Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA VIỆC NUÔI CON NUÔI THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể công nhận việc nuôi con nuôi khi các bên đương sự thể hiện rõ ràng ý chí của mình đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết của việc nuôi con nuôi. Nói cách khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể công nhận việc nuôi con nuôi khi các sự kiện cấu thành đã hội tụ đầy đủ và được liên kết lại với nhau tại thời điểm phát sinh quan hệ pháp luật về nuôi con nuôi. Vì vậy có thể nói dưới góc độ là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi có bản chất là cấu thành sự kiện hay là sự kiện pháp lí phức hợp giản đơn (còn gọi là phức hợp tự do).

1. Khái niệm chung về nuôi con nuôi

Nuôi con nuôi có thể được hiểu theo hai góc độ: Là sự kiện pháp lí hoặc là quan hệ pháp luật. Bài viết này đề cập việc nuôi con nuôi dưới góc độ là sự kiện pháp lí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với ý nghĩa là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi bao gồm các sự kiện sau:

- Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi. Người nhận nuôi con nuôi phải thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn nhận nuôi đứa trẻ và thiết lập quan hệ cha mẹ và con với đứa trẻ đó. Ý chí, mong muốn đó của người nhận nuôi phải được thể hiện qua đơn xin nhận nuôi con nuôi;

- Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi. Ý chí của những người này trong việc cho trẻ em làm con nuôi phải minh bạch, và xuất phát từ sự tự nguyện thật sự của bản thân họ mà không có bất cứ sự tác động, thúc ép, dụ dỗ, hứa hẹn hoặc một áp lực nào. Nói cách khác, ý chí đó phải hoàn toàn độc lập. Nội dung của ý chí đó là đồng ý cho con mình làm con nuôi của người khác. Sự đồng ý đó có thể thể hiện bất cứ lúc nào nhưng nó chỉ có ý nghĩa sau khi đứa trẻ được sinh ra mà còn sống;

 

- Sự thể hiện ý chí của bản thân người con nuôi. Khoản 2 Điều 71 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Việc nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó”. Trong trường hợp này đứa trẻ tuy chưa được coi có năng lực hành vi đầy đủ nhưng đã có khả năng nhận thức nhất định về cuộc sống, có thể nhận biết và bày tỏ thái độ của mình mong muốn hay không mong muốn làm con nuôi người khác, cũng như cảm nhận được sự an toàn hay không an toàn khi được cho làm con nuôi người khác, khi phải thay đổi môi trường sống… Do đó, pháp luật quy định đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên có quyền thể hiện ý chí độc lập, quyết định vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mình; sự đồng ý làm con nuôi của đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lí;

- Sự thể hiện ý chí của Nhà nước. Ý chí của Nhà nước được thể hiện qua việc công nhận (hay không công nhận) việc nuôi con nuôi, thông qua thủ tục đăng kí việc nuôi con nuôi (hay từ chối việc đăng kí nuôi con nuôi). Việc nuôi con nuôi được công nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm phát sinh hiệu lực pháp lí của việc nuôi con nuôi.

Như vậy, việc nuôi con nuôi là tập hợp các sự kiện pháp lí. Nếu thiếu đi một trong các sự kiện cấu thành tập hợp đó thì không làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và đứa trẻ được nhận nuôi. Do đó, dưới góc độ là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi là cấu thành sự kiện – sự kiện pháp lí phức hợp.(1)

2. Bản chất pháp lí của việc nuôi con nuôi

Theo lí luận chung, sự kiện pháp lí phức hợp có thể có tính chất giản đơn, ràng buộc hoặc hỗn hợp.(2) Vậy sự kiện nuôi con nuôi có tính chất như thế nào? Để thấy được tính chất của sự kiện pháp lí này cần xem xét các sự kiện cấu thành của nó, bao gồm sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi, của cha mẹ đẻ, người giám hộ của người con nuôi, của bản thân người con nuôi và sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2.1. Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi

Người nhận nuôi con nuôi có thể nhận nuôi con nuôi vì nhiều lí do khác nhau nhưng trước hết là từ nhu cầu của người nuôi muốn nuôi dưỡng một đứa trẻ nhằm thiết lập quan hệ cha mẹ và con giữa hai bên. Nhu cầu đó bị chi phối trước tiên từ yếu tố tình cảm, xuất phát từ ý chí và sự chủ động của người nhận nuôi con nuôi. Người nuôi con nuôi muốn thông qua việc nhận nuôi một đứa trẻ để thoả mãn những nhu cầu nhất định của bản thân và gia đình. Bản thân người nhận nuôi con nuôi mới nhận thức được đầy đủ và hiểu rõ mong muốn của mình trong việc nhận nuôi con nuôi. Nhu cầu của người nuôi là lí do chủ yếu dẫn tới việc nhn nuôi con nuôi. Người nhận nuôi con nuôi thường có suy nghĩ kĩ càng trước khi đi đến quyết định nhận nuôi con nuôi. Việc có nhận nuôi con nuôi hay không là do chính bản thân người nuôi quyết định trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, chủ động và hiểu biết đầy đủ về hậu quả pháp lí của nó. Song sự tự nguyện đó phải xuất phát từ nhu cầu tình cảm, tinh thần của người nhận nuôi con nuôi và phù hợp với lợi ích của người được nhận làm con nuôi thì mới được coi là hợp pháp. Nếu việc nhận nuôi con nuôi xuất phát từ những động cơ, mục đích trái pháp luật, trái đạo đức sẽ không có giá trị pháp lí.

Trong trường hợp cả hai vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi thì bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi, có khác chỉ là ở chỗ sự thể hiện ý chí mong muốn nhận nuôi con nuôi phải là ý chí chung của cả hai vợ chồng. Hai vợ chồng phải thoả thuận và thống nhất được về việc nhận nuôi con nuôi. Trong đơn xin nhận nuôi con nuôi phải đứng tên cả hai vợ chồng với tư cách là cha nuôi và mẹ nuôi.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn khi người nhận nuôi con nuôi đã có vợ (chồng), nhưng vợ (hoặc chồng) của họ không muốn nhận nuôi con nuôi. Trong trường hợp này, đơn xin nhận nuôi con nuôi phải có chữ kí của cả vợ và chồng.(3) Quy định này có phần chưa được rõ ràng nên có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở bài viết khác.

Trong đơn xin nhận con nuôi, người nhận nuôi con nuôi có thể trình bày nguyện vọng của mình xin đích danh một trẻ em nào đó từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc từ gia đình.(4) Nếu chưa xác định được đích danh trẻ em cần xin làm con nuôi thì người nhận nuôi có thể trình bày nguyện vọng của mình về đặc điểm của trẻ em mà họ muốn nhận nuôi như tuổi, giới tính, tình trạng sức khoẻ, tình trạng gia đình của đứa trẻ: Là trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi hay đang sống tại gia đình… Nguyện vọng đó của người nhận nuôi về nguyên tắc được cơ quan có thẩm quyền tôn trọng và đáp ứng nếu có đối tượng trẻ em thích hợp.(5) Như vậy, người nhận nuôi con nuôi hoàn toàn chủ động thể hiện ý chí trong việc xin nhận nuôi một đứa trẻ phù hợp với nguyện vọng, tình cảm của mình. Chỉ khi người xin nuôi con nuôi không bày tỏ ý muốn của mình về đứa trẻ cụ thể muốn nhận nuôi mà chỉ thể hiện nguyện vọng xin nuôi con nuôi thì khi đó cơ quan có thẩm quyền có thể giới thiệu bất cứ trẻ em nào cho họ.

Từ sự phân tích trên cho thấy người nhận nuôi con nuôi luôn chủ động và độc lập trong việc nhận nuôi con nuôi. Việc nhận nuôi con nuôi thể hiện rõ ý chí đơn phương từ phía người nhận nuôi. Người nhận nuôi con nuôi thể hiện ý chí của mình một cách chủ động, khách quan thông qua đơn xin nhận nuôi con nuôi. Họ cũng có thể đưa đơn bất cứ vào lúc nào mà họ muốn. Hành vi đó của người nhận nuôi con nuôi chỉ phát sinh hậu quả pháp lí khi có người được nhận nuôi phù hợp, được cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ đồng ý và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Như vậy có thể nói sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi là hành vi pháp lí đơn phương, nó chỉ có hiệu lực khi được các chủ thể có liên quan tiếp nhận.

2.2. Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người được cho làm con nuôi 

+ Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ

Khoản 1 Điều 71 Luật HN&GĐ quy định: “Việc nhận người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự làm con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đẻ của người đó…”.

Việc cho con mình làm con nuôi người khác thường là việc làm bất đắc dĩ trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Do đó, cha mẹ đẻ luôn cân nhắc, suy nghĩ kĩ trước khi quyết định cho con mình làm con nuôi với mong muốn đứa trẻ sẽ có môi trường, điều kiện sống tốt hơn, khi bản thân họ không thể có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc cho trẻ. Việc cho con làm con nuôi phải xuất phát từ sự tự nguyện thật sự của cha mẹ đẻ trên cơ sở lợi ích của đứa trẻ. Sự tự nguyện thật sự là sự tự nguyện được hình thành trên cơ sở nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và hậu quả pháp lí của việc cho con làm con nuôi, phù hợp với mong muốn và tình cảm của cha mẹ đẻ, phù hợp với lợi ích của người con nuôi. Mọi sự đồng ý cho con làm con nuôi vì mục đích trục lợi đều không phù hợp với bản chất của việc nuôi con nuôi và không phải tự nguyện thật sự. Ngược lại, mọi sự tác động, dụ dỗ, lừa dối, cưỡng ép… để có được sự đồng ý của cha mẹ đẻ trong việc cho con mình làm con nuôi cũng đều không hợp pháp và về nguyên tắc không có giá trị pháp lí. Sự đồng ý cho con mình làm con nuôi người khác phải xuất phát từ tự nguyện và ý chí độc lập của cha mẹ đẻ. Sự đồng ý đó phải được thể hiện một cách khách quan bằng văn bản và phải được xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp cơ sở nơi cư trú của cha mẹ đẻ (Điều 36 Nghị định 83).

Sự đồng ý của cha mẹ đứa trẻ về việc cho con làm con nuôi cần phân biệt một số trường hợp cụ thể sau:

- Khi cha mẹ đẻ đều còn sống và có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đó trong việc cho con làm con nuôi, kể cả trong trường hợp cha mẹ đẻ đã li hôn, chỉ có một người (cha đẻ hoặc mẹ đẻ) trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đó;

- Khi một người, cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần sự đồng ý của người kia(6);

- Khi không xác định được cha đẻ của đứa trẻ thì chỉ cần sự đồng ý của người mẹ; khi không xác định được mẹ đẻ của đứa trẻ thì chỉ cần sự đồng ý của người cha đẻ;

- Sự đồng ý của cha mẹ đẻ là điều kiện bắt buộc trong trường hợp người được nhận làm con nuôi dưới 18 tuổi hoặc người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp con đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tự nguyện đồng ý làm con nuôi người khác thì không cần có sự đồng ý của cha mẹ đẻ.

+ Sự đồng ý của người giám hộ

Khoản 1 Điều 71 Luật HN&GĐ quy định: “… nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha mẹ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ”. Người giám hộ chỉ có quyền thể hiện ý chí cho người mà mình giám hộ làm con nuôi khi cả cha mẹ đẻ của người đó đều không xác định được hoặc đều đã chết, bị tuyên bố chết hoặc đều mất năng lực hành vi dân sự.

Người giám hộ có thể là người giám hộ đương nhiên, người giám hộ được cử hoặc người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng. Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng chỉ có quyền đồng ý cho trẻ em đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi “trong trường hợp trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ rơi, bị bỏ lại cơ sở y tế hoặc khi trẻ em đó được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng đã có giấy của cha mẹ đẻ đồng ý cho con làm con nuôi hoặc cha mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự”.(7) Giấy thoả thuận đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của người giám hộ phải có xác nhận của uỷ ban nhân dân cơ sở nơi cư trú của người giám hộ.

Qua các quy định trên có thể thấy về nguyên tắc, ý chí của người giám hộ về việc cho đứa trẻ được giám hộ làm con nuôi phải xuất phát trên cơ sở ý chí của cha mẹ đẻ đã thể hiện từ trước. Nếu cha mẹ đẻ còn có khả năng thể hiện ý chí của mình thì việc cho con làm con nuôi phải do chính họ quyết định.

Từ những phân tích trên cho thấy sự thể hiện ý chí của người cho con nuôi là hành vi pháp lí đơn phương, thể hiện ý chí độc lập của một bên chủ thể (bên cho con nuôi). Hành vi pháp lí đơn phương đó có thể do một chủ thể thực hiện (cha đẻ hoặc mẹ đẻ của đứa trẻ khi một bên chết trước hoặc mất năng lực hành vi dân sự…) nhưng cũng có thể do hai chủ thể thực hiện (cha mẹ đẻ cùng thoả thuận cho con làm con nuôi, ông bà với tư cách là người giám hộ cho cháu chưa thành niên…). Hành vi pháp lí đơn phương này chỉ phát sinh hậu quả pháp lí khi có sự tiếp nhận của chủ thể phía bên kia là người nhận nuôi con nuôi và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

2.3. Sự thể hiện ý chí của người được nhận làm con nuôi

Một quyền cơ bản của trẻ em là quyền được tự do bày tỏ quan điểm của mình về“những vấn đề có tác động đến trẻ em, những quan điểm của trẻ em được coi trọng một cách thích ứng với tuổi và độ trưởng thành của trẻ em”.(8) Pháp luật quy định sự bày tỏ ý chí đồng ý làm con nuôi của trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lí. Đứa trẻ có quyền quyết định một cách độc lập có đồng ý làm con nuôi người khác hay không trên cơ sở tự nguyện thật sự, phù hợp với nhận thức, tình cảm của đứa trẻ đối với việc được nhận làm con nuôi. Chỉ trên cơ sở đó thì sự đồng ý của đứa trẻ mới có giá trị pháp lí vì nó minh bạch, rõ ràng. Sự đồng ý của đứa trẻ có được do dụ dỗ, mua chuộc hay bị lừa dối, cưỡng ép, khống chế… dù từ bất cứ ai đều làm cho việc nuôi con nuôi không có giá trị pháp lí. Vì vậy, sự đồng ý của bản thân người được nhận làm con nuôi được coi là hành vi pháp lí đơn phương, phát sinh một cách độc lập, vào bất cứ thời điểm nào mà không phụ thuộc vào ý chí của cha mẹ đẻ, người giám hộ.

2.4. Sự thể hiện ý chí của Nhà nước

Ý chí của Nhà nước được thể hiện qua việc công nhận hoặc không công nhận việc nuôi con nuôi trên cơ sở xem xét ý chí tự nguyện của các bên đương sự, thẩm tra các điều kiện cần thiết về phía người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi, cũng như mục đích của việc nuôi con nuôi. Sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện qua việc tiến hành đăng kí nuôi con nuôi và ra quyết định công nhận nuôi con nuôi. Quyết định công nhận nuôi con nuôi là cơ sở pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và đứa trẻ được nhận nuôi.

Tóm lại, việc nuôi con nuôi với ý nghĩa là sự kiện pháp lí phức hợp bao gồm nhiều sự kiện cấu thành. Vậy giữa các sự kiện cấu thành đó có mối liên hệ với nhau như thế nào? Từ sự phân tích trên có thể thấy rõ: Giữa các sự kiện cấu thành trên có mối liên hệ linh hoạt, không ràng buộc, không chi phối, không phụ thuộc lẫn nhau. Các sự kiện cấu thành đó có thể phát sinh ở những thời điểm khác nhau một cách tự do, độc lập. Chúng sẽ được liên kết lại tại thời điểm cuối cùng với sự phán quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể công nhận việc nuôi con nuôi khi các bên đương sự thể hiện rõ ràng ý chí của mình đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết của việc nuôi con nuôi. Nói cách khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể công nhận việc nuôi con nuôi khi các sự kiện cấu thành đã hội tụ đầy đủ và được liên kết lại với nhau tại thời điểm phát sinh quan hệ pháp luật về nuôi con nuôi. Vì vậy có thể nói dưới góc độ là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi có bản chất là cấu thành sự kiện hay là sự kiện pháp lí phức hợp giản đơn (còn gọi là phức hợp tự do).

Xác định rõ bản chất pháp lí của việc nuôi con nuôi với tư cách là sự kiện pháp lí làm phát sinh quan hệ pháp luật là cơ sở để xây dựng những quy phạm pháp luật phù hợp, chính xác điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi./.


(1).Xem: "Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật", Trường đại học luật Hà Nội, tr.458.

(2). Sđd, tr. 459.

(3).Xem: Điều 36 Nghị định số 83/1998/ NĐ-CP.

(4).Xem: Điều 42, 43 Nghị định số 68/2002/ NĐ-CP.

(5).Xem: Điều 51 Nghị định số 68/2002/ NĐ-CP.

(6).Xem: Điều 36 Nghị định số 83/1998/NĐ-CP và điểm b khoản 3 Điều 44 Nghị định 68/2002/ NĐ-CP.

(7).Xem: Điểm a khoản 3 Điều 44 Nghị định số 68/2002/ NĐ-CP.

(8).Xem: Điều 12, 13 Công ước quốc tế về quyền trẻ em, khoản 1 Điều 8 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em .

SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 3 NĂM 2004

Tham khảo các bài viết tư vấn báo dân trí của các luật sư:

(Dân trí)-Thủ tục chấm dứt hợp đồng do hết tuổi lao động - Thủ tục thành lập công ty cổ phần

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty TNHH - Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục mua bán, sát nhập doanh nghiệp - Thủ tục đơn phương xin ly hôn

(Dân trí)- Điều kiện việt kiều được mua nhà Việt Nam - Thủ tục giải thể doanh nghiệp

(Dân trí)- Thủ tục tặng, cho tài sản cho người thân -Thủ tục ly hôn với người nước ngoài

(Dân trí)- Điều kiện thành lập trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài -Thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi trụ sở công ty cổ phần - Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần -Thủ tục kết hôn với người nước ngoài

(Dân trí)-Thủ tục làm giấy phép tổ chức chương trình khuyến mại -Thủ tục Công chứng hợp đồng ủy quyền

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần - Chia tách thửa đất phải đảm bảo đủ các điều kiện nào?

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi tên công ty Trách nhiệm hữu hạn - Quyền chia thừa kế nhà đất

(Dân trí)-Thủ tục hủy bỏ hợp đồng công chứng - Quy định về trường hợp mất năng lực hành vi dân sự

Liên kết Xem thêm + trao đổi:

Là một trong những Công ty luật có đội ngũ Luật sư đông đảo và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi tư vấn và tham gia với vai trò luật sư, người đại diện khi khách hàng Ly hôn tư vấn các vấn đề liên quan tới  thủ tục ly hôn - ly hôn đơn phương Tranh chấp quyền nuôi con -  Phân chia tài sản, Chúng tôi tham gia hoà giải và tư vấn.

Lĩnh vực đất đai, chúng tôi có các hoạt động tư vấn như:sang tên sổ đỏ , tư vấn luật đất đai ngoài ra lĩnh vực lao động, chúng tôi có các bài viết tư vấn luật lao động trên các phương tiện báo, website..

Lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư, chúng tôi có các luật sư giỏi tham gia Tư vấn đầu tư , tư vấn đầu tư nước ngoài tại việt nam là một hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư, vì vậy việc tư vấn tốt sẽ mang lại nhiều giá trị tư vấn luật đầu tư

Dịch thuật là một hoạt động bao gồm việc luận giải ý nghĩa của một đoạn văn trong một ngôn ngữ nào đó - văn nguồn - và chuyển sang một ngôn ngữ khác,  Dịch thuật công chứng.

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân