Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
Luật sư Nguyễn Thiều Dương bình luận: "giới hạn đưa tin về đời tư người khác của báo chí"
      Ở các quốc gia phát triển, chúng ta thường nghe kể về cách thức để những tay săn ảnh (Paparazzi) có được tấm hình độc quyền của một ngôi sao màn bạc, các phóng viên phải làm những thủ thuật gì để có được thông tin rất “riêng tư” về một chính trị gia nổi tiếng ... Những thông tin có tính “riêng tư” ấy thường tạo nên bản sắc của các tờ báo lớn, giúp lôi kéo được độc giả và qua đó tăng được lượng phát hành. Nhưng, không thể nghĩ rằng như vậy là phát luật của các quốc gia này không bảo vệ quyền bí mật đời tư của công dân mình. Chuyện báo chí phải ra tòa, phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại vì hành vi “vượt quá giới hạn” của mình là điều không hiếm.

Câu chuyện báo Pháp luật & Cuộc sống đăng tin về đám cưới năm 2001 của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và chuyện kiện tụng sau đó của ca sĩ này gợi lên  câu hỏi không phải mới nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự đối với nghề báo: Đưa tin về đời tư của người khác như thế nào thì đúng giới hạn? Đó là câu hỏi cần được trả lời không chỉ bới quy định của pháp luật mà phải bằng cả quy tắc ứng xử đạo đức nghề báo.

      Trước hết, xét về phạm vi điều chỉnh của pháp luật  đối với hoạt động tác nghiệp của nhà báo khi đưa tin về nhân thân của một công dân, thì nhà báo cần nắm vững những quy định về “quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín”(Điều 37 Bộ luật dân sự 2005) và Điều 38 BLDS 2005 quy định “quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Đồng thời, liên quan đến luật chuyên ngành điều chỉnh về vấn đề này, các nhà báo sẽ phải tuân thủ “những điều không được thông tin trên báo chí” theo Điều 10 Luật báo chí năm 1989 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1999), được quy định chi tiết tại Điều 5, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí. Trong các văn bản này, liên quan đến vấn đề đời tư của công dân, thì khoản 4, Điều 10 Luật báo chí quy định “không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân”.

      Nhà  nước đã ban hành những quy định đã nêu ở trên, nhưng để thấu hiểu thật rõ ràng các quy định này nhằm áp dụng vào thực tiễn tác nghiệp của nhà  báo thì vô cùng nan giải. Điều 38 BLDS 2005 quy định “quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” nhưng hiểu rõ thêm như thế nào là “bí mật đời tư” thì chưa có văn bản hướng dẫn  cụ thể. Luật báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ-CP cũng không nêu rõ những thông tin như thế nào thì được coi là thông tin về “bí mật đời tư”. Do đó, dù không đúng nguyên tắc áp dụng luật, nhưng trên thực tế tác nghiệp các nhà báo phải tự hiểu theo cách của mình để đưa tin đúng giới hạn mà pháp luật cho phép. Nếu điều này thường xuyên xảy ra, dễ dẫn đến sự tùy tiện trong cách ứng xử nghề nghiệp của các nhà báo, hơn nữa khi có những dấu hiệu được coi là vi phạm, công dân muốn khởi kiện nhà báo cũng khó có căn cứ pháp lý được coi là thuyết phục để bảo vệ quyền lợi của mình. Những tranh luận chưa có hồi kết sau sự kiện báo Pháp luật & Cuộc sống và ca sĩ Hồ Ngọc Hà là một ví dụ điển hình.

      Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cũng không thể đòi hỏi pháp luật chỉ rõ được từng khái niệm pháp lý một cách hoàn toàn chi tiết, có thể áp dụng dễ dàng ngay lập tức vào đời sống xã hội. Đặc biệt, những vấn đề thuộc về “danh dự”, “nhân phẩm”, “uy tín” hay “bí mật đời tư” đều là những khái niệm gắn với nhân thân con người, nó không có tính tuyệt đối đúng trong mọi trường hợp. Do đó, để xác định giới hạn của nhà báo đến đâu trong việc đưa tin về đời tư của người khác, ngoài việc phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các nhà báo cần có những quy chuẩn thuộc nghiệp vụ đặc thù của mình. Điều này xuất phát từ đòi hỏi thực tế của nghề báo, đồng thời cũng là thông lệ chung của báo chí quốc tế. Các nước như Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ … hiệp hội các phóng viên, nhà báo thường có những bộ quy tắc (quy chuẩn) về đạo đực rất quy cũ, theo đó các nhà báo tham gia cam kết tự nguyện thực hiện và chịu sự điều chỉnh bởi các “chế tài” mang tính đạo đức nghề nghiệp. Không dừng lại ở đó, các tờ báo danh tiếng thường cũng có những quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của mình. Ở nước ta, Hội nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” ngày 13 tháng 8 năm 2005, nhưng nội dung gồm 9 Điều của Quy định này rất ngắn gọn, các quy định khá chung chung chưa thực sự là bộ quy tắc chuẩn để các nhà báo có thể dựa vào đó để có các hành xử nghề nghiệp theo chuẩn mực chung.

      Như  vậy, giới hạn của nhà báo trong việc đưa tin về đời tư người khác bao gồm cả giới hạn về pháp luật và giới hạn về đạo đức. Trường hợp có nhiều tranh cãi qua việc đưa tin của một bài báo vừa qua cho thấy cả hai giới hạn này đối với nhà báo Việt Nam chưa thật sự được quy định rõ ràng (bằng các quy định của pháp luật và quy định của bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo). Hy vọng, trong thời gian tới chúng ta sẽ có những sử đổi bổ sung và hoàn thiện để các quy định để không “làm khó” các nhà báo trong quá trình hành nghề của mình. Đó cũng luôn là mong muốn của nhà báo, đồng thời là là kỳ vọng của xã hội. 

 

      Đối với thông tin về đám cưới của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, theo chúng tôi một đám cưới được tổ chức giữa chốn đông người không phải là bí mật, nhà báo đưa thông tin có thật về một đám cưới của một người chưa đủ tuổi kết hôn (nếu chính xác) cũng là điều bình thường. Có người đặt vấn đề sao đưa tin về ca sĩ Hồ Ngọc Hà mà không phải là người khác, theo chúng tôi việc này cũng là việc làm tất yếu của nhà báo, bởi nguyên tắc của báo chí là tôn trọng sự quan tâm của công chúng. Ca sĩ Hồ Ngọc Hà được công chúng quan tâm, do đó báo chí cũng cần quan tâm tới việc thông tin về cô để phục vụ công chúng. Nếu những thông tin khác của bài báo nếu không đúng sự thật, gây thiệt hại đến gia đình ca sĩ Hồ Ngọc Hà thì nhà báo và tòa soạn phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật.

  Luật sư Nguyễn Thiều Dương

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội


Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân