đều biết rằng phải giao chúng và phải trả thù lao tương xứng cho ai có khả năng phát huy phẩm chất của chúng thành những sinh vật khỏe và đẹp nhất, và kẻ ấy hẳn phải chuyên nghề nuôi ngựa hay chăn bò. Nhưng vì các con bạn là người, bạn đã quyết giao chúng cho ai chưa? Ai có thể dạy dỗ chúng nên người và thành công dân tốt? Tôi tin rằng, từ khi làm bố, nhất định bạn đã suy nghĩ nhiều về chuyện này. Bạn đã có ai chưa?”. Ông ta đáp: “Tìm được người rồi”. Tôi lại hỏi: “Ai thế, dân ở đâu, đòi thù lao bao nhiêu?”. Callias cho tôi biết: “ Evenos đấy Socrates ạ, ông ta đến từ Paros(5) và lấy 5minae(6).”.  Tất nhiên, tôi mừng cho Evenos, nếu quả thật ông ta có biệt tài ấy và chịu truyền dạy với một giá phải chăng như vậy. Bản thân tôi, nếu có được tri thức(7) của ông ta, chẳng những tôi sẽ rất hãnh diện mà còn tự đắc. Khổ nỗi, thưa quý đồng hương Athens, tôi không có tri thức này.

Đến đây, trong số quý vị hẳn có người sẽ hỏi: “Nhưng mà này Socrates, công ăn việc làm của ông chi gì vậy? Tại sao người ta lại phỉ báng ông? Ông cho rằng mình chẳng làm gì khác thường cả; nhưng chắc chắn ông không thể là nạn nhân của bao nhiêu tai tiếng, bao nhiêu chuyện nhảm nhí nếu thực sự ông không làm chi hơn hoặc khác thiên hạ. Hãy nói chúng tôi nghe đi, để tránh cho cử toạ sự phán xử nhẹ dạ, võ đoán”.

Nghi vấn chí lý, tôi hoàn toàn đồng ý; vì vậy, tôi xin cố gắng giải thích vì đâu mà Socrates này lại thừa hưởng vừa cái danh người hiểu biết(8), vừa bao lời phỉ báng như vậy. Xin quý vị lắng nghe. Có thể một vài vị trong cử tọa tưởng rằng tôi nói đùa; nhưng xin hãy yên trí rằng tôi chỉ nói lên sự thực. Tiếng tăm của tôi không đến từ điều chi khác hơn là một kiến thức vốn có. Kiến thức về cái gì vậy? Có lẽ nó chỉ là một sự hiểu biết liên quan đến con người. Thứ kiến thức ấy, có thể là tôi có, bởi vì ai cũng có khả năng đạt đến, và chỉ trong mức độ phổ quát đó thôi mà tôi dám tin mình là người hiểu biết. Ngược lại, các biện sĩ mà tôi vừa kể tên ban nãy lại có một loại tri thức khác, ở một cấp bậc cao hơn là kiến thức chung này. Tôi không thể nói chi hơn về loại tri thức cao siêu đó, bởi vì thật tình tôi không biết; ai nói khác là nói láo và vu khống.

Đến đây, thưa quý công dân Athens, xin đừng lao nhao ngắt lời tôi, nếu quý vị thấy rằng tôi nói về mình quá đỗi tự phụ; bởi vì những lời tôi sắp nói ra đây không xuất phát từ tôi mà từ một quyền uy đáng cho quý vị tin cậy hơn nhiều. Để xác nhận sự hiểu biết của Socrates, tôi xin dẫn chứng lời phán truyền của vị thần ở đền Delphes(9), Ngài sẽ nói cho quý vị biết tôi có phải là người hiểu biết chăng, và kiến thức ấy là gì. Trong cử toạ chắc ai cũng biết Chaerephon, bạn từ thời thơ ấu của tôi, đồng thời là một công dân tốt, kẻ đã cùng đi đày và cùng hồi hương với quý vị (10). Biết rõ Chaerephon, quý vị còn lạ gì nhiệt tình mà ông ta đặt vào mọi việc. Một hôm, khi ghé viếng đền Delphes, Chaerephon bỗng đánh bạo thỉnh ý Thần xem trên đời này còn có người hiểu biết hơn Socrates chăng (đến đây, một lần nữa tôi lại phải xin quý vị chớ xì xào khó chịu khi nghe tôi nói); và vị đồng cô ở đền trả lời rằng không có ai cả(11). Về lời đáp này, dù Chaerephon nay không còn nữa, em ruột của ông ta có thể xác nhận với quý vị ngay tại đây.

 _______________________________________________________________

 

(1) Mỗi phiên xử thường diễn ra suốt ngày và được chia làm ba phần bằng nhau: 1/3 cho bên nguyên, 1/3 cho bên bị, và phần chót để định tội, mỗi phần khoảng 2 giờ. Thời gian được đo lường bằng đồng hồ nước (clepsydra): một thùng nước to thủng đáy, đóng bằng nút; khi mỗi bên bắt đầu nói, nút đóng được rút ra, đến lúc thùng đã chảy hết nước, diễn giả phải ngừng.

(2) Về thái độ của Socrates trước tòa, có sự giải thích khác biệt giữa Plato và Xenophon. Trong tác phẩm này của Plato, Socrates đã thực tình cố gắng thuyết phục hội thẩm đoàn. Trái lại, trong Socrates tự biện trước tòa của Xenophon (sẽ được đăng tải tiếp sau tác phẩm này), Socrates có thái độ hoàn toàn thách thức đối với những kẻ xét xử ông, vì ông tin rằng bản án tử hình sẽ là cơ hội để thoát gánh nặng tuổi già. (Socrates đã hơn 70 tuổi vào thời điểm đó, tức là đã rất già so với tuổi thọ trung bình của người Hy Lạp cổ đại). (Nguyễn Văn Khoa & Nguyễn Hữu Chiến)

(3) Gorgias ở Leontium hay Leontini (khoảng 483 tr.CN. – 375 tr.CN.): triết gia biện sĩ, nhà tu từ và nhà ngoại giao. Đến Athens vào năm 427 tr.CN. như sứ giả để cầu viện binh, ông rất được khâm phục nhờ tài hùng biện, về sau làm giàu và nổi tiếng khắp nơi bằng nghề miệng lưỡi. Số tác phẩm còn giữ được của ông gồm có: Vô thể luận hay Tự nhiên luận(trong đó ông muốn chứng minh rằng: chẳng có gì tồn tại cả; nếu có, ta cũng không thể biết được; và nếu có biết, cũng không thể nói cho người khác biết được), Tán dương Helen và Bênh vực Palamedes (biện hộ cho hai nhân vật thường bị dư luận thời đó chê trách).

(4) Callias: một trong những công dân giàu có nhất thành quốc. Một phần của tài sản của ông đến từ việc khai thác hầm mỏ ở Laureion bởi 600 nô lệ. Mặc dù được xem là ân nhân hào phóng của giớ biện sĩ, Callias đồng thời giữ được liên hệ tốt đẹp với Socrates và nhóm bạn của triết gia. Em cùng cha khác mẹ với Callias, Hermogenes, là nhân vật đã thuật lại phiên xử Socrates trong tác phẩm của Xenophon.

(5) Evenus xứ Paros (khoảng thế kỷ V tr.CN.): nhà thơ và biện sĩ. Ít được biết đến, ngoài việc dạy học lấy tiền, làm thơ và tranh luận về tài hùng biện, kỹ thuật tu từ; tác phẩm để lại không có gì đáng kể.

(6) Một minae thời đó là 100 drachmae, và 1 drachmae là lương trung bình mỗi ngày của tay thợ khéo. Thù lao của Evenus như vậy là 500 drachmae, gần 2 năm lương thợ. Trên bậc thang học phí đương thời, có thể được xếp vào loại rẻ nhất, so với Gorgias thuộc hạng đắt nhất.

(7) Theo nhiều tác giả, ở Socrates dường như có hai định đề. Thứ nhất, dạy dỗ là trao truyền một tri thức (một số hiểu biết được hệ thống hóa), do đó, muốn làm thầy, phải có tri thức (đoạn này sẽ được lý luận tới sau này). Thứ hai, có sự tương đương giữa nghệ thuật (tekhne) và tri thức (episteme, sophia).

(8) Từ Hy Lạp được dịch là “sagesse” hay “wisdom” khởi đầu chỉ có nghĩa “hiểu biết” một cách tổng quát. “Sage” cũng đồng nghĩa với “savant”, như trong bản dịch của Luc Brisson mà chúng tôi tham khảo thêm ở đây. Vì thế, trong bản dịch sang tiếng Việt này, chúng tôi dùng “hiểu biết”, “thông thái” hay “kiến thức” tùy trường hợp và ngữ cảnh. Chỉ từ sau “Socrates”, từ “sagesse” và “sage”, mới chủ yếu mang ý nghĩa đạo lý mà nhiều người nay dịch là “sự hiền minh”, “nhà hiền triết” hay “người hiền”. (Phạm Trọng Luật, dịch theo bản dịch năm 1822 của Victor Cousin)

(9) Đền Delphes là nơi thờ một trong các vị thần tiên tri nổi tiếng nhất cổ Hy Lạp là Apollon. Lời phán truyền của Apollon qua trung gian là đồng cô rất được người đương thời tìm hỏi, tin theo và đóng một vai trò chính trị, văn hoá quan trọng cho mãi đến thời Ki–tô giáo. Cuộc thăm viếng đền Delphes của Chaerephon không được Plato nói rõ đã xảy ra vào lúc nào, và cũng không thấy tác giả nói đến trong những bản đối thoại khác; theo nhiều tác giả, đấy có thể là một chọn lựa cố ý để nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện hơn là bản thân sự kiện. Ở đây, khi nói về Aplollon, Socrates không bao giờ gọi đích danh Apollon mà chỉ gọi là “Thần” hay “vị thần ở đền Delphes”. (Nguyễn Văn Khoa & Phạm Trọng Luật)

(10) Chaerephon được gọi là “công dân tốt” hay “bạn của nhân dân” vì ông ta cũng thuộc đảng Dân chủ như những kẻ buộc tội Socrates. Ông đã đóng một vai trò chính trị thực sự ở Athens, bị đi đày, và chỉ trở về thành quốc sau khi nền chuyên chính của ba mươi bạo chúa bị lật đổ.

(11) Đồng cô ở Delphes được gọi là Pythia, do tên trước của Delphes là Pytho.

Theo truyền thuyết, khi tìm được nơi lập đền, Aplollon đã phải giết chết con nửa rắn nửa rồng Python khổng lồ; con của nữ thần Đất Mẹ Gaia vĩ đại, do Hera vợ của Zeus xin Người sinh ra để truy đuổi Leto, mẹ của Apollon; đang hoành hành tại đấy để trả thù cho người mẹ kính yêu của mình, đó là chiến công đầu tiên của thần Apollon; từ đó, Apollon còn được mang danh hiệu Apollon Pythien. Giữa khu thánh đường của đền Pythia có đặt một hòn đá hình bán nguyệt (thường là một thiên thạch) tên gọi là Omphalos (cái rốn), được coi là trung tâm của đất do thần vương Zeus xác định.

Kẻ được chọn làm đồng cô khởi thủy phải là một cô gái ít hiểu biết nhưng trinh trắng và xinh đẹp, về sau vì xảy ra chuyện một cô bị bắt cóc hay bị quân địch hãm hiếp trong chiến tranh, trọng trách này được giao phó cho đàn bà cao tuổi. Theo một số tác giả, thủ tục thỉnh lời tiên tri diễn ra như sau: khách viếng đặt câu hỏi qua trung gian là một thầy tu sau khi đã dâng lễ vật, trong khi đồng cô ngự trên một cái giá ba chân bằng đồng đặt sâu ở phòng trong của đền (adytum), nơi thần hồn Apollon sẽ nhập vào cô để thốt ra lời tiên tri, sau đó lời phán sẽ được thầy tu trung gian giải thích lại cho khách thỉnh. (Nguyễn Văn Khỏa,Thần thoại Hy Lạp, NXB Văn Học, Hà Nội, 2006, tr. 94 – 98, Nguyễn Văn Khoa & Nguyễn Hữu Chiến)

Thường thì những lời truyền phán của thần thánh không rõ ràng, cụ thể, thường mơ hồ, chứa đựng hai, ba nghĩa, muốn hiểu thế nào cũng được hoặc rất khó hiểu. Chuyện xưa kể lại, có một lần vào năm 546 tr.CN., vị vua xứ Lysie (một vương quốc ở Tiểu Á, tức vùng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ và các dân tộc Turk ngày nay) tên là Cresus (563 tr.CN. – 548 tr.CN., một vị vua nổi tiếng vì giàu có và đã chinh phục cả vùng Tiểu Á) tới Delphes để xin thần ban cho một lời chỉ dẫn: “Có nên đánh Persic (Ba Tư) hay không?” Thần giải đáp: “… Hỡi Cresus! Dòng sông Galis (con sông ở biên giới hai vương triều Lysie và Persic) vẫn trôi, một vương triều vĩ đại sẽ sụp đổ!...”. Cresus đem quân đánh Persic bị đại bại, nhà vua bị bắt sống, lúc đó cô đồng Pythia và những viên tư tế lại giải thích: “… Thật đúng như lời thần truyền phán!”. (Nguyễn Văn Khỏa, Thần thoại Hy Lạp, NXB Văn Học, Hà Nội, 2006, tr. 98 & Nguyễn Hữu Chiến)

Thưa quý công dân Athens, bây giờ hãy xét xem vì sao tôi lại kể chuyện ấy ra ở đây – chỉ vì tôi muốn quý vị nhìn thấy bao lời ong tiếng ve mà người ta đồn thổi cho Socrates bắt nguồn từ đâu. Khi biết câu trả lời của Thần, tôi chợt thắc mắc: lời phán này muốn nói chi, mang ẩn nghĩa(1) gì? Bởi vì tôi thừa biết rằng mình chẳng mảy may có chút tri thức nào, dù là nhỏ mọn hay to tát. Vậy thì Thần muốn nói chi, khi phán rằng Socrates là kẻ hiểu biết nhất? Chắc chắn là Ngài không thể nói dối; dối trá là điều hoàn toàn trái ngược với bản chất của thần thánh. Hoang mang tột độ về ý nghĩa lời phán truyền như thế khá lâu, sau bao lần do dự, cuối cùng tôi đành quyết định phải tự tìm hiểu ý Thần. Trộm nghĩ nếu tìm được một người giàu kiến thức hơn mình, lúc ấy tôi có thể thưa lại với Thần: “Đây là người thông thái hơn tôi, thế mà Ngài lại dạy rằng tôi là người hiểu biết nhất!” Tôi bèn đến viếng một công dân vẫn được xem là thuộc thành phần có nhiều kiến thức sâu rộng nhất thành quốc, hy vọng rằng ở đây hơn bất cứ nơi nào khác, tôi sẽ có cơ may kiểm chứng lời phán trên. Tôi đã khảo sát cặn kẽ nhân vật này – xin miễn nêu tên, chỉ cần nói rõ rằng đấy là một trong những chính trị gia lớn nhất của chúng ta –, và từ cuộc đàm luận với ông ấy, tôi rút ra kết luận rằng vị này đã gây được ấn tượng thông thái trước mắt nhiều người, nhất là trước mắt của chính mình, song sự thực là ông ta chẳng có chút kiến thức nào. Khám phá trên khiến tôi cố gắng chứng minh cho ông ta thấy rằng ông ta không hề có những hiểu biết mà ông ta tưởng có. Hậu quả là tôi chỉ chuốc lấy sự thù ghét của ông và đám bạn ông, những người đã tham dự cuộc đàm thoại của chúng tôi. Khi ra về, tôi không khỏi tự nghĩ mình hiểu biết hơn vị này. Có thể đúng là cả ông ta lẫn tôi đều không biết chi đáng kể, song trong khi ông ta tưởng mình biết mặc dù chẳng biết gì, thì tôi tuy không biết gì nhưng cũng không hề tưởng là mình biết. Như thế, ít nhất về điểm này, dường như tôi biết điều hơn: tôi không tưởng là biết điều tôi không biết. Sau đó, tôi lại viếng một nhân vật khác, còn được xem là thông thái hơn cả vị trước; tôi đi đến cùng một kết luận, và ở đấy tôi cũng lại tự chuốc lấy oán hận của ông ta và rất nhiều bạn hữu chung quanh.

Tuy vậy, tôi vẫn không nản chí chút nào. Tôi hoàn toàn cảm nhận được sự thù ghét mà mình đã vô tình tích lũy, song dù buồn rầu, thậm chí đôi khi kinh hoảng nữa, tôi tin rằng mình phải đặt việc tìm hiểu ý nghĩa của lời Thần phán lên trên tất cả. Socrates này lại ghé hết nhà này đến nhà khác, cố tìm gặp bằng được những người được tiếng thông thái hay tỏ vẻ có vốn liếng kiến thức. Và Lang Tinh chứng giám(2), tôi xin thề, bởi vì tôi phải khai thực với quý vị, đây là kết luận tôi đã rút ra từ cuộc thăm dò: trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, kẻ được tiếng là thông thái nhất rốt cuộc lại thiếu hiểu biết hơn ai hết, trong khi kẻ bị xem là thấp kém hơn dường như lại gần gũi với tri thức lương thiện và khôn ngoan hơn.

Dầu sao, cũng xin thuật lại với quý vị trong chi tiết cuộc truy tìm đáng gọi là kỳ công Heracles(3)này của Socrates để tự thuyết phục rằng lời phán của Thần là không thể sai. Sau giới chính khách, tôi tìm đến giới cầm bút, từ kẻ viết kịch, làm thơ đến các loại tác gia khác, hoàn toàn không nghi ngờ rằng ở đây sự dốt nát của tôi sẽ hiển hiện lộ liễu trước kiến thức ưu đẳng của họ. Cầm trong tay những tác phẩm có vẻ đã được tạo tác công phu nhất của họ, tôi hỏi họ thực sự muốn nói gì, hy vọng qua đó được chỉ giáo thêm. Thưa quý đồng hương, thật là xấu hổ phải nói lên sự thực, tuy rằng dù sao cũng phải khai thật với quý vị mà thôi. Trong tất cả những người có mặt trong các cuộc trò chuyện, hầu hết đều có thể bàn về văn thơ của các vị ấy hay hơn cả chính tác giả. Tôi mau chóng nhận ra rằng giới văn thi sĩ đã sáng tạo được không phải nhờ kiến thức, mà nhờ một thứ năng khiếu tự nhiên hay cảm hứng thiên phú giống như ở các nhà tiên tri hay thầy bói; các vị này có thể tiết lộ bao điều thật đáng khâm phục tuy chẳng có hiểu biết gì về chúng. Nhà văn, nhà thơ dường như cũng ở trong một trạng thái tương tự; đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng họ còn tưởng mình thông thái hơn thiên hạ trên mọi vấn đề khác nhờ thứ năng khiếu đặc biệt ấy, thật ra thì họ chẳng hiểu biết gì hơn ai. Tôi bèn giã từ giới này, tin chắc rằng dù sao mình cũng còn hơn họ, vì cùng một lý lẽ như đối với các chính khách.

Sau cùng, tôi tìm đến giới thủ công(4). Tự thấy mình chẳng biết gì về loại nghệ thuật này, tôi tin chắc sẽ gặp ở đây rất nhiều nghệ nhân có những bí quyết đáng khâm phục. Và về điểm này thì tôi không nhầm chút nào: họ biết rất nhiều chuyện mà tôi không biết, và dưới khía cạnh này thì đúng là họ thông thái hơn Socrates tôi rất nhiều. Tuy nhiên, thưa quý vị, ngay cả kẻ khéo léo nhất ở đây cũng mắc phải cùng một sai lầm như giới văn thi sĩ; vì xuất sắc hơn kẻ khác về kỹ thuật nghề nghiệp, anh nào cũng yên trí rằng mình phải có nhiều kiến thức hơn thiên hạ về bao chuyện quan trọng khác, đến nỗi sự tự phụ điên khùng đó che lấp cả tài năng và kỹ xảo của họ. Rốt cuộc, liên tưởng đến lời phán của Thần, rồi tự vấn hoặc nên giữ mình như bây giờ, nghĩa là không có cả những điều họ biết lẫn những điều họ không biết, hay nên vừa có phần kỹ xảo lẫn phần ngu dốt của họ, tôi đã tự trả lời cho mình và với Thần rằng tôi muốn giữ mình như hiện thời hơn.

 

______________________________________________________________________

 

(1) Nguyên tắc lời phán của thần Apollon phải được giải mã đã được Heraclitus (triết gia siêu hình, khoảng 544 tr.CN. – 480 tr.CN.) công thức hóa như sau: “Vị thần chủ nhân lời phán đền Delphes không nói rõ, cũng không che giấu, mà hướng dẫn”.

(2) Đây là lời thề bình dân khá thông dụng ở Athens thời ấy, gọi là “lời thề Rhadamanthus”, song lại chỉ Anubis, vị thần đầu chó sói (Thần của sự ướp xác, thần Xác ướp) của cổ Ai Cập. Dùng lời thề này trong khi bị kết tội là mang ngoại thần vào thành quốc, có lẽ Socrates muốn nói rằng sự du nhập ngoại thần vào Athènes đã có trước ông, và ở một mức độ rộng rãi hơn kẻ buộc tội ông có thể tưởng, nên mới có sự trộn lẫn giữa Anubis với Rhadamanthus.

Zeus lấy người phàm Europa, sinh ra ba con trai là Minos, Rhadamanthus và Sarpedon. Cả ba được vua Asterion xứ Crete nuôi dạy. Khi Asterion mất, Minos lấy được ngôi báu, rồi đày Rhadamanthus đi Boeotia và Sarpedon đi Lysie.

Theo một truyền thuyết khác, Rhadamanthus là vua Crete thước Minos và là người đã lập ra cho hòn đảo này bộ luật xuất sắc được nhiều thành quốc khác mô phỏng. Vì là người chính trực và liêm chính không dễ lay chuyển, khi mất, Rhadamanthus trở thành pháp quan thứ nhì ở Hades (thế giới Âm phủ).

(3) Heracles (Hercules): con của Zeus với người phàm Alcmene, Heracles là điển hình của loại bán thần Hy Lạp: vừa là thần ở thể lực, vừa là người suốt đời phải gian nan đương đầu với những hoạn nạn do nữ thần Hera gây ra vì ghen tuông và thù ghét mẹ mình. Song cũng nhờ thế mà Heracles trở thành người hùng lớn nhất cổ Hy Lạp, mẫu mực của nam tính thời đó, đồng thời là tráng sĩ diệt quái cứu nhân.

Được vua Creon ở Thebes gả nàng Megara, Heracles giết cả vợ con trong một cơn điên loạn do Hera xui khiến. Khi bừng tỉnh, Heracles tìm đến Delphes hỏi cách chuộc tội; dưới ảnh hưởng của Hera, đồng cô bảo Heracles phải đến hầu vua Eurystheus xứ Tiryns trong 12 năm, làm bất cứ việc gì nhà vua sai khiến. Heracles y lời, và hoàn thành 12 kỳ công: giết quái vật hay quái nhân (bóp chết con sư tử khổng lồ ở Nemea, chém rắn chín đầu ở Lernea, bắn chim ăn thịt người ở hồ Stymphale, giết kẻ nuôi ngựa ăn thịt người Diomedes, giết người khổng lồ ba đầu Geryon), bắt sống linh vật (hươu sừng vàng ở Cerynea, lợn rừng ở Erymanthe, bò mộng trắng ở Crete), làm những việc phi thường (đổi dòng con sông Alphea để dọn sạch chuồng ngựa mênh mông của Augias trong một ngày, đẩy lui đạo nữ quân Amazone để tước lấy dây lưng thần diệu mà Ares đã tặng cho nữ hoàng Hippolyte, giết con rồng trăm đầu Ladon và đánh lừa Atlas để hái táo vàng của Zeus ở vườn các tiên nữ Hesperides, xuống âm cõi bắt con chó ba đầu Cerberus).

Theo sự so sánh của Socrates, việc tìm ra một người có hiểu biết thực sự, cũng khó khăn ngang với các kỳ công kể trên.

(4) Ở đây, từ này chỉ tất cả những người làm việc bằng tay, không phân biệt như chúng ta ngày nay giữa hai giới thủ công và nghệ sĩ (họa, điêu khắc).

Thưa quý công dân Athens, chính những tìm tòi này đã khơi dậy bao oán ghét cay độc và đáng sợ nhất đối với tôi, và cũng chính từ căm thù mà những điều vu khống đã được dựng nên; đồng thời, cũng chính nhờ chúng mà tôi lại được tiếng là hiểu biết. Vì tất cả những ai đã từng nghe tôi đều tưởng rằng Socrate này biết hết mọi chuyện về những gì tôi đã chứng minh là người khác không biết. Nhưng thưa quý vị, sự thật là chỉ có vị Thần ở Delphes mới thông thái, và Ngài chỉ muốn dạy qua lời phán rằng kiến thức của con ngườ chỉ là rất ít ỏi thôi, thậm chí không là gì cả; và hiển nhiên là ở đây đâu phải Ngài nói về cá nhân tôi, mà chỉ dùng tên tôi như một thí dụ, như thể đang nói với tất cả mọi người: “Hỡi con người, kẻ thông thái nhất trong số các anh sẽ là ai tự biết rằng kiến thức của mình không là gì cả, như Socrate vậy(1)”. Tuy vững tin như thế, song để chắc chắn hơn nữa, đồng thời vâng lời Thần, tôi luôn tiếp tục cuộc tìm kiếm, hết khảo sát công dân thành quốc này đến kẻ kiều dân kia, bất kỳ ai được tiếng hay có vẻ thông thái, hy vọng một ngày kia sẽ tìm thấy ở họ sự hiểu biết đích thực; và khi không tìm ra, tôi làm kẻ diễn giải lời phán truyền của Thần, chứng minh cho từng người thấy rằng họ không thông thái như họ tưởng. Công việc ấy đã chiếm hết thời giờ, khiến tôi không còn đủ rảnh rỗi để lo được đến những việc dù là nhỏ nhặt của thành quốc hay gia đình; thế nên tôi cam sống trong cảnh cực kỳ túng quẫn, với mục đích duy nhất là tận tụy phụng sự lời Thần.

Mặt khác, nhiều thanh niên nhàn rỗi vì là con nhà giàu có đã tự nguyện đi theo Socrates, vì thích nghe tôi thử thách kẻ tưởng mình thông thái. Sau đó chính họ lại tự ý bắt chước tôi, đi tìm những người khác nữa để khảo hạch; và tôi không nghi ngờ chút nào là họ được mùa lớn, bởi vì không thiếu gì người trên đời này tưởng rằng mình hiểu biết tất cả, mặc dù thật ra chẳng hiểu bao nhiêu, thậm chí không biết gì hết. Rồi tất cả những kẻ bị lật mặt nạ là dốt nát đó, thay vì công kích lớp trẻ, quay sang đổ trách nhiệm lên đầu tôi. Họ rêu rao tướng lên rằng có tên Socrate khốn kiếp nào đó đang làm thanh niên hư hỏng. Song nếu ai hỏi tên Socrate ấy đã làm gì, dạy gì cho lớp trẻ đến nỗi chúng bị hư hỏng thì họ không biết. Để che giấu sự bối rối, họ đưa ra loại phàn nàn nghe đã nhàm tai về bất cứ ai được xem là triết gia, nào là “suy tưởng về các hiện tượng trên trời, bươi kiếm trong lòng đất”, nào là “không tin vào thần thánh”, nào là “biến chuyện xấu xa thành điều chính nghĩa”, bởi vì họ không dám thú nhận sự thật là đã bị bắt quả tang chỉ giả bộ thông thái chứ thực sự không có hiểu biết gì. Song nhờ vừa đông đảo lại mưu mẹo và hung hãn, họ đã liên tục phỉ báng tôi; như thế, từ lâu họ đã nhét đầy tai quý vị bao lời thị phi nham hiểm theo một chương trình có phối hợp và đầy tính thuyết phục. Để rồi ngày hôm nay, Meletus, Anytus và Lycon đứng ra tố tụng: đằng sau Meletus là đám văn thi sĩ, sau Anytus là các nhóm chính khách và thủ công, sau Lycon là giới biện sĩ. Bởi vậy, như tôi đã nói với quý vị ngay từ đầu, đúng là phép lạ nếu tôi có thể đánh đổ, trong một thời gian ngắn như ở đây, sự vu khống đã bám rễ lâu đời vào tâm trí của quý vị.

 

______________________________________________________________________

 

(1) Điều này không có nghĩa rằng hiểu biết của con người là không có giá trị gì cả trong nghĩa tuyệt đối, mà chỉ có nghĩa rằng nó không có giá trị gì so với hiểu biết đích thực của thần thánh. “Kẻ thông thái nhất đối với thần thánh cũng chỉ như khỉ đối với người” (Heraclitus). Do đó, con người chỉ có thể được gọi là philosophos (kẻ khao khát hiểu biết), chứ không phải là sophos (người hiểu biết), từ dành riêng cho thần thánh. Thành thử, hai thái độ tiêu biểu của philosophos là: tự biết mình không có hiểu biết, và vì vậy, đi tìm cái mình thiếu thốn. Triết lý biểu hiện sự khao khát hiểu biết ở con người; thần thánh không cần triết lý.

(2) Từ đây, Socrates xem việc “xét mình và khảo hạch người đời” là một sứ mệnh do thần Apollon giao phó. Và bởi vì đó là một sứ mệnh thiêng liêng, ông không thể nào làm khác hơn dù phải chịu chết.

(3) Trong tác phẩm này, các giới chính trị và thủ công luôn luôn được phân biệt rõ rệt, trong khi thành phần biện sĩ thường bị đánh đồng với giới chính trị. Đó là bởi vì: nền chính trị của Athens thời đó chủ yếu dựa trên thuật miệng lưỡi.



Sửa bởi Jimmyboy de Playstar - 13-May-2009 lúc 12:52pm

Thưa quý công dân Athens, đấy là sự thật, tất cả sự thật. Socrates tôi đã không giấu giếm, ngụy trang gì cả, mặc dù biết thừa rằng những điều tôi nói ra chỉ tổ làm họ oán ghét tôi thêm; song chính sự thù ghét này là chứng cớ rằng tôi đã nói thật, và không nhầm lẫn chút nào về những lời phỉ báng cũng như nguồn gốc của chúng. Quý vị có thể tự thuyết phục dễ dàng như thế, nếu chịu khó điều tra sâu hơn, bây giờ hoặc sau này.

Về những kẻ buộc tội Socrates tôi đầu tiên, thiết tưởng tự biện vu(1) như thế đã khá đầy đủ; giờ đến lúc tôi phải cố trả lời nhóm người buộc tội tôi gần đây cùng với Meletus, người hiền lành và công dân tốt của thành quốc như ông ta tự nhận. Hãy đọc lời khai của họ y như ta đã làm với nhóm trước; đại khái nó nói như sau: “Socrates có tội đã làm hư hỏng thanh niên, có tội chẳng những không tôn thờ mà còn thay thế các vị thần của thành quốc bằng ngoại thần”. Đấy là bản cáo trạng; chúng ta thử lần lượt xem xét từng điểm một.

Theo Meletus, tôi có tội đã làm hư hỏng thanh niên. Riêng tôi, thưa quý đồng hương Athens, tôi nói chính Meletus mới là kẻ có tội: tội lấy chuyện nghiêm trọng làm trò đùa, và hàm hồ lôi người khác ra trước công lý để giả bộ như hết sức quan tâm đến những chuyện mà thật ra y chẳng bao giờ lưu ý. Và tôi sẽ cố gắng chứng minh tức thì với quý vị rằng sự thật quả là như thế.

 

_____________________________________________________________________

 

(1) Biện vu: “Biện bạch lời người ta vu bậy cho mình”. (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, NXB Trường Thi, Sài Gòn, 1957)


Socrates: Lại đây Meletus, và trả lời tôi(1). Có phải ông hết sức quan tâm đến việc làm sao cho thanh niên thành quốc ta trở nên đức hạnh(2) tột cùng chăng?

Meletus: Đúng thế.

Socrates: Nếu thật vậy, xin ông nói cho toà nghe ai là người có thể làm cho thanh niên đức hạnh hơn đi. Hẳn là ông phải biết thôi, bởi vì đấy là chuyện ông luôn luôn tha thiết mà. Ông cho rằng ông đã phát hiện ra kẻ làm cho lớp trẻ hư hỏng, đã tố cáo hắn trước tòa, vậy thì bây giờ ông phải chỉ ra được ai là người có khả năng làm cho thanh niên ta đức hạnh hơn chứ. Nói nghe đi Meletus… Thấy chưa, ông không mở miệng trả lời được, đấy không phải là bằng chứng hiển nhiên rằng ông chưa bao giờ bận tâm đến việc giáo dục tuổi trẻ hay sao? Nhưng mà thôi, Meletus khả kính ạ, tôi hỏi lại: ai là người có thể làm cho thanh niên ta đức hạnh hơn, nói cho mọi người nghe đi.

Meletus: Luật pháp.

Socrates: Đấy không phải là câu tôi hỏi, Meletus ạ. Câu tôi hỏi ông là: Ai? Người nào? Tất nhiên, điều đầu tiên người ấy phải biết là pháp luật.

Meletus: Những người mà ông thấy ở đây, những người đang xử tội ông đấy, Socrates.

Socrates: Ông nói sao, Meletus? Những người ngồi xử đây đều có khả năng dạy dỗ lớp trẻ và làm cho chúng đức hạnh hơn à?

Meletus: Chắc chắn.

Socrates: Tất cả mọi người hay là trong số các vị ngồi xử đây, có người làm được, có người không làm được?

Meletus: Tất cả.

Socrates: Tuyệt vời, xin Hera chứng giám(3)! Ông đã tìm ra cho thành quốc một số khổng lồ các nhà giáo giỏi. Nhưng mà thôi, ta tiếp tục. Tất cả các công dân đang nghe ta đây, họ cũng có khả năng làm cho thanh niên đức hạnh hơn, hay không?

Meletus: Họ cũng có khả năng ấy.

Socrates: Thế còn các vị đại biểu thành quốc?

Meletus: Cả các đại biểu thành quốc nữa.

Socrates: Thế thì, Meletus ạ, tất cả những ai tham dự Đại hội Quốc dân(4) đều có thể làm thanh niên hư hỏng, hay là cả họ nữa cũng đều có khả năng làm cho lớp trẻ đức hạnh hơn?

Meletus: Họ đều có khả năng ấy hết cả.

Socrates: Như vậy, theo ông, mọi công dân Athens đều hữu ích cho tuổi trẻ cả, trừ tôi. Chỉ có Socrates là làm thanh niên hư hỏng, có phải ông nói thế không?

Meletus: Đích xác như thế.

Socrates: Thật là bất hạnh cho tôi, nếu quả đấy là sự thật. Nhưng hãy trả lời tiếp đi. Theo ông, nếu không phải là người mà là là ngựa chẳng hạn, thì sự thể có còn như thế không? Phải chăng tất cả mọi người đều có khả năng làm cho chúng khoẻ đẹp hơn, và chỉ một người là có bí quyết làm chúng hư đốn? Hay là ngược lại? Chỉ có một người hay một số ít người là có khả năng đào tạo tuấn mã thôi, nói cụ thể là kẻ nuôi ngựa? Còn bao người khác, khi cưỡi ngựa hay dùng chúng vào bất kỳ việc gì, đều chỉ làm chúng hư đốn đi? Phải chăng không chỉ đối với ngựa mà ngay cả đối với các gia súc khác cũng đều như vậy? Nhất định là phải như thế thôi, Anytus và Meletus ạ, dù các ông có đồng ý hay không. Và thật ra, quả là hạnh phúc biết bao cho thanh niên, nếu thật sự chỉ có một người có thể làm chúng hư hỏng, trong khi tất cả mọi người khác đều có khả năng làm chúng đức hạnh hơn. Nhưng mà thôi, Meletus; ông đã chứng minh khá đầy đủ rồi. Những phát biểu của ông vừa nói rõ ràng rằng ông chẳng tha thiết gì với thanh niên, mà cũng chưa bao giờ bận tâm về chuyện giáo dục mà ông đã mượn danh nghĩa để truy tố tôi.

Hơn nữa, nhân danh Zeus(5), xin ông trả lời tôi câu hỏi này, Meletus: sống với người tốt hay sống với kẻ xấu, đằng nào lợi hơn(6)? Câu hỏi chẳng có chi là khó, trả lời tôi đi ông bạn. Có phải kẻ xấu bao giờ cũng gây hại, trong khi người tốt luôn luôn làm lợi cho người chung quanh chăng?

Meletus: Đúng thế.

Socrates: Như vậy, có ai thích nhận thiệt hại hơn là lợi ích từ những người mà mình giao thiệp hay không? Trả lời đi Meletus, như luật pháp bắt buộc ông. Có ai thích nhận chuyện dữ hơn là điều lành chăng?

Meletus: Không. Chẳng có ai cả.

Socrates: Xem nào, thế khi ông kết tội tôi làm thanh niên hư hỏng, hung ác, ông nói là tôi đã cố ý hay vô tình làm thế?

Meletus: Cố ý. Tôi tin chắc như vậy.

Socrates: Thế là thế nào, Meletus? Ở tuổi ông, sự khôn ngoan đã vượt xa Socrates già đời này, đến độ ông còn biết rằng kẻ hung ác bao giờ cũng gây hại và người hiền lành luôn luôn làm lợi cho bạn bè và thân nhân, trong khi tôi lại ngu muội đến mức không hiểu rằng khi mình làm cho kẻ khác hung ác thì chắc chắn phải chờ đợi bị hắn hãm hại lại, và chẳng những thế tôi còn cố ý gieo gió để gặt bão, làm hư hỏng lớp trẻ để bị làm hại lại một cách hoàn toàn ý thức nữa kia! Điều này, không chỉ một mình tôi mà chẳng ai trên đời này có thể tin ông nổi, Meletus ạ. Hoặc tôi không làm thanh niên hư hỏng, hoặc nếu tôi làm thì đấy chỉ là chuyện ngoài ý muốn và ngoài sự hiểu biết của tôi; trong cả hai trường hợp, ông là kẻ khai man. Nếu tôi vô tình làm thanh niên hư hỏng, luật pháp không trừng phạt loại lỗi lầm không có chủ tâm mà chủ trương gọi kẻ phạm lỗi ra để cảnh cáo và giáo hóa, bởi vì nếu được khuyên răn, hẳn tôi sẽ hết làm điều xằng bậy mà không biết. Đằng này, thay vì tìm gặp tôi để dạy bảo, ông lại lôi cổ tôi ra toà, nơi luật pháp chỉ xét xử kẻ đáng bị trừng phạt chứ không phải những ai chỉ cần quở trách.

Thưa quý đồng hương Athens, đấy là chứng cớ đủ hiển nhiên về điều tôi nói ban nãy: Meletus chưa bao giờ bận tâm về các vấn đề này. Dù sao, tôi cũng muốn biết thêm. Nói chúng tôi nghe đi, Meletus, tôi đã làm thanh niên hư hỏng bằng cách nào? Có phải bằng cách xúi giục họ không nhìn nhận và thay thế các thần linh của thành quốc bằng tà thần ở nơi khác, như được ghi lại trong đơn kiện của ông không?

Meletus: Chính thế.

Socrates: Meletus, nhân danh ngay chính các vị thần đang nói đây, hãy giải thích rõ ràng hơn một chút cho tôi và cả toà nghe, bởi vì tôi chưa hiểu ông buộc tôi tội gì. Tội đã dạy rằng một số thần thánh có thật – trong trường hợp này, tôi không vô thần, và không thể mắc tội vô thần – song không phải là các thần linh mà thành quốc ta thờ. Hay tội chẳng những đã tin không có thần thánh, mà còn dạy kẻ khác đừng công nhận bất kỳ thần linh nào?

Meletus: Tôi buộc tội ông không công nhận bất cứ thần thánh nào cả.

Socrates: Tuyệt vời! Tại sao ông nói thế, Meletus! Há tôi không tin như mọi người rằng Mặt trời, Mặt trăng đều là thiên thần cả hay sao(7)?

Meletus: Xin Zeus chứng giám, tôi thề! Không, thưa quý vị thẩm phán, hắn hoàn toàn không tin; bởi vì hắn nói Mặt trời là đá, còn Mặt trăng là đất.

Socrates: Ông tưởng mình đang buộc tội Anaxagoras(8) hay sao, Meletus? Ông khinh thường các vị thẩm phán của ông quá, nếu ông tưởng họ dốt đến mức không biết rằng trong các cuộn giấy  của Anaxagoras xứ Clazomenae đầy những khẳng định tương tự. Hơn nữa, ông còn tưởng tượng rằng lớp trẻ nô nức kéo nhau đến học ở Socrates thứ lý thuyết mà chỉ cần trả chưa tới 1 dramae chúng đã có thể nghe đọc ngay tại sân khấu quảng trường bất cứ lúc nào(9), lại còn có cơ hội chế giễu Socrates này nữa chứ, nếu tôi dám nhận vơ loại ý kiến phi lý đến kỳ cục đó là của mình. Nhưng mà, xin Zeus chứng giám, ông cho rằng tôi không công nhận bất cứ thần thánh nào thực à?

Meletus: Đúng. Nhân danh Zeus, tôi thề là ông không công nhận thần thánh nào cả.

Socrates: Những điều ông vừa nói quả khó tin, Meletus; tôi có cảm tưởng rằng chính ông cũng không tin nổi. Thưa quý công dân Athens, đối với tôi, Meletus là kẻ liều lĩnh và xấc láo: do sự bồng bột và thiếu kiềm chế của tuổi trẻ, y đã đặt chuyện buộc tội để lăng nhục tôi. Chắc y đến đây nhằm thử thách tôi bằng một câu đố, tự nhủ trong đầu: để coi thử xem Socrate, kẻ được tiếng là hiểu biết có nhận ra rằng tôi đang bỡn cợt, đang nói năng ngược ngạo, hay là tôi có thể lừa được cả hắn lẫn những người nghe khác. Bởi vì thực sự là y đã tự mâu thuẫn hoàn toàn trong lời buộc tội, như thể là y đã nói: Socrate mắc tội không tin là có thần thánh, đồng thời Socrate mắc tội tin rằng có thần thánh. Như thế mà không phải là bỡn cợt sao?

Xin quý vị hãy theo dõi, và cùng tôi xét xem vì sao tôi nghĩ rằng y mâu thuẫn. Trả lời đi, Meletus; riêng quý vị, như tôi đã yêu cầu ngay từ đầu, xin hãy chịu khó nghe tôi phát biểu theo lối nói thường ngày của tôi. Nói chúng tôi nghe đi, Meletus: trên đời này, có ai tin rằng có những chuyện liên hệ đến con người mà lại không có con người chăng? Xin quý tòa ra lệnh cho y phải trả lời thay vì né tránh ồn ào như thế. Có ai tin rằng có thuật nuôi ngựa mà không có ngựa chăng? Có tiếng sáo mà không có người thổi sáo chăng? Bởi vì ông không chịu mở miệng, tôi nói thay ông vậy. Chẳng có ai cả, Meletus ạ. Xin trả lời, cho ông và với toàn thể cử tọa như thế. Hãy trả lời thêm câu hỏi này nữa: có ai tin vào chuyện quỷ thần(10) mà không tin là có quỷ thần chăng?

Meletus: Chắc là không.

Socrate: Cám ơn ông đã trả lời, mặc dù thật là khó nhọc, dưới sự bắt buộc của tòa! Như vậy, ông đồng ý rằng Socrates có công nhận và dạy dỗ chuyện quỷ thần: dù đã xa xưa hay mới đây không thành vấn đề, cái chính là theo ông, tôi đã bàn về mãnh lực quỷ thần, ông đã viết và thề độc như thế trong cáo trạng. Nhưng nếu công nhận hiệu lực của quỷ thần, thì tất yếu cũng phải công nhận là có quỷ thần chứ, phải không? Vâng, nhất định như thế thôi. Ông im lặng là thừa nhận rồi. Thế mà, có phải chúng ta đều xem quỷ thần như thần linh hay con cháu thần thánh chăng? Ông có đồng ý không nào?

Meletus: Đồng ý.

Socrates: Rốt cuộc, bởi vì tôi công nhận là có quỷ thần theo lời khai của chính ông, và bởi vì quỷ thần đều là thần linh, đấy là bằng chứng của điều tôi nói: ông đến đây để thách đố và giải trí trên sự hao tâm tổn sức của Socrates, vừa quả quyết rằng tôi không tin là có thần thánh, vừa xác nhận rằng tôi tin là có thần thánh, bởi vì tôi tin là có quỷ thần. Và nếu quỷ thần là con cháu của thần thánh – dù là con hoang của các vị với loài tiên, loài tinh, hay ngay cả người thường như ta nói –, ai có thể tin được rằng có con cháu thần thánh mà lại không có thần thánh? Nó cũng phi lý như tin rằng có giống la do lừa với ngựa đẻ ra, mà lại không có cả ngựa lẫn lừa! Như thế, thật khó tin nổi rằng ông đã không đặt chuyện kiện cáo này ra, hoặc để thử thách tôi, hoặc vì không tìm ra được một lý do chính đáng nào khác. Bởi vì làm sao ông có thể thuyết phục được bất cứ ai chưa hoàn toàn ngớ ngẩn rằng cùng một người lại có thể vừa tin là có những biểu hiện của quỷ thần và thần thánh, lại vừa đồng thời quả quyết rằng không có cả thần thánh, quỷ thần lẫn các bán thần là anh hùng? Đời nào ông làm được, Meletus.

 

______________________________________________________________________

 

(1) Với lời mời gọi này, cuộc khảo hạch của Socrates bắt đầu. Và như thường lệ, Meletus phải lần lượt trả lời các câu hỏi để cuối cùng, hoặc sẽ rơi vào những kết luận phi lý, hoặc tự mâu thuẫn với chính mình (Elenchos – phương pháp biện chứng ba hồi – chất vấn, xem xét và phản bác – phần chất vấn bao gồm cả nghệ thuật chất vấn lương tâm).

(2) Từ Hy Lạp “arete”, thường được dịch là “virtue” và “vertu”, chỉ sự hoàn hảo trong một chức năng, dù chủ thể của nó là sinh vật hay sự vật. Chẳng hạn, “arete” của cái kéo là sự xẻ cắt, của mắt là thấy, của thẩm phán là xét xử công chính; của con người là sự hiểu biết, lòng can đảm và tính tự chủ. Do đó, chúng tôi nghĩ “arete” có thể được dịch ra tiếng Việt là “phẩm hạnh” hay “đức hạnh” nói chung. Và phẩm hạnh hay đức hạnh ở con người là trở thành người và công dân tốt, như ta có thể đoán được khi Socrates hỏi Callias về việc giáo dục hai đứa con của ông ta: “Bạn đã quyết tâm giao chúng cho ai chưa? Ai có thể dạy dỗ chúng nên người và thành công dân tốt?”.

(3) Hera là chị và là vợ thứ ba của Zeus. Nữ thần của hôn nhân hợp thức, hộ thần của sự mắn đẻ và sản phụ; Hera có với Zeus bốn người con: Ares (thần Chiến tranh), Hebe (nữ thần Tuổi xuân), Eris (nữ thần Bất hòa) và Eileithyia (nữ thần Sinh đẻ), và một đứa con tự sinh là Hephaestus (thần Lửa, thần Thợ rèn). Xinh đẹp, duyên dáng, song lại rất khó tính và cực kỳ hay ghen, Hera không ngừng quấy phá tình địch và các hậu duệ của họ. Khi thề thốt, phụ nữ Hy Lạp thường gọi tên Hera; Socrates nhiều khi cũng gọi tên Hera để thề, hàm ý ngưỡng mộ mỉa mai.

(4) Đại hội Quốc dân được nói tới ở đây là “Ekklesia”, định chế nền tảng của nền dân chủ trực tiếp ở Athens.

(5) Zeus là vua của các thần trên đỉnh Olympyus, vì khi chia quyền với hai anh, Zeus được cõi trời và không khí, Poseidon được vùng biển, còn Hades thì cai quản phần dưới mặt đất. Từ đỉnh Olympus, Zeus can thiệp vào chuyện thế gian, trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian đàn con, được sinh ra hoặc với các nữ thần (Dione, Eurynome, Leto, Maia, Metis, Mnemosyne, Themes, kể cả các người chị là Demeter, Hera), hoặc với các tiên nữ hay cả người phàm (Aegina, Alcmene, Antiope, Callisto, Danae, Electra, Europa, Io, Laodamia, Leda, Niobe, Semele, Taygete…). Khi thề thốt, người Hy Lạp thường gọi tên Zeus như Socrates ở đây.

(6) Ở Athens thời đó, điều lành được liên hệ với lợi ích. Lành là điều mang lại lợi ích, và dữ là điều tước đoạt hay ngăn cản lợi ích. Từ đó, có vấn đề: “đâu là lợi ích thực sự”, và cuối cùng, quan điểm điều lành là cái góp phần mang lại hạnh phúc, được hiểu như mục đích tối hậu của đời người.

(7) Theo tín ngưỡng bình dân ở Athens đương thời, Mặt trời và Mặt trăng đều được xem là thần linh, dù không được thờ phụng.

(8) Anaxagoras (499 tr.CN. – 428 tr. CN.): nhà toán học, thiên văn và triết gia. Gốc gác ở Iona, ông được xem như người đã mang triết học đến Athens vào khoảng năm 480 tr.CN.. Anaxagoras định cư ở đây suốt 30 năm, và thuộc nhóm bạn trí tuệ thân cận với Pericles, khi nhà quân sự và chính trị lớn nhất Athens thời đó lên nắm quyền và biến Athens thành trung tâm chính trị và văn hóa của toàn Hy Lạp. Do đó, Anaxagoras cũng bị phe đối lập với Pericles thù ghét, và cuối cùng bị bỏ tù rồi đuổi khỏi thành quốc, vì tội đã giải thích các hiện tượng thiên văn bằng loại luận cứ vật lý (Mặt trời không phải thần linh mà là một “hòn đá nóng đỏ” khổng lồ, Mặt trăng chỉ là mảng đất to phản chiếu ánh sáng Mặt trời, v.v…), chứng tỏ sự bất kính đối với các thần thánh nơi ông cư ngụ. Dù hầu hết tác phẩm của Anaxagoras đã mất, ngày nay ông vẫn được coi là một trong những triết gia cổ đại có tư tưởng gần với thời hiện đại nhất.

(9) Thời ấy, việc đọc sách to trước khán thính giả có lẽ phổ biến hơn lối đọc yên lặng một mình. Do đó, theo hầu hết các bản dịch, câu này chỉ việc đọc sách công cộng trên sân khấu ở quảng trường.

(10) Từ “daemon” ở đây thường được dịch là “demon” (tiếng Anh) hay “démon” (tiếng Pháp) và “quỷ thần”. Nhưng cần phân biệt “deamon” của thần thoại Hy Lạp với “daemon” của Do Thái – Kito giáo sau này.Ở Hy Lạp cổ, “daemon” nằm giữangười với các vị thần Olympus, như một loại thần linh thấp hơn, có khi gắn liền với thành quốc, có khi chỉ tác động trên một cá nhân như một thứ hộ thần; do đó, không nhất thiết phải thuộc loài yêu quái hung ác có năng lực cưỡng chiếm, tác hại rồi sai khiến hồn người như trong Do Thái – Kito giáo. Vì thế, dịch “daemon” ra tiếng Việt là “thiên thần” hay “quỷ thần” đều được cả, với điều kiện phân biệt như trên. Socrates cho rằng có một “daimonion” (tiểu quỷ) như thế, thường nói văng vẳng bên tai, ngăn cản ông làm điều sai trái (tuy không bao giờ nói hay bắt ông phải làm gì đích xác), đôi khi báo trước chuyện sẽ xảy ra với một độ chính xác cao hơn tất cả các hình thức bói toán đương thời. “Daimonion” ngày nay mang tên khác là “lương tri”.

Thưa quý công dân Athens, tôi không cần phải tự bênh vực lâu hơn nữa. Đối với tôi, điều vừa phát biểu đã đủ để chứng minh rằng cáo trạng của Meletus là không có cơ sở, và tôi hoàn toàn vô tội. Còn về điều tôi đã thưa với quý vị ngay từ đầu – rằng tôi là nạn nhân của rất nhiều oán thù còn sôi sục – xin quý vị cứ tin thật như thế cho; và điều gây hiểm họa cho tôi nếu chẳng may bị kết án, sẽ không phải là cá nhân Meletus hay Anytus, mà chính là bệnh ganh ghét và tật phỉ báng, vu khống đã từng hãm hại bao công dân tốt, và sẽ còn làm hại nhiều người khác nữa, bởi vì không hy vọng gì tai ương này sẽ ngừng lại ở tôi.

Có thể trong số quý vị, ai đó sẽ hỏi: “Ông không xấu hổ đã đeo đuổi một sự tìm tòi ngày nay đang đặt ông trước nguy cơ mất mạng hay sao, Socrates?

Tôi có thể đối đáp rất hợp lý với vị nào đặt ra bắt bẻ ấy: “Ông bạn nhầm rồi, nếu ông tin rằng một người có chút giá trị nào đó phải biết cân nhắc may rủi sống chết, thay vì chỉ tự vấn lương tâm xem mình đã hành động công chính hay không, đã hành động như người tốt hay kẻ xấu trong mọi việc làm. Cứ nghe theo ông thì tất cả các vị bán thần đã chết trong trận vây hãm thành Troy(1) đều dại dột cả, đặc biệt là Achilles(2) con của Thetis(3) và Peleus(4), khi ông ta xem cái chết nhẹ tựa lông hồng so với nỗi sống nhục. Nữ thần mẹ ông, khi thấy con nóng nảy tìm giết Hector(5), đã nhắc khéo bằng những lời sau, nếu tôi nhớ đúng: ‘Con ơi, nếu con giết Hector để trả thù cho Patroclus(6), con cũng sẽ chết ngay sau đó, vì đấy là cái số phận đang chờ đợi con’. Lời tiên tri ấy không ngăn cản ông vào sinh ra tử; rồi sợ sống hèn vì không trả thù bạn hơn tất cả, Achilles đã gào thét: ‘Cho tôi chết ngay tại đây, miễn sao trừng phạt được kẻ đã giết Patroclus, thay vì cứ còng lưng ngồi chờ trên mũi thuyền, làm trò cười cho thiên hạ, làm một gánh nặng vô ích trên mặt đất(7)’. Theo ông, cư xử như thế là lo sợ trước hiểm nguy và cái chết chăng?

 

______________________________________________________________________

 

(1) Cuộc chiến tranh 10 năm giữa liên minh Hy Lạp và thành Troy được nhiều người tin rằng đã xảy ra vào khoảng từ năm 1300 tr.CN. đến năm 1200 tr.CN. Trong thần thoại, nó xuất phát từ chuyện nàng Helen bị hoàng tử Paris quyến rũ hay bắt cóc mang về Troy, với sự đồng lõa của nữ thần Aphrodite. Helen là con rơi của Zeus với người phàm Leda, vợ vua Tyndareus xứ Sparta. Với sắc đẹp tuyệt trần, Helen là đối tượng hỏi cưới của hầu hết vua chúa, hoàng tử, anh hùng… của toàn cõi Hy Lạp. Để tránh sự bất hòa và quấy phá sau đó của những kẻ không cưới được người đẹp, theo diệu kế của Odysseus và dưới danh nghĩa của Helen, vua cha Tyndareus cho mời tất cả những kẻ cầu hôn đến để nàng chọn, song trước đó bắt họ phải thề độc sẽ đoàn kết cùng nhau bảo vệ cuộc hôn nhân của Helen với bất cứ ai sẽ được nàng chọn. Helen chọn Menelaus (hai anh em Agamemnon và Menelaus lúc đó đang tị nạn tại Sparta, vì cha là Atreus đã bị soán ngôi vua xứ Mycenae). Nhưng cũng vì “lời thề Tyndareus” này, hành động quyến rũ hay bắt cóc hoàng hậu Helen bị xem như một thách thức cho toàn khối Hy Lạp, mà Menelaus (lúc đó đã trở thành vua xứ Sparta) với Agamemnon (lúc đó đã giành được lại ngôi vua xứ Mycenae) mới triệu tập được một liên minh quân sự đi chinh phạt thành Troy.

(2) Achilles là con của Peleus (người phàm, vua dân Myrmidons) với tiên nữ Thetis. Để con thành bất tử, Thetis đã nắm chân đứa bé nhúng xuống sông Styx (con sông dưới âm phủ trong thần thoại Hy Lạp); nhờ sự mầu nhiệm của nước sông, Achilles không thể bị đả thương ở bất cứ nơi nào khác ngoài gót chân là nơi tay mẹ nắm. Khi Achilles lên 9, nhà tiên tri Calchas phán rằng quân Hy Lạp không thể nào lấy được thành Troy nếu không có Achilles, song Achilles cũng sẽ tử trận ngay dưới chân thành. Để bảo vệ con, Thetis bắt Achilles giả gái rồi gửi gắm cho vua Lycomedes nuôi chung với các công chúa con vua trên đảo Scyros; ở đây, Achilles ăn nằm với nàng Deidameia và sinh một con trai đặt tên là Neoptolemus, sau gọi là Pyrrhus. Vì lời tiên tri của Calchas, quân Hy Lạp lùng kiếm Achilles cùng khắp, cuối cùng Odysseus dùng mẹo giấu vũ khí trong số y phục và đồ trang sức của phụ nữ, phát hiện ra Achilles dưới tên Pyrrha, vì cô gái giả này chỉ say mê ngắm nghía các món binh khí! Từ đó, Achilles tự nguyện theo Odysseus đi đánh thành Troy, và trở thành vị tướng dũng mãnh nhất của đạo quân chinh phạt.

(3) Thetis là một trong 50 hải nữ Nereids, con của lão hải thần Nereus với ngư nữ Doris (con của hai vị thần hải dương Oceanus và Tethys thuộc thế hệ các thần khổng lồ Titans, trước thế hệ các thần ở Olympus). Zeus và Poseidon đều ham muốn Thetis nhưng đành bỏ cuộc vì một lời tiên tri: đứa con trai nàng Thetis sinh ra sau này sẽ vĩ đại hơn bố gập bội! Zeus dàn xếp để Thetis phải lấy một người phàm là Peleus. Bữa tiệc cưới trên núi Pelion là đầu mối của một tai họa: dù bị quên mời, nữ thần Bất hòa Eris vẫn đến, ném quả táo vàng với dòng chữ “tặng người đẹp nhất” vào giữa đám các nữ thần đang vui đùa. Hera, Athena và Aphrodite đều thấy mình đẹp nhất, nhờ Zeus làm trọng tài. Sợ thiên đình mang họa, Zeus lấy cớ đây là loại câu hỏi dành cho người phàm, sai Hermes đưa các nữ thần xuống hỏi kẻ chăn cừu dưới chân núi Ida ở Phrygia. Người này không ai khác hơn là hoàng tử Paris thành Troy, bị vua cha là Priam định giết, vì theo điềm báo mộng của hoàng hậu Hecuba, Paris sẽ là đứa làm mất nước, song kẻ nhận lệnh lại không nỡ nên đem bỏ nơi đây. Lúc ấy, Paris đang sống với tiên nữ Oenone (con của Cebren, một thần sông), kẻ được Rhea truyền cho tài tiên tri và Apollo dạy chữa lành mọi vết thương. Để lung lạc Paris, cả ba nữ thần đều hứa sẽ trả ơn chàng nếu được bầu là người đẹp nhất, Hera bằng quyền thế chính trị, Athena bằng tài thao lược quân sự, Aphrodite bằng tình yêu của người đàn bà đẹp nhất. Paris dưa quả táo cho Aphrodite, chuốc lấy sự thù hận của Hera và Athena, đồng thời vĩnh viễn khép chặt cánh cửa định mệnh của mình và của thành quốc. Do sự dẫn dắt của Aphrodite, Paris được chị là Cassandra nhận ra, được vua cha cho trở về hoàng cung, và cuối cùng được gửi đi sứ sang Sparta để gặp người đẹp Helen.

(4) Peleus là con vua Aeacus xứ Aegina (xem đoạn liên hệ bên dưới) với tiên nữ Endeis (con của nhân mã Chiron), và là anh em với Telemon, bố của Ajax.

(5) Hector là con trưởng của vua Priam thành Troy với hoàng hậu Hecuba, và là anh của Paris. Trong Iliad, Hector là vị tướng anh hùng và cao thượng nhất, đồng thời là người mẫu mực nhất đối với vợ con. Khác với Achilles là kẻ đi tìm vinh quang trong chiến tranh, Hector chỉ chiến đấu để bảo vệ quê hương và gia đình mình. Câu Hector mắng Poludamas: “Hãy chiến đấu cho tổ quốc của mi, vì đấy là điềm lành đầu tiên và duy nhất mà mi có!”, và lời hiệu triệu quân đội: “Tôi chỉ tuân thủ ba điều luật này trong đời: thờ thần, yêu vợ và giữ nước!” tóm tắt khá đầy đủ nhân cách vị tướng này. Tuy nhiên, Hector cũng có cùng một nhược điểm như Achilles: lòng tự ái thái quá đến mức đôi khi trở thành nguy hại. Dù đã hạ sát nhiều tướng địch hơn cả Achilles (28 so với 24), và được quân dân xem như thành lũy (vì lời tiên tri rằng khi nào Hector còn sống thì thành Troy còn đứng vững), cuối cùng, đúng như số mạng dã định, Hector cũng bị Achilles giết chết, đánh dấu ngày tàn của thành quốc.

(6) Patroclus là con của Menoetius (con Actor, vua xứ Opus), song không rõ với ai trong số bốn người vợ sau: Periopis, Polymele (chị cùng cha khác mẹ vói Achilles), Sthenele hay Philomena. Khi còn bé, Patroclus vô tình làm chết người bạn là Clysonymus. Để tránh bị trả thù, hai bố con đến xin tị nạn tại lâu đài của vua Peleus. Nhà vua giao việc dạy dỗ Patroclus cùng với con trai là Achilles cho nhân mã Chiron. Hai người trở thành tri kỷ (hay theo nhiều dị bản, là tình nhân), gắn bó sống chết có nhau từ đấy.

(7) Trong Iliad, khi Achilles rút về lều vì bị Agamemnon giành mất chiến lợi phẩm là nàng Briseis xinh đẹp, quân thành Troy phản công và đe dọa đốt các chiến thuyền Hy Lạp. Achilles từ chối xuất trận, song cho Patroclus mượn chiến bào và khí giới ra nghênh chiến. Patroclus đã giết được nhiều tướng địch, nhưng bị thương ở lưng và cuối cùng bị tướng Hector thành Troy giết chết. Đau đớn điên cuồng trước cái chết của người anh em họ đồng thời là tri kỷ từ thưở bé, Achilles nhất quyết phải trả thù cho Patroclus, lâm trận trở lại và giết được Hector, song cuối cùng bị tên của Paris do thần Apollo hướng dẫn (để trả thù Achilles đã giết con mình là Tenes) bắn trúng chỗ nhược duy nhất trên thân thể là gót chân, và tử thương theo đúng lời tiên tri của Calchas. Đoạn đối thoại giữa hai mẹ con Thetis và Achilles nằm ở chương XVIII của Iliad(Homere, Anh hùng ca Iliade, Hoàng Hữu Đản dịch, tiểu dẫn và chú thích, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tp HCM, 2009, tr. 558–559).

 

Thưa quý công dân Athens, thật ra ta phải hành xử như thế mà thôi. Bất kỳ ai, khi đã chọn một vị trí mà mình cho là xứng đáng nhất, hay được bề trên đặt vào đấy, theo tôi, phải bảo vệ nó đến cùng, bất kể hiểm nguy hay chết chóc mà chỉ nghĩ đến danh dự. Vì thế, thưa quý vị, tôi sẽ cư xử thật kỳ quặc, nếu sau bao lần liều mạng cố thủ như chiến binh ở các vị trí đã được giới tướng lĩnh của thành quốc đặt vào, như ở Potidaea, ở Amphipolis và ở Delium(1), nay tôi lại đào ngũ vì sợ chết hay một nguy hiểm nào khác, khi chính thần Apollo ở đền Delphes bảo tôi phải sống cuộc đời triết gia suốt phần đời còn lại, để tự xét mình và xét người, như bản thân tôi đã tin và tự giải thích như thế. Đấy mới đúng là một cách ứng xử kỳ quặc, và đấy mới đúng là lúc phải truy tố tôi ra tòa như kẻ không sùng kính, không tin là có thần thánh, không vâng lời phán của Thần, sợ chết, ngu si đần độn mà tưởng mình thông thái hiểu biết. Bởi vì sợ chết, thưa quý vị, chẳng gì khác hơn là tưởng mình biết điều mình không biết, là ảo tưởng hiểu biết chứ không phải hiểu biết thực. Thật vậy, không ai biết chết là gì, có phải là điều tốt lành nhất cho con người chăng; ấy thế mà ai cũng sợ chết, như thể đã biết chắc chắn rằng nó là điều bất hạnh nhất. Có phải đấy là sự ngu dốt đáng cho ta xấu hổ nhất không, khi tưởng rằng biết điều mình không biết? Riêng đối với tôi, có lẽ tôi chỉ khác phần lớn người trần ở điểm ấy, và nếu tôi dám nghĩ rằng mình hiểu biết hơn họ chút ít, thì đó chính là ở thái độ này: không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi lìa đời, tôi cũng không tưởng rằng mình biết chi về cõi Hades(2). Nhưng điều tôi biết chắc chắn là: sống không công chính, không nghe lời kẻ hơn mình dù là thần hay người, là trái với bổn phận và danh dự. Đấy mới là điều xấu xa mà tôi sợ và tìm cách trốn tránh, bởi vì tôi biết rõ là nó xấu xa, chứ không phải những điều giả định là xấu xa trong khi có thể thực sự là tốt lành.

Vì thế, ngay cả trong trường hợp quý vị tha bổng tôi bây giờ, thay vì nghe theo chọn lựa mà Anytus đã đặt ra cho quý vị: hoặc đừng bao giờ truy tố Socrates, hoặc nếu đã lôi hắn ra tòa thì phải kết án tử chứ đừng để thoát; bằng không thì chính con cháu quý vị, từ lâu đã gắn bó với học thuyết Socrates như thế, chắc chắn sẽ ngày càng hư hỏng thêm, vô phương cứu chữa(3). Nếu quý vị nói với tôi: “Này Socrates, chúng tôi bác bỏ luận điệu của Anytus và trả tự do cho ông, với điều kiện là: hoặc từ nay ông phải ngừng triết lý, bỏ thói quen tìm tòi chất vấn; hoặc ông sẽ bị xử tử, nếu vẫn quen tật cũ mà bị phát hiện trở lại.” Vâng, nếu quý tòa phóng thích tôi với những điều kiện như trên, tôi sẽ trả lời không chút đắn đo: “Thưa quý công dân  Athens, tôi kính yêu quý vị, nhưng tôi quyết vâng lời Thần hơn là tuân lệnh quý vị, và khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyến cáo quý vị, nói với bất cứ ai gặp gỡ trên đường bằng ngôn ngữ quen thuộc: ‘Này bạn, là công dân Athens, thành quốc tăm tiếng và lớn mạnh nhất về tinh thần cũng như vật chất, bạn không hổ thẹn khi chỉ lo làm giàu, tìm kiếm danh vọng mà xem thường việc trau dồi hiểu biết, tu dưỡng tâm hồn với phẩm hạnh hay sao?’”(4) Và nếu có ai cho rằng mình vẫn luôn luôn chăm lo việc học hỏi và phẩm hạnh, tôi sẽ không vội tin lời anh ta, rồi không rời y một bước, tôi sẽ hỏi han, xem xét, thử thách anh ta, và nếu tôi phát hiện ra rằng y chỉ giả bộ chứ không có chút phẩm hạnh nào, tôi sẽ làm cho anh ta phải xấu hổ vì đã đánh giá quá thấp những điều cao quý nhất, và quá cao những chuyện phù phiếm(5). Tôi sẽ làm như thế với bất cứ ai tôi gặp, dù trẻ hay già, công dân Athens hay ngoại kiều, nhưng nhất là với các công dân, bởi vì quý vị là đồng bào của tôi. Và xin quý vị hiểu cho: đấy là lệnh của vị Thần ở đền Delphes, và tôi tin rằng không thể có lợi ích nào lớn hơn cho thành quốc ta bằng nhiệt tình thực hiện lời Thần của Socrates.

 

______________________________________________________________________

 

(1) Socrates đã tham gia vào cuộc chiến tranh giữa Athens với Sparta (431 tr.CN. – 404 tr.CN.) và đồng minh như là một bộ binh (hoplite), và đã chiến đấu rất dũng cảm. Trận Potidaea xảy ra vào năm 432 tr.CN., lúc Socrates khoảng 37 tuổi; ở đây, ông đã cứu sống được Alcibiades. Trận Delium xảy ra vào năm 424 tr.CN., Socrates thoát chết dù đã 45 tuổi, trong khi gần 1.000 quân Athens (thời đó là một con số khổng lồ) bỏ mạng trên chiến địa; trong trận này, Alcibiades đã cứu sống lại triết gia. Về trận Amphipolis, do không có dấu vết gì trong các bản đối thoại của Plato, các chuyên gia do dự giữa hai thời điểm là năm 436 tr.CN. hoặc 422 tr.CN., dù đa số thiên về thời điểm trước, vì vào năm 422 tr.CN., tuổi Socrates đã quá cao để còn có thể bị động viên.

(2) Hades là vị thần cai quản âm thế, nên Hades cũng đồng thời là tên của cõi âm. Theo Homere, Hades nằm ở nơi không có Mặt trời, một truyền thuyết khác đặt nó ở trung tâm Trái đất, được nối liền với dương thế bằng một hệ thống hang động, thăm thẳm và năm con sông lớn: Acheron (Sầu não), Lethe (Lãng quên), Cocytus (Rên rỉ), Phlegethon hay Pyriphlegethon (Lửa đỏ) và Styx (Hận thù). Một người lái thuyền tên là Charon đưa các linh hồn qua đầm Acheron, và tùy hoàn cảnh, những con sông khác, đổi lấy mảnh obolus mà xác chết ngậm trong miệng (đồng tiền do thân nhân dặt vào miệng trước khi chôn cất). Như âm cõi, Hades có nhiều tầng và là nơi những bóng ma hay linh hồn sẽ bị xét xử, trừng phạt hoặc ban thưởng bởi ba quan tòa là Minos, Rhadamanthys và Aeacus: hồn người tốt lành sẽ được đưa đến Elysium (Phúc đảo hay Lạc trường), kẻ thường tình sẽ ở lại cánh đồng Asphodel, còn kẻ xấu ác sẽ bị đày sâu xuống tận Tartarus (Địa ngục muôn đời tăm tối, với cửa sắt then đồng, nơi mà “khoảng cách tới Hades cũng xa như giữa Trời với Đất” ‘Homere’). Hades cai quản âm cõi một cách tàn nhẫn và không nhân nhượng: với sự giúp đỡ của vợ là Persephone, tên lái đò Charon và con chó Cerberus ba đầu cổ quấn rắn độc, y không để cho bất cứ ai đã xuống đấy có thể trở lên dương thế.

(3) Theo nhiều dịch giả, những lời trên được trích dẫn từ một diễn từ của Anytus, theo đó có lẽ tác giả của nó cố ý hăm dọa, đồng thời gợi ý cho Socrates bỏ trốn khỏi thành Athens trước khi bị mang ra xử.

(4) Sự liệt kê này phù hợp với học thuyết của tác giả về ba phần của tâm hồn: phần ham muốn sẽ đi tìm của cải, phần hung hăng đi tìm danh vọng và phần lý trí đi tìm kiến thức. Phần đông người đời mưu cầu hai món đầu, chỉ có triết gia là trăn trở với sự hiểu biết.

(5) Câu này tóm lược kỹ thuật tự biện của Socrates, phát xuất từ phương pháp biện chứng ba hồi elenchos (chất vấn, xem xét và phản bác) của ông, như đã được biểu hiện một cách cụ thể qua cuộc khảo hạch Meletus ngay tại tòa. Trong một thứ đạo lý danh dự như ở đây, sự hổ thẹn đóng một vai trò quan trọng ngay trong việc vận dụng elenchos.

Tham khảo các bài viết tư vấn báo dân trí của các luật sư:

(Dân trí)-Thủ tục chấm dứt hợp đồng do hết tuổi lao động - Thủ tục thành lập công ty cổ phần

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty TNHH - Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục mua bán, sát nhập doanh nghiệp - Thủ tục đơn phương xin ly hôn

(Dân trí)- Điều kiện việt kiều được mua nhà Việt Nam - Thủ tục giải thể doanh nghiệp

(Dân trí)- Thủ tục tặng, cho tài sản cho người thân -Thủ tục ly hôn với người nước ngoài

(Dân trí)- Điều kiện thành lập trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài -Thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi trụ sở công ty cổ phần - Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần -Thủ tục kết hôn với người nước ngoài

(Dân trí)-Thủ tục làm giấy phép tổ chức chương trình khuyến mại -Thủ tục Công chứng hợp đồng ủy quyền

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần - Chia tách thửa đất phải đảm bảo đủ các điều kiện nào?

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi tên công ty Trách nhiệm hữu hạn - Quyền chia thừa kế nhà đất

(Dân trí)-Thủ tục hủy bỏ hợp đồng công chứng - Quy định về trường hợp mất năng lực hành vi dân sự

Liên kết Xem thêm + trao đổi:

Là một trong những Công ty luật có đội ngũ Luật sư đông đảo và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi tư vấn và tham gia với vai trò luật sư, người đại diện khi khách hàng Ly hôn tư vấn các vấn đề liên quan tới  thủ tục ly hôn - ly hôn đơn phương Tranh chấp quyền nuôi con -  Phân chia tài sảnChúng tôi tham gia hoà giải và tư vấn.

Lĩnh vực đất đai, chúng tôi có các hoạt động tư vấn như:sang tên sổ đỏ , tư vấn luật đất đai ngoài ra lĩnh vực lao động, chúng tôi có các bài viết tư vấn luật lao động trên các phương tiện báo, website..

Lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư, chúng tôi có các luật sư giỏi tham gia Tư vấn đầu tư , tư vấn đầu tư nước ngoài tại việt nam là một hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư, vì vậy việc tư vấn tốt sẽ mang lại nhiều giá trị tư vấn luật đầu tư

Dịch thuật là một hoạt động bao gồm việc luận giải ý nghĩa của một đoạn văn trong một ngôn ngữ nào đó - văn nguồn - và chuyển sang một ngôn ngữ khác,  Dịch thuật công chứng

Dịch vụ kế toán , dịch vụ kế toán thuế phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ kế toán doanh nghiệp phát triển ở các tp, dịch vụ kế toán tại Hà Nội, ngoài ra lĩnh vực thuế chúng tôi cũng nhận và tư vấn chuyên sâu: dịch vụ kế toán thuế trọn gói tại hà nội , dịch vụ kế toán thuế tại hà nội, với nhiều năm tư vấn và thực hiện dịch vụ, chúng tôi đã phát triển, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, dịch vụ kế toán tại tphcm, cũng như dịch vụ kế toán tại đà nẵng. Các hoạt động như dịch vụ quyết toán thuếdịch vụ làm báo cáo tài chính.

Quản lý nhà hàngđào tạo quản lý nhà hàng với sự hỗ trợ của Ban khởi nghiệp Quốc gia (VCCI), Công ty Refber Việt Nam và Công ty Giải pháp Nhân sự Việt Nam phối hợp với Trường Trung cấp nghề nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội

Bạn muốn có một website để phục vụ kinh doanh, IT Việt Nam là đơn vị chuyên tư vấn, Thiết kế website: Tư vấn thiết kế website chuẩn SEO, hỗ trợ tư vấn tối ưu công cụ tìm kiếm: Google, Cốc Cốc, Bing... Với gói thiết kế website giá rẻ, chúng tôi tin rằng tất cả mọi người có thể sở hữu một website để kinh doanh.

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân